Khi nào nên cho trẻ uống thuốc trị cảm lạnh?

Mặc dù hầu hết cảm lạnh ở trẻ em không gây ra các biến chứng nghiêm trọng, nhưng chúng có thể gây lo lắng cho cha mẹ và người chăm sóc.

Đây cũng là một trong những lý do hàng đầu khiến trẻ em phải đến bác sĩ. Cả hai loại thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn đều có sẵn để điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh, nhưng hầu hết trẻ em sẽ tự khỏi và có thể không cần dùng thuốc. Vậy khi nào cần dùng thuốc trị ho và cảm lạnh cho trẻ?

Trẻ mắc cảm lạnh chủ yếu đều do virut. Triệu chứng thường gặp nhất là ho và sổ mũi. Ho thường nặng hơn vào ban đêm, không làm ảnh hưởng tới phổi. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi và không chịu ăn uống. Thông thường, các triệu chứng sẽ tồi tệ hơn trong 2-3 ngày đầu tiên và giảm nhẹ hơn trong vài ngày sau đó do hệ thống miễn dịch đang diệt virut.

Chỉ sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ khi thật cần thiết.

Biện pháp không dùng thuốc

Thông thường, cảm lạnh sẽ diễn ra trong 1 hoặc 2 tuần và sẽ tự khỏi, không cần dùng thuốc.

Ho là triệu chứng bình thường của cảm lạnh và giúp cơ thể loại bỏ chất nhầy ra khỏi đường thở và bảo vệ phổi. Cơn ho khó chịu có thể kéo dài lên đến 2-4 tuần sau khi các triệu chứng khác đã biến mất. Nếu trẻ chỉ ho húng hắng, không sốt thì không cần dùng thuốc ho. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc khi ho bao gồm uống nhiều nước, đặc biệt là đồ uống ấm để làm dịu cổ họng. Trường hợp trẻ ho nhiều, thở rít, mệt lử đử thì cần đi khám bác sĩ để có chỉ định.

Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và không không phải lúc nào cũng cần được điều trị. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, trẻ vẫn tỉnh và chơi bình thường không cần dùng thuốc hạ sốt.

Đối với trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, hãy sử dụng nước muối để rửa mũi hoặc xịt mũi giúp làm ẩm đường mũi và làm lỏng chất nhầy. Sau đó làm sạch mũi bằng dụng cụ hút mũi được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, có thể làm ẩm không khí và giảm khô mũi họng bằng máy phun sương hoặc máy làm ẩm không khí.

Dùng thuốc như thế nào?

Thuốc kháng sinh không diệt được virut, do đó, không được sử dụng cho ho và cảm lạnh thông thường.

Các loại thuốc ho hoặc cảm lạnh được quảng cáo và bán rất nhiều ở các hiệu thuốc. Chúng thường kết hợp một số thành phần như paracetamol, thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin và thuốc ho. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng rằng đây là những biện pháp để khắc phục ho và cảm lạnh. Ngoài ra, thuốc còn có thể có tác dụng phụ như gây dị ứng, an thần gây ngủ gà...

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ dùng thuốc acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen có thể giúp giảm sốt và đau. Tuy nhiên cần dùng thuốc một cách cẩn thận để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, nhất là với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Đối với trẻ nhỏ nên chọn dùng dạng thuốc lỏng (dung dịch, siro, hỗn dịch...) để trẻ dễ uống. Liều dùng được dựa trên cân nặng của trẻ. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để tìm ra liều lượng thích hợp cho cân nặng của con bạn, đảm bảo dùng đúng liều lượng và thực hiện các hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Thông thường các nhà sản xuất thuốc sẽ cung cấp dụng cụ đong liều đi kèm như cốc, thìa, xi lanh có chia vạch giúp đong liều chính xác đối với những thuốc dùng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ (người chăm sóc) cần lấy dụng cụ đong đi kèm với thuốc này để đong liều thuốc cho trẻ uống. Không dùng thìa hoặc dụng cụ trong gia đình đong thuốc để tránh dùng sai liều thuốc cho trẻ. Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc nên cách nhau ít nhất từ 4-6 giờ (đối với paracetamol) và 6-8 giờ (đối với ibuprofen).

Một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, đầy hơi; ngứa da hoặc phát ban da, ù tai, nhìn mờ... Tuy nhiên cũng có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như các dấu hiệu dị ứng: Phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng... cần ngừng thuốc và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.

Đối với người lớn trung bình bị khoảng 2-3 lần cảm lạnh mỗi năm. Ở trẻ em bị cảm lạnh thậm chí thường xuyên hơn. Tốt nhất khi trẻ bị cảm lạnh nên cho trẻ nghỉ ngơi và chăm sóc. Không nên tìm ngay đến các thuốc giảm đau, thuốc thông mũi và các loại thuốc trị cảm lạnh khác.Chỉ sử dụng thuốc khi các triệu chứng quá khó chịu hoặc khiến bệnh nhân khó thở hoặc khó ngủ...

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Không phải cứ mỗi khi trẻ ngạt mũi hay ho là đưa trẻ đi khám. Đối với tất cả trẻ em, hãy đến bác sĩ để khám nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Sốt ở trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở xuống; sốt từ 39 độ C trở lên ở mọi lứa tuổi; môi xanh; thở nhanh, khó thở; không ăn hoặc uống, có dấu hiệu mất nước (như đi tiểu giảm); hay quấy khóc hoặc buồn ngủ; đau tai dai dẳng; ho kéo dài hơn 3 tuần; tình trạng bệnh của trẻ trở nên tồi tệ hơn... Vì những triệu chứng này có thể báo hiệu rằng con bạn có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn cảm lạnh.

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-nen-cho-tre-uong-thuoc-tri-cam-lanh-n155018.html