Khi ly hôn không thống nhất được về tài sản

Chị Đỗ Thị H và anh Phạm Gia N, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội, kết hôn năm 1992, có đăng ký tại UBND xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Chung sống một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, hai vợ chồng sống ly thân từ tháng 9- 2008 đến nay.

Do đó, ngày 18-4-2009, chị H chủ động khởi kiện xin ly hôn, anh N cũng đồng ý. Họ có 2 con chung (Phạm Gia K, SN 1992 và Phạm Hương G, SN 2000). Cả hai đều có nguyện vọng nuôi cả hai con và không yêu cầu người còn lại đóng góp nuôi con.

Về tài sản, họ có xây nhà hai tầng vào năm 2002 (năm 2005 xây thêm một tum để chống nóng), nhà được xây trên thửa đất 80m2 tại xóm Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Về nhà, vợ chồng thống nhất là tài sản chung hai vợ chồng. Riêng về đất thì các bên không thống nhất được với nhau. Theo chị H, đất là của gia đình ông Phạm Gia P (bố đẻ anh N) được cấp đất giãn dân năm 1992, sau đó gia đình ông P đã họp và tuyên bố cho vợ chồng chị diện tích đất, không làm giấy tờ.

Ảnh minh họa

Năm 2001, ông P sang báo và anh N đi làm thủ tục cấp sổ đỏ nên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ anh Phạm Gia N nên đất này là tài sản chung của vợ chồng. Chị yêu cầu được sử dụng nhà và đất nêu trên và thanh toán 1/2 giá trị đất và tài sản trên đất cho anh N như giá mà hội đồng định giá đã đưa ra. Anh N nói, thửa đất này bố mẹ anh được cấp giãn dân năm 1992, bố mẹ chỉ cho vợ chồng ở nhờ chứ chưa cho vì gia đình anh còn đông anh em. Năm 2001, anh tự kê khai làm giấy tờ đất, gia đình anh không biết. Quan điểm của anh là trả lại đất cho ông P.

Còn ông P và bà T (bố mẹ anh N) giải thích, nguồn gốc đất là của ông được cấp đất giãn dân năm 1992, ông có xây một căn nhà cấp 4 trên đó. Năm 1993, gia đình ông cho vợ chồng anh N, chị H ra đó làm ăn sinh sống chứ không cho đất vì vợ ông bị liệt 15 năm nay, ông và anh Ơ (em trai anh N) phải chăm sóc, nguyện vọng của gia đình là để mảnh đất này cho anh Ơ vì anh Ơ chưa có chỗ ở. Khi gia đình được cấp đất giãn dân thì gia đình chỉ có 4 người (còn anh N đã thoát ly khỏi địa phương). Khi chị H xin ly hôn thì gia đình mới biết anh N đã tự động sang tên đất từ năm 2001. Nay ông, bà yêu cầu anh N, chị H trả lại đất cho ông, bà.

Chị H còn cho biết, vợ chồng vay của bà Hoàng Thị C (mẹ chị) 7,5 chỉ vàng 9999, vay của chị Đỗ Thị Ngọc H (chị gái chị) 1 cây vàng 9999, vay của anh Bùi Văn Đ 150.000.000 đồng, lãi suất 1,25%/tháng, tất cả các khoản vay này đều không có giấy tờ. Chị yêu cầu anh N phải cùng chị thanh toán các khoản nợ trên. Nhưng anh N cho rằng, vợ chồng chỉ nợ bà C 7,5 chỉ vàng, anh đã trả được 13.875.000 đồng (tương đương 3,75 chỉ vàng). Còn các khoản vay khác anh không biết, anh không đồng ý trả theo yêu cầu của chị H. Hội đồng định giá đã định giá tài sản kết luận, nhà, đất có tổng giá trị tài sản là 2.235.865.000 đồng.

Tại Bản án sơ thẩm số 03/2011/HNGĐ-ST ngày 17-5-2011, TAND huyện Thường Tín đã quyết định, chị H được ly hôn anh N; giao cháu G, cho mẹ. Tài sản chung, công sức đóng góp: Xác nhận ngôi nhà hai tầng 1 tum và toàn bộ công trình trên thửa đất số 63 tờ bản đồ số 5 ở Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội là tài sản chung của hai vợ chồng, giá trị 475.865.000 đồng.

Xác nhận quyền sử dụng đất 80m2 đất thửa số 63 tờ bản đồ số 5 ở Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia P. Buộc chị H, anh N phải trả lại cho hộ gia đình ông P quyền sử dụng 80m2 trên. Giao hộ gia đình ông P được quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên thửa đất này gồm nhà hai tầng và công trình trên đất. Ông P phải thanh toán trả chị H, anh N - mỗi người 237.932.500 đồng.

Kiến nghị UBND huyện Thường Tín thu hồi sổ đỏ cấp ngày 21-12-2001, mang tên hộ anh N; ghi nhận sự tự nguyện của anh N hỗ trợ chị H 800.000.000 đồng. Chị H phải thanh toán trả cho anh Đ 179.820.000 đồng.

Sau đó, chị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 105, TAND TP Hà Nội tuyên giữ bản án sơ thẩm. Chị H và bà C có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 05 ngày 3-1-2013, Chánh án TAND TC kháng nghị đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 105 của TAND TP Hà Nội, đề nghị Tòa dân sự - TAND TC xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án về phần quan hệ tài sản; giao hồ sơ cho TAND huyện Thường Tín, xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 của Hội đồng thẩm phán TAND TC, án lệ được hiểu như sau: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

(Còn nữa)

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khi-ly-hon-khong-thong-nhat-duoc-ve-tai-san-108998.html