Khai hội Xuân Yên Tử: Khoảnh khắc giao thoa Đất - Trời

Ngày 14/2/2019 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), Yên Tử chính thức bước vào mùa lễ hội với sự náo nức của người dân và du khách thập phương về dâng hương, vãng cảnh.

Sau lễ hội chùa Hương, thì lễ hội Yên Tử đang là lễ hội hành hương lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô và thời gian trẩy hội. Ca dao xưa có câu:

"Trăm năm tích đức tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa Xuân. Năm nay ngày khai hội nhằm vào ngày 14/2 theo Dương lịch. Thật may mắn cho chúng tôi đã có cơ hội viếng thăm Yên Tử đúng vào thời khắc bắt đầu ngày khai hội Mùa Lễ hội Yên Tử 2019.

Khu Di tích Yên Tử nổi tiếng với Chùa Đồng linh thiêng trên độ cao 1068m so với mực nước biển, thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông – vị Tổ đầu tiên của dòng Phật giáo Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam.

Cùng với chùa Đồng, tại khu di tích này còn có rất nhiều các chùa khác và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ. Ngoài ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá và rừng tháp gắn liền với biết bao huyền thoại về vị vua Trần, thì một điều hấp dẫn khách hành hương là những chùa, am, tháp thấy cứ ẩn hiện trong rừng núi, làm du khách khi leo núi vừa đến lúc mệt lại hiện ra một di tích, vậy là mọi mệt nhọc lại tiêu tan bởi sự háo hức khám phá bất ngờ. Mỗi di tích đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú.

Những điểm nhấn chính là suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiên và đểm cuối cùng là chùa Đồng, trên trục chính ấy du khách còn gặp những Tháp Tổ, chùa Một mái, chùa Bảo Sái, tượng Yên Kì Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, Thác vàng, Thác Bạc, Thiền Viện Trúc Lâm và nhiều am, tháp, thắng cảnh khác…

Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử trong thời khắc đầu tiên của ngày khai hội

Giống như lễ hội chùa Hương, đi hội Yên Tử xưa kia là một hành trình vất vả, có lẽ vì thế mà đến được những nơi thiêng liêng như vậy trong cuộc đời một con người quả thực là một niêm mơ ước lớn. Hơn nữa, nếu đi lễ ở những nơi khác, khách hành hương chỉ có thể được chiêm ngưỡng một vài di tích, thì đến đây là cả một quần thể danh thắng, đó là chưa nói đến sự linh thiêng và giá trị lịch sử của nó.

Vì vậy, để đi được Yên Tử, với một Phật tử bình thường trước đây là cả một mong ước và khi có điều kiện cũng phải chuẩn bị kĩ và kéo dài vài ngày. Bởi vì, chỉ đi bộ từ chân núi đến được chùa Đồng chiều dài đã hơn 6000m. Cho nên, đi hội Yên Tử xưa thực sự là một cuộc hành hương về đất Phật. Đến đây, du khách được thưởng thức danh lam thắng cảnh, được lễ Phật và nghe giảng kinh, được thanh thản tâm hồn sau những ngày lao động vất vả…

Một trong những xu thế ngày càng phát triển của du lịch Việt Nam đó chính là du lịch hành hương. Bên cạnh những niềm tin tôn giáo thì giá trị lịch sử của khu di tích Yên Tử này là một bài học lịch sử đối với tất cả người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài về một triều đại oanh liệt, về một dòng thiền Trúc lâm trong Phật giáo Việt Nam. Đến đây, du khách được thấy tận mắt những bằng chứng sống của một giai đoạn lịch sử, hơn thế là những giai thoại và câu chuyện gắn liền với các hiện vật còn lại ở đó, như vậy bài học lịch sử càng sâu sắc thêm.

Tại mùa Lễ hội Yên Tử 2019, theo thông tin từ UBND thành phố Uông Bí, các chương trình nghệ thuật chào mừng hội xuân Yên Tử sẽ có nhiều nét mới về hình thức dàn dựng, biểu diễn, trên tinh thần làm nổi bật không khí tươi vui, rộn rã của lễ hội. Trong suốt thời gian hội xuân sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: trò chơi dân gian, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử, trưng bày hoa, cây cảnh, mai vàng Yên Tử.

Trên dọc tuyến đường hành hương từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng, Ban Tổ chức Lễ hội đã rà soát, chỉnh trang lại các lối đi, hệ thống loa thông tin, đèn báo, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách. Riêng tại khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng do địa hình hiểm trở, để tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn, các đơn vị liên quan đã có phương án phân luồng giao thông, thống nhất hướng dẫn hướng đi cho du khách.

Chia sẻ với chúng tôi về niềm hoan hỉ khi lần đầu hành hương đến đất Phật Yên Tử, Thượng tọa Thích Trí Minh đến từ Khánh Hòa chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Yên Tử là Yên Tử rất đẹp. Từ cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng của những đỉnh núi chìm trong sương mù, những mái chùa, am, tháp cổ kính, trầm mặc… đến sự sạch đẹp về môi trường, quy củ trong an ninh trật tự…”.

Từ những triết lý của Phật giáo, qua trí tuệ mẫn tiệp của một vị vua anh minh của một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt nam (triều Trần), một dòng Phật giáo riêng của Việt Nam xuất hiện – dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nó đã tồn tại 700 năm và vẫn đang tồn tại hay cũng có thể nói từ triết lý Phật giáo ấy mà các di tích và các sinh hoạt văn hóa xuất hiện vừa bổ trợ vừa làm cho Phật giáo ấy phong phú thêm, góp phần tích cực vào đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người dân đất Việt.

Việt Nga - Lưu Vân

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cam-xuc-ngay-xuan-khai-hoi-xuan-yen-tu-khoanh-khac-giao-thoa-dat-troi-144949.html