Khắc họa Điện Biên Phủ bằng hình

Hai bộ phim về Điện Biên Phủ do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất: 'Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử', đạo diễn NSƯT Phạm Huyên, biên kịch Phạm Minh Lợi và 'Những người truyền lửa', biên kịch Phạm Hoài Thương, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, sẽ ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2019).

Bộ phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử” nằm trong dự án phim dài 22 tập có tựa đề chung “Con đường đã chọn”. Mỗi tập của bộ phim này đều có tên riêng, tương ứng với từng giai đoạn lịch sử.

Phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử” không chỉ nhắc lại các sự kiện lịch sử trong những chặng đường chiến tranh giữ nước, mà còn mang đến cho người xem thông điệp về tinh thần đấu tranh giành độc lập của toàn quân, toàn dân ta. Hơn nữa, thông qua tác phẩm điện ảnh này, đạo diễn muốn khắc họa sức mạnh của dân tộc Việt Nam; tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc lãnh đạo toàn dân kháng chiến; sự mưu lược của những tướng lĩnh cầm quân trong chiến tranh giữ nước. Và trên hết là sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân để non sông thu về một mối, dân tộc Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình.

Cảnh trong bộ phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử”.

Với cách trình bày đơn giản, dễ xem, dễ hiểu nhưng sâu sắc, bộ phim là câu chuyện kể lại với thế hệ trẻ về sức mạnh của quân và dân Việt Nam. Bộ phim “Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến lịch sử” không chỉ tổng hợp, phân tích các sự kiện lịch sử mà còn đưa ra những đánh giá, nhận định của nhiều học giả, nhà báo, nhà quân sự và của chính những người trong cuộc về sự kiện lịch sử để nhìn lại quá khứ hào hùng. Đây là tác phẩm điện ảnh đã tham dự giải Cánh diều 2018.

Thông qua các câu chuyện của những nhân chứng, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phim “Những người truyền lửa” dài 30 phút cũng là một trong những tác phẩm mà các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội thực hiện với mong muốn mang đến cho người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

Trong số các nhân chứng của bộ phim “Những người truyền lửa” có bà Trần Thị Ngà, nguyên là nữ văn công của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, năm nay đã 80 tuổi. Những ngày tháng chiến đấu dưới bầu trời Điện Biên Phủ năm xưa luôn là những ký ức không thể phai mờ đối với người phụ nữ này. Những ký ức ấy được bà Trần Thị Ngà giữ lại bằng những vần thơ chép vội trong sổ tay nhật ký, những tấm ảnh đã hoen ố với thời gian… Những ký ức đó luôn rõ nét, sống động như thước phim quay chậm với cảm xúc không bao giờ quên của chính những văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch ngày đó.

Cảnh trong bộ phim “Những người truyền lửa” . Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân cung cấp..

Các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân đang thực hiện cảnh quay của bộ phim. “Những người truyền lửa” . Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân cung cấp.

Bà Trần Thị Ngà và gia đình còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về Điện Biên Phủ, kỷ vật của thời tuổi trẻ bà đã đi qua. Những giai điệu về Điện Biên Phủ luôn vang lên trong ngôi nhà nhỏ của bà như một cách giúp bà hồi tưởng lại tuổi trẻ. Trong ký ức của nữ văn công năm xưa chưa bao giờ quên những tháng năm tuổi trẻ vượt hàng trăm cây số, mang tiếng hát, điệu múa của mình góp phần động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong những hình ảnh mà bà Ngà còn lưu giữ được, hầu hết những nam nữ văn công thời ấy tuổi đời còn rất trẻ, theo tiếng gọi lên đường ra trận như những chiến sĩ thực thụ, mang ba lô, vác theo 3 - 4 kg gạo, ống nước, lựu đạn và một cái xẻng để đào hầm, đào công sự. Vừa hành quân vừa học hát. Bà Trần Thị Ngà kể, có những bài hát nhạc sĩ vừa sáng tác xong, chỉ trong một buổi sáng là đoàn văn công đã học thuộc để kịp buổi diễn cho bộ đội nghe. Trên những nẻo đường chiến dịch, được chứng kiến cuộc sống của các đồng bào, những nghệ sĩ - chiến sĩ đã bồi đắp thêm vốn sống và sáng tạo nên nhiều điệu múa, lời ca sau này.

Với những tiếng hát, lời ca của những ca khúc gắn liền với Điện Biên vang lên trong ngôi nhà của bà Trần Thị Ngà trong bộ phim này thật ấm cúng. Những chiến sĩ văn công xưa tóc đều đã bạc, trong bộ quân phục đã ngả màu nhưng họ vẫn say sưa hát như đang ở tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết.

Nhớ về những ngày biểu diễn ở chiến trường Điện Biên Phủ, Trung tá Phùng Đệ, nguyên quay phim Xưởng phim Quân đội nhân dân cho biết: “Tôi nhớ mãi một lần biểu diễn điệu múa xòe Thái nhưng văn công nữ không đủ, ông buộc lòng mặc váy xòe buổi diễn cho bộ đội xem. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi xem xong ra nói nhỏ với đoàn văn công rằng: “Văn công thiếu thốn nhiều, nhưng có sao diễn vậy”. Khi văn công đi lên chiến hào động viên bộ đội xuất kích, các văn công đứng trên chiến hào hát hành khúc để động viên tinh thần bộ đội, lúc cất cao tiếng hát, tôi cảm thấy rất tự hào, khí thế chiến đấu dâng lên ngùn ngụt”.

Hai tác phẩm tuy cùng một đề tài là khắc họa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường Điện Biên Phủ nhưng cách thể hiện khác nhau, mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về năm tháng chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Mỗi tác phẩm điện ảnh này chứa đựng tình cảm của những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân dành cho khán giả nhân dịp Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2019) và cũng là nén tâm nhang tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh cho cuộc chiến đấu này.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khac-hoa-dien-bien-phu-bang-hinh-573112