KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP THỨ 47 VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT ĐÃ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 9

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 về các dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các dự thảo Luật. Đồng thời lưu ý một số vấn đề đối với từng dự án, cụ thể như sau:

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

- Tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ về việc quy định các điều kiện đăng ký thường trú, nhất là đối với người đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cần làm rõ sự cần thiết của việc giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về diện tích bình quân về chỗ ở làm điều kiện cho việc đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hạn chế việc sử dụng các điều kiện để làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền cư trú của công dân. Việc xử lý các vấn đề về tăng dân số cơ học quá nhanh tại các đô thị vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật đô thị và năng lực quản lý của chính quyền, gây áp lực cho hệ thống y tế, giáo dục cần được nghiên cứu, giải quyết một cách tổng thể thông qua các giải pháp về quy hoạch, về chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội thay cho các biện pháp có tính hành chính, mệnh lệnh.

- Giữ quy định về xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú nhưng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời quy định cụ thể hơn các trường hợp, các điều kiện để xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú nhằm bảo đảm yêu cầu quản lý và đề cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định về cư trú.

- Đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo quyết liệt Bộ Công an, các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp để hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân, xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, tổ chức kết nối các cơ sở dữ liệu có liên quan, trong đó có việc bố trí ngân sách, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú… trước ngày 01/7/2021 nhằm bảo đảm tính khả thi và để Luật có hiệu lực thi hành theo đúng thời điểm mà Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất, cam kết với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh phải điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật.

Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan tích cực triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành có nội dung quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tránh gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự khi chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này.

- Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Nhất trí bổ sung vào dự thảo Luật các quy định bảo đảm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh để quy định chi tiết về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt và các nội dung cụ thể khác đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

- Cơ bản tán thành tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực và thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định để xác định mức tiền phạt tương xứng với mức độ vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa đối với từng nhóm hành vi vi phạm cụ thể.

- Nhất trí việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm xử lý kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tránh dồn việc lên cấp trên.

- Đối với việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, do ý kiến của các cơ quan vẫn còn khác nhau nên cần xây dựng các phương án để tiếp tục xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

- Không bổ sung quy định về trường hợp tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính; cân nhắc kỹ việc sửa đổi quy định về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian lập hồ sơ và chờ thi hành quyết định của Tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Không quy định về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi nghiện ma túy trong Luật này mà thực hiện theo Luật Phòng, chống ma túy; không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người thành niên nghiện ma túy; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng này cần thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống ma túy cũng đang được sửa đổi.

- Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

- Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và khái niệm “Biên phòng”, nhất trí với tên “Luật Biên phòng Việt Nam” vì đã được xác định tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; cần tiếp tục rà soát kỹ, phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác.

- Về Chương II (Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng), dự thảo Luật sửa lại tên Chương thành “Hoạt động cơ bản về biên phòng” quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, phối hợp và hợp tác quốc tế. Đề nghị chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp giữa tên Chương và nội dung của Chương.

- Về lực lượng Bộ đội biên phòng, dự thảo đã được chỉnh lý toàn diện, đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ, chặt chẽ các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực thi pháp luật về biên giới quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Về bảo đảm phối hợp giữa các lực lượng, đề nghị làm rõ và quy định chặt chẽ quan hệ chủ trì-phối hợp giữa lực lượng Bộ đội biên phòng với các lực lượng khác, nhất là Công an ở khu vực biên giới, cửa khẩu, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các lực lượng.

- Về các nội dung khác, nghiên cứu quy định về nhiệm vụ, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; về chế độ, chính sách, vai trò, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về biên phòng, công tác bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia trong Luật.

- Giao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung của dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là bước đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý môi trường nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, là luật khó, phức tạp, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và những yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, cần rà soát quy định bảo đảm thống nhất với các luật mới ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời tiếp tục đưa 02 phương án về vấn đề này để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường, tiếp tục cân nhắc, phân tích theo 02 phương án như Báo cáo số 1797/BC-UBKHCNMT14 ngày 08/8/2020 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu để tiếp tục thảo luận và lựa chọn phương án tốt nhất.

- Về quản lý chất thải, cần quy định cụ thể hơn để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ việc phân loại tại nguồn đến thu gom, vận chuyển, xử lý. Vấn đề chi trả cho việc xử lý chất thải cần được hoàn thiện theo cơ chế thị trường, nghiên cứu việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ trong xử lý chất thải; hoàn thiện thêm quy định về trình tự, thủ tục trong quá trình quản lý vấn đề xả thải.

- Về thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường, nghiên cứu chỉnh lý theo hướng không quy định cụ thể, chỉ quy định nguyên tắc trong Luật này để làm căn cứ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường.

- Về nguồn lực cho bảo vệ môi trường, khẳng định quan điểm toàn xã hội phải có trách nhiệm, nhưng Nhà nước phải dành nguồn lực đầu tư để bảo vệ môi trường; không quy định cứng tỷ lệ nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường. Rà soát quy định các nội dung chi do ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động bảo vệ môi trường để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

- Về quy định xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, cần phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật rà soát chặt chẽ, trường hợp cần thiết thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

- Quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bảo đảm quy định việc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường không bị chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ liên quan.

- Rà soát, cân nhắc việc đưa vào Luật các khái niệm mới như: “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, “thị trường phát thải” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Hoàn thiện nội dung quy định về điều khoản chuyển tiếp; cần nhấn mạnh nội dung nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân; chú trọng nội dung về truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường.

- Giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp thứ 49 (tháng 10/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47700