Kẻ cắp thời đại số

Mạng xã hội Facebook đã trở thành công cụ kết nối kêu gọi biểu tình. Nhiều hình thức khủng bố cũng được tuyển mộ qua đây. Hàng tỷ người sử dụng Facebook có nguy cơ trở thành 'món hàng' cho một bên thứ ba khi mọi thông tin cá nhân đăng ký với mạng xã hội này bị đem ra mua bán.

Sự ngây thơ của người dùng mạng xã hội đang bị lợi dụng để các nhà quản lý dần biến họ thành những mỏ vàng... Những kẻ cắp trong thời đại kỹ thuật số đang cho thấy mặt trái của sống ảo, mặt trái của công nghệ.

“Nuôi ong tay áo...”

Facebook - trang mạng xã hội hàng đầu thế giới - đã thừa nhận rằng việc dành quá nhiều thời gian "lướt face" mà không tương tác với bạn bè và người thân trong gia đình có thể làm tổn thương đến các mối quan hệ thực ngoài xã hội. Facebook nêu lý do thu hút người dùng Facebook là khả năng kết nối với người thân, bạn học và đồng nghiệp.

Giữ liên lạc với bạn bè và người thân sẽ đem lại niềm vui và tăng cường tính cộng đồng cho mọi người. Facebook mong muốn mạng xã hội này sẽ là nơi để những người bạn và thành viên trong gia đình tương tác một cách có ý nghĩa với nhau, thắt chặt mối quan hệ thực ngoài xã hội chứ không phải làm tổn hại đến các mối quan hệ đó.

Tuy nhiên, ý tưởng tốt đẹp đó giờ đã không còn khi hàng tỷ khách hàng “nghiện” Facebook đang trở thành món hàng làm giàu cho những ông chủ quản lý mạng xã hội này. Điều trớ trêu, họ làm giàu trên chính sự ngây thơ của người dùng mạng này.

Vụ bê bối “đánh cắp” dữ liệu của hàng chục triệu người dùng trên khắp thế giới mà Facebook đang hứng chịu búa rìu dư luận đã phần nào cho thấy cái giá của mạng truyền thông xã hội “miễn phí”. Và người ta hiểu rằng, chả có gì là miễn phí. Miễn phí chỉ là giai đoạn đầu của một chiến lược mà ông chủ Facebook ngụy tạo để kiếm chác hàng tỷ USD mỗi năm trên “vương quốc mạng” Facebook.

Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: NDTV.com.

Vụ khủng hoảng do để lộ thông tin người dùng đã khiến hàng tỷ “cư dân” Facebook mất dần niềm tin dù cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã xin lỗi người dùng toàn cầu, nhận trách nhiệm và cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu, nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người rủ nhau tẩy chay với chiến dịch có tên “Delete Facebook”.

Hơn bao giờ hết, bê bối Cambridge Analytica đã phơi bày một sự thật "phũ phàng" rằng người dùng không phải khách hàng thực sự của Facebook mà là những “con gà đẻ trứng vàng” của “đế chế hùng mạnh” với 2,1 tỷ “tín đồ” này. Với mục tiêu cao cả "đưa chúng ta lại gần nhau hơn" và "xây dựng một cộng đồng toàn cầu", Facebook luôn tuyên truyền rằng dịch vụ của họ là “miễn phí và luôn luôn là như vậy”.

Vậy làm cách nào mà công ty này có thể thu về tới hơn 40 tỷ USD doanh thu trong năm ngoái? Câu trả lời đơn giản là nhờ quảng cáo. Người dùng sẽ không khỏi bất ngờ khi biết rằng chỉ những nút “share” (“chia sẻ”), hay “like” ("thích") tưởng chừng vô thưởng vô phạt trên Facebook, hay những bài viết trên trang cá nhân lại đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra dữ liệu và sản xuất nội dung để các bên thứ 3 có thể dễ dàng khai thác.

Rõ ràng, việc dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook bị xâm phạm đã diễn ra từ lâu, như lời thừa nhận của ông chủ Zukerberg. Những nguy cơ của việc đánh cắp hay lợi dụng và rò rỉ dữ liệu người dùng là rất lớn, bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề quyền riêng tư bị xâm phạm. Trên thực tế, thông tin của người dùng là nguồn tài nguyên quý giá, dễ dàng trở thành “những miếng mồi béo bở” của tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính, những đối tượng lừa đảo hay các nhà phân tích dữ liệu mờ ám đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó.

Bên cạnh đó, lượng dữ liệu khổng lồ mà các "Facebooker" tạo ra mỗi ngày nếu bị rò rỉ cũng đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định của các quốc gia. Một tổ chức nước ngoài có thể sử dụng các thông tin đó để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử hoặc định hướng và kích động sự bất mãn, bạo lực.

Việc mỗi tài khoản trên Facebook được cố tình "sắp đặt" chỉ nhận được những nội dung phù hợp với nhu cầu cá nhân sẽ khiến bản thân người dùng có xu hướng chỉ nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách phiến diện, thiếu đi cái nhìn khách quan. Hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những thông tin của người dùng có khuynh hướng tiêu cực bị các chính trị gia theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để giành sự ủng hộ, từ đó càng khoét sâu sự chia rẽ và bất ổn trong xã hội.

Hiện còn quá sớm để kết luận vụ bê bối dữ liệu sẽ đặt dấu chấm hết cho thời đại "hoàng kim" của Facebook. Trên thực tế, người dùng sẽ khó có thể từ bỏ việc sử dụng trang mạng xã hội này như một thói quen hằng ngày để cập nhật tin tức hay kết nối với mọi người. Thậm chí, Facebook cũng đã trở thành “kế sinh nhai” của rất nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội này.

Vụ bê bối của Facebook cũng được coi như "hồi chuông cảnh tỉnh", khiến các nước bắt đầu chú trọng tăng cường các biện pháp, quy định siết chặt bảo vệ dữ liệu cá nhân. Và với người dùng, có lẽ bài học sâu sắc nhất qua vụ bê bối dữ liệu lần này chính là nhận ra “không có gì là miễn phí” trong xã hội ngày nay.

“Bàn tay sắt” liệu có ngăn được mạng xã hội?

Dù cho CEO Zuckerberg đã thừa nhận trách nhiệm trong vụ bê bối rò rỉ thông tin, cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu và xin lỗi người dùng toàn cầu nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người tẩy chay với chiến dịch có tên “Delete Facebook”.

Trong diễn biến mới nhất liên quan tới bê bối của Facebook, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 18/4 đã yêu cầu ông Mark Zuckerberg trực tiếp trả lời câu hỏi liên quan vụ bê bối lộ thông tin 87 triệu tài khoản Facebook.

Trước đó, ngày 17-4, Quốc hội Indonesia yêu cầu Facebook bàn giao kết quả kiểm soát rò rỉ dữ liệu tại buổi làm việc với Giám đốc chính sách của Facebook tại Indonesia Ruben Hattari và Giám đốc Chính sách công cộng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Simon Milner. Quốc hội Indonesia đã yêu cầu Facebook bàn giao kết quả kiểm soát rò rỉ dữ liệu người dùng Faceebook tại Indonesia vì cho rằng dữ liệu này có nguy cơ bị sử dụng cho mục đích chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử sắp tới tại nước này.

Bà Meutya Hafid, một nhà lập pháp của Quốc hội Indonesia, nhấn mạnh: "Chúng ta phải biết dữ liệu được sử dụng bởi bên nào và cho mục đích gì. Nếu Facebook không đáp ứng yêu cầu này, Quốc hội sẽ đề nghị chính phủ thực hiện các bước tạm ngừng hoạt động của Facebook tại Indonesia".

Lo ngại những thông tin của mạng xã hội này có thể tác động tới đời sống chính trị, tương tự Indonesia, tại Nga, nhà chức trách nước này tuyên bố, trong trường hợp Facebook không thực hiện yêu cầu lưu cơ sở dữ liệu về người sử dụng là người Nga trên lãnh thổ Nga thì sẽ đối mặt với nguy cơ sẽ bị phong tỏa do không thực hiện yêu cầu của Cơ quan An ninh liên bang (FSB) về quyền thâm nhập các mã khóa để kiểm tra các nội dung tin nhắn và các tài khoản bị nghi ngờ phổ biến thông tin cực đoan và khủng bố.

Còn tại Anh, chính phủ đang cân nhắc việc trao quyền lớn hơn cho lực lượng cảnh sát nước này nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc kích động bạo loạn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và mạng xã hội. Nhà chức trách Anh cho biết, chính phủ sẽ làm việc với lực lượng cảnh sát, các cơ quan tình báo và các nhà cung cấp dịch vụ mạng để xem xét ngăn chặn việc liên lạc qua các trang mạng xã hội và các dịch vụ này nhằm kích động bất ổn định xã hội.

Người biểu tình chống Facebook. Ảnh: Getty Images.

Báo chí Anh dẫn nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ nói rằng Chính phủ Anh sẽ xem xét các vấn đề về kỹ thuật và đạo lý trong việc ngăn chặn những người dùng các dịch vụ này, cũng như xem xét thực lực hiện tại của cảnh sát có bắt kịp với sự phát triển của công nghệ hay không. Thực tế đáng buồn là lực lượng cảnh sát Anh đã "hoàn toàn bó tay" trước những phần tử sử dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông xã hội để kích động bạo loạn và cướp bóc.

Hẳn nhiều người còn nhớ vai trò của Facebook trong cuộc khủng hoảng ở Ai Cập. Trang mạng xã hội Facebook đã giúp người dân Ai Cập trao đổi thông tin để tiến hành các cuộc biểu tình. Các phóng viên cho hay đây là cuộc biểu tình có nhiều người tham gia nhất. Trên đường phố của thủ đô Cairo, rất nhiều người mang theo biểu tượng của các mạng xã hội như Facebook, Twitter vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với họ trong việc kết nối những người muốn biểu tình, “nhận chỉ thị” để tiến hành các cuộc biểu tình...

Công nghệ “hút máu”

Hơn ai hết, CEO Facebook Mark Zuckerberg hiểu rõ tác hại của việc rò rỉ những dữ liệu được sử dụng vào mục đích xấu. CEO này cũng thừa hiểu tại sao lại có các cuộc điều trần. Facebook không phải là một “thiên đường kỹ thuật số”, không chỉ là nhịp cầu kết nối, đứa con tinh thần của Mark Zuckerberg hiện nguyên hình là một con “bạch tuộc”, vươn vòi hút thông tin cá nhân của những người sử dụng. Facebook đã làm giàu nhờ hàng tỷ những chi tiết trong đời tư của mỗi người có tài khoản và kể cả bạn bè, thân nhân họ.

Những thông tin ấy khi thì được dùng vào những mục tiêu chính trị và thương mại, cũng có khi được sử dụng một cách “không mấy lương thiện”. Có vẻ không chắc là những lời xin lỗi hay cam kết khắc phục sai lầm của chủ nhân Facebook không đủ sức thuyết phục.

Tờ Le Monde nhận xét Zuckerberg hứa tăng cường các phương tiện để bảo vệ đời sống cá nhân cho các thân chủ và để ngỏ cánh cửa để các nhà lập pháp “điều tiết” thể thức vận hành của các mạng xã hội, nhưng “làm thế nào để kiểm soát” những thông tin lan truyền trên các mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng?

Le Monde trong bài viết mang tựa đề “những tranh cãi về vai trò của mạng xã hội tại châu Á” không vòng vo nhận xét: Facebook bị nêu đích danh “là phương tiện để truyền tải những tư tưởng đầy hận thù” giữa các cộng đồng sau cáo buộc bất cẩn để tin nhảm lan truyền gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Phụ trang kinh tế của Le Figaro tìm cách trả lời câu hỏi: Vụ tai tiếng Cambridge Analytica đánh cắp thông tin cá nhân của gần 90 triệu người có tài khoản Facebook liệu có là trận bão nhận chìm công ty đã giúp do Zuckerberg trở thành tỷ phú khi chưa đầy 20 tuổi hay không? Sau vụ tai tiếng Cambridge Analytica, có tới 56% người Mỹ được hỏi cho biết là “ít tin tưởng hơn”.

Không chỉ Facebook và ông chủ Zuckerberg, theo Les Echos, các cây đại thụ khác của nền công nghệ kỹ thuật số là Google, Apple hay Amazon... đều đang đánh mất hào quang. Google bị tố cáo chiếm độc quyền trên thị trường quảng cáo trên mạng. Apple thì bị chỉ trích là cố ý rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải chăm sắm hàng mới hơn.

Facebook thì bị cáo buộc thao túng công luận, bán dữ liệu cá nhân của khách hàng để làm giàu. Còn Amazon thì đang bóp chết giới tiểu thương, trong khi Uber thì trong tầm ngắm của công luận vì bóc lột tài xế...

Tờ Les Echos nhận thấy rằng nhờ có những phát minh mới các tập đoàn tin học và công nghệ cao đã “đi nhanh hơn” luật pháp, làm giàu trong một thời gian ngắn kỷ lục và các “tập đoàn công nghệ thế hệ 2.0” này đã tập trung nhiều quyền lực trong tay đến mức đáng sợ.

Rõ ràng, thời của dữ liệu số - thời của Big data đang trở thành mỏ vàng của những ông chủ trẻ tuổi sẵn sàng làm giàu trên lưng nhiều người dùng mạng xã hội ngây thơ. Những dữ liệu cá nhân gồm những gì, được thu thập và khai thác ra sao, và được dùng để làm những việc gì, trị giá của chúng là bao nhiêu? Những khối dữ liệu cá nhân khổng lồ của hàng triệu, hàng tỷ người dùng những phương tiện kết nối được ví như mỏ thông tin và cũng là những mỏ vàng hay mỏ dầu.

Những dữ liệu đó được gọi là chung là “Big data” (dữ liệu khổng lồ), đơn giản là vì đấy là những thông tin thu thập được với một dung lượng rất lớn sẽ tạo ra xu thế lớn, đánh bại những xu thế nhỏ, ông chủ nhỏ. Nhìn vào câu chuyện của Facebook sẽ rõ, thật ra một mạng xã hội như Facebook không bán trực tiếp các dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho các hãng quảng cáo, nhưng khi 2,13 tỷ người có tài khoản Facebook “lướt” trên mạng trung bình 1 tiếng đồng hỗ mỗi ngày, thì Facebook trở thành tủ kính quảng cáo lớn nhất thế giới.

Các phương tiện quảng cáo truyền thống không thể so bì. Nhờ vậy, năm 2017 tập đoàn do Mark Zuckerberg sáng lập lãi 16 tỷ USD và 98% khoản tiền đó có được là nhờ một phần công sức mỗi cư dân “vương quốc Facebook”.

Huyền Hoa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ke-cap-thoi-dai-so-487915/