Ít dùng túi ni lông và phân loại rác là thượng sách
Hiện nay nếu hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần và phân loại, xử lý khoa học là giải pháp tối ưu giảm gánh nặng ô nhiễm cho môi trường.
Liên Hợp Quốc từng tuyên bố, nếu nhân loại không ngừng sử dụng túi ni lông và chai nhựa thì đến năm 2050, các đại dương thế giới sẽ có nhiều rác thải nhựa (RTN) hơn cá. Trước nguy cơ này, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan để thực thi; trong đó, có Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1746 ngày 4/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương; Chỉ thị 33 ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu RTN.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1316 ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam". Với quyết định này, Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn. Theo đó, triển khai đẩy mạnh nhằm phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% RTN ra môi trường biển, đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đã có không ít ý kiến lo ngại sẽ khó đạt được mục tiêu trên vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nhưng một khi cả hệ thống chính trị đồng tâm, hiệp lực thực hiện kiên trì, đồng bộ thì những mục tiêu đề ra sẽ mang lại kết quả. Đơn cử như ở Phú Vang là địa phương nằm dọc vùng đầm phá và biển, RTN, túi ni lông là loại chất thải khó xử lý, bức bách nhất ở địa phương này. Tuy nhiên, các tổ chức đoàn thể ở đây đã vào cuộc, xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải ở địa phương, nhất là tại đầm Chuồn (Phú An), khu vực đường ven biển, ven phá của xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh… Đến nay, tình hình cải thiện đáng kể.
Đáng mừng Thừa Thiên Huế đang thực hiện Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) nhằm hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi RTN, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan, gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương. Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được thu hồi và hy vọng đưa Huế trở thành một điểm đến không RTN vào năm 2030.
Định hướng chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh việc lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp. Để mang lại hiệu quả hoạt động này, ngoài thay đổi thói quen, ý thức của người dân, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành chuỗi hoạt động thu gom, tái chế hệ thống, bài bản với việc xã hội hóa, đầu tư công nghệ phù hợp điều kiện địa phương để xử lý các loại rác.