IS trỗi dậy

Khi quân đội Mỹ đã dần rút khỏi chiến trường, lực lượng an ninh Iraq trở thành nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến tiêu diệt toàn bộ mạng lưới tổ chức khủng bố IS.

Vụ đánh bom kép xảy ra hôm 21/1 làm rung chuyển thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 32 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đáng chú ý, vụ tấn công khủng bố diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.

Vài giờ sau vụ tấn công, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Đánh bom khủng bố ở thủ đô Baghdad hiếm khi xảy ra từ sau sự sụp đổ của IS năm 2017. IS tuyên bố mục tiêu của vụ tấn công là cộng đồng Hồi giáo Shia.

Đoàn xe của Lực lượng chống khủng bố Iraq hướng về Fallujah. Ảnh: Washington Post.

Cuộc chiến lặng lẽ

Một đêm cuối tháng 1 bên ngoài thành phố Fallujah. Đoàn xe bọc thép chở lính đặc nhiệm Iraq dừng lại khi cách ngoại vi thành phố 3 km. Trong xe, sĩ quan chỉ huy yêu cầu các binh sĩ dưới quyền chuẩn bị sẵn sàng và chờ đến khi nguồn tin xác nhận địa điểm mục tiêu.

"Hắn ta đang ở vị trí mục tiêu. Di chuyển thôi", mệnh lệnh được ban ra sau vài phút. Những chiếc xe bọc thép lăn bánh lao về hướng mục tiêu đã lẩn tránh lực lượng an ninh Iraq suốt nhiều tháng.

Với việc Mỹ rút dần binh sĩ khỏi Iraq, cuộc chiến chống IS giờ là những phi vụ săn lùng như thế.

Bởi IS, tổ chức với quy mô nhà nước hùng mạnh một thời, đã tan rã trên diện rộng ở Iraq và Syria, quy mô không kích và tham chiến trên bộ của Mỹ ngày càng giảm xuống. Lực lượng an ninh Iraq hiện là mũi nhọn dẫn dắt cuộc chiến.

Chiến dịch săn lùng IS giờ đây âm thầm, lặng lẽ hơn so với trước.

Ở tiền tuyến, các binh sĩ theo sát dấu vết và săn đuổi đến cùng các tay súng cực đoan. Tại hậu phương, lực lượng an ninh bóc gỡ mạng lưới nằm vùng và tài trợ của IS.

Những kẻ hỗ trợ tài chính được miêu tả một phần mạng lưới giúp duy trì cuộc chiến dai dẳng mà IS phát động, thông qua chuyển tiền cho gia đình những tay súng IS bị tiêu diệt.

Lực lượng Mỹ còn lại ở Iraq, khoảng 2.500 binh sĩ, đóng vai trò hỗ trợ thu thập, cung cấp thông tin tình báo về các mục tiêu.

Binh sĩ Iraq trước giờ xuất phát trong cuộc đột kích bắt giữ phần tử IS. Ảnh: Washington Post.

3 năm sau ngày Iraq tuyên bố đánh bại IS, các quan chức an ninh ước tính vẫn còn hàng nghìn tay súng IS hoạt động ở nước này. Phần lớn chúng phải ẩn mình, khai thác lỗ hổng an ninh ở vùng nông thôn để tiến hành những vụ tấn công lẻ tẻ, như phá hoại đường dây truyền tải điện, hay tập kích lực lượng an ninh.

Dẫu vậy, không thể coi thường khả năng gây thương vong của IS. Vụ tấn công kép ở Baghdad khiến 32 người thiệt mạng là một ví dụ tiêu biểu.

Sau vụ đánh bom, bệnh viện ở thủ đô trở nên quá tải bởi thương vong. Bên trong các nhà xác, người ta hoang mang tự hỏi quá khứ đẫm máu với những vụ tấn công ngày này qua ngày khác liệu có quay trở lại Baghdad.

Trước giờ G

Vài giờ trước chiến dịch truy quét ở Fallujah, các binh sĩ Lực lượng chống khủng bố Iraq tập trung ở căn cứ quân sự gần sân bay Baghdad. Đại tướng Hussein Al Azawi là người giải thích về nhiệm vụ.

Mục tiêu của cuộc đột kích là Shaker Al Issawi, hay còn được biết đến với cái tên Abu Waheeb. Để chuẩn bị cho chiến dịch, tình báo Mỹ và Iraq phải nhiều lần thẩm tra thông tin về Issawi.

Nơi ẩn náu của tên này được một nguồn tin bí mật xác nhận. Lính đặc nhiệm bắt đầu di chuyển từ 23h, và vào vị trí sẵn sàng đúng nửa đêm.

Nhưng khi đó, vị trí chính xác của Issawi vẫn là một câu hỏi. Lực lượng an ninh xác định 3 địa điểm tiềm năng nơi Issawi sẽ ẩn náu. Trong kịch bản xấu nhất, các binh sĩ sẽ đối mặt chất nổ dọc đường di chuyển hay bị bắn tỉa phục kích từ trên cao.

Để thực hiện chiến dịch, Iraq triển khai một số binh sĩ trên các mái nhà để đề phòng bị phục kích. Số còn lại sẽ tấn công vị trí được nguồn tin xác nhận để truy bắt Issawi. Trong các cuộc đột kích trước đó, mục tiêu của lực lượng an ninh đôi lúc trốn trong bụi rậm hoặc bể nước.

"Chúng ta sẽ giữ khoảng cách 3 km từ giới hạn thành phố và đợi nguồn tin xác nhận. Dù hắn ở đâu, chúng ta cũng sẽ tìm thấy", Đại tá Muhannad al-Tamimi, một chỉ huy cuộc đột kích, nói.

"Chúng ta không phải lực lượng đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Hai nhóm khác trước đây đã thất bại. Hắn ở giữa thành phố, có dân thường ở khắp nơi, và kẻ thù có thể sử dụng các tòa nhà trống làm nơi ẩn náu", ông Azawi nói với các binh sĩ.

Khi một binh sĩ thoáng nhìn xuống đất với vẻ lo lắng, viên chỉ huy lập tức nhắc họ nhớ về những chiến dịch họ từng tham gia trước đây.

"Các cậu từng chiến đấu ở Fallujah, các cậu biết rõ mọi đường phố, mọi con ngõ. Hãy ăn, uống và chuẩn bị ôtô. Tôi chúc mọi người chiến thắng trở về", ông Azawi nói.

Đoàn xe của Lực lượng chống khủng bố Iraq hướng về Fallujah. Ảnh: Washington Post.

Đổi vai trên chiến trường

Trong đêm lực lượng an ninh Iraq mở cuộc đột kích ở Fallujah, ít nhất 3 binh sĩ Mỹ có mặt ở căn cứ quân sự ở thủ đô Baghdad. Sự xuất hiện của phóng viên khiến họ bối rối và từ chối trả lời phỏng vấn. Binh sĩ Mỹ không tham gia chiến dịch truy quét cùng đồng minh Iraq.

Đã qua rồi cái thời liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo mở những chiến dịch lớn chống IS. Liên quân nay đã rút phần lớn lực lượng khỏi quốc gia Trung Đông này. Ở thời gian cao điểm nhất, Mỹ duy trì 5.000 binh sĩ chiến đấu ở Iraq. Con số hiện giờ chỉ còn 2.500.

Mỹ rút quân khỏi Iraq để lại vai trò chủ chốt chống IS cho lực lượng an ninh nước sở tại. Tuy nhiên, các quan chức an ninh Iraq và chuyên gia phương Tây nói hỗ trợ tình báo của lực lượng Mỹ và liên quân đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực tiêu diệt hoàn toàn mạng lưới tổ chức khủng bố.

Mỹ và liên quân cũng tiếp tục cung cấp hỗ trợ hàng không và các chuyến bay do thám cho hoạt động của quân đội Iraq, cũng như cố vấn và đào tạo cho lực lượng an ninh sở tại.

Hôm 30/1, liên minh quốc tế cho biết đã phối hợp cùng binh sĩ Iraq trong chiến dịch tiêu diệt Jabbar Salman Ali Farhan al-Issawi, một trong những thủ lĩnh cấp cao nhất của IS ở Iraq.

Lực lượng chống khủng bố Iraq, đơn vị tinh nhuệ được Mỹ đào tạo, cho biết đã bắt giữ 350 tay súng trong 6 tháng qua, thông qua các chiến dịch quân sự cũng như đột kích ban đêm.

Đại tá Wayne Marotto, người phát ngôn của liên quân, cho biết lực lượng này phối hợp cùng các đối tác, trong đó có Iraq, đã tiến hành tổng cộng 68 chiến dịch chống IS trong tháng đầu năm 2021.

"Chúng tôi vẫn có thể giúp đỡ rất nhiều. Tôi đang nói về việc khai thác các địa điểm nhạy cảm, bảo đảm thu giữ điện thoại và ổ cứng trong các cuộc đột kích, và sau đó lực lượng Iraq có thể trích xuất dữ liệu ngay lập tức", Mike Knights, một chuyên gia công nghệ của Mỹ hoạt động cùng lực lượng an ninh Iraq, cho biết.

Đột kích Fallujah

Trở lại cuộc đột kích ở Fallujah, đoàn xe quân sự vào đến thành phố lúc rạng sáng. Lực lượng đặc nhiệm, được trang bị kính nhìn đêm, lặng lẽ di chuyển trên phố hướng về ngôi nhà nơi Issawi ẩn náu. Họ vẫn phải liên tục kiểm tra phía trên cao đề phòng bị phục kích.

Thời điểm lính tinh nhuệ tiến vào thành phố, lực lượng an ninh địa phương được yêu cầu phong tỏa các khu vực xung quanh địa điểm ngôi nhà của Issawi. Những dân thường duy nhất có mặt gần hiện trường là một đám trẻ con đi xe đạp. Chúng tò mò theo dõi để biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Khi đã bao vây vị trí mục tiêu, ngôi nhà một tầng màu trắng, lính đặc nhiệm dùng súng phá cánh cổng sắt và ập vào bên trong. Màn đêm tĩnh lặng bị xé toang bởi tiếng hét.

Vài phút sau, ba người đàn ông bị binh sĩ Iraq kéo ra khỏi ngôi nhà. Họ bị giữ trong tư thế quỳ gối, mặt úp vào tường. Từ trong nhà, Issawi bị khống chế và đưa ra bên ngoài. Tên này dường như không chống cự.

Issawi và đồng bọn bị lực lượng an ninh khống chế. Ảnh: Washington Post.

Issawi hầu như chỉ im lặng. Nhưng chị gái của tên này liên tục gào thét, cầu xin lực lượng an ninh tha cho em trai của mình.

"Xin đừng bắt cậu ấy, xin đừng bắt cậu ấy", người phụ nữ khóc lóc. Tại cửa ra vào, một cậu bé theo dõi vụ bắt giữ, cảm xúc kinh hoàng hiện ra trong đôi mắt.

Issawi bị khống chế và nằm trên nền sân xi măng bên ngoài ngôi nhà. Ba binh sĩ đứng quanh Issawi, trói tay và chụp ảnh tên này. Issawi trông có vẻ già và mệt mỏi hơn so với bức ảnh lực lượng an ninh thu được trước đó.

Từ trong nhà, tiếng khóc của trẻ con cất lên. Một binh sĩ tiến tới, đóng cảnh cửa ra vào để gia đình Issawi không phải chứng kiến cảnh tên này bị trấn áp.

Sau khi xác nhận danh tính, Issawi bị đưa lên một trong những chiếc xe bọc thép chở binh sĩ tham gia vụ đột kích. Tên này được đưa trở về Baghdad. Toàn bộ vụ đột kích kéo dài trong 17 phút.

Khi đoàn xe đã trên đường về Baghdad, sự căng thẳng của các binh sĩ mới dần tan biến. Người lái xe lần đầu tiên mỉm cười sau một đêm dài. Các binh sĩ truyền tay nhau những chiếc bánh quy chocolate.

"Cậu đang lái xe quá sát đấy. Nếu còn làm vậy, tôi sẽ giam cậu ở căn cứ trong một tuần", giọng của viên chỉ huy vang lên trong radio, yêu cầu người lái xe tuân thủ nghiêm quy tắc an toàn.

Số phận của Issawi đến nay vẫn là một dấu hỏi. Một sĩ quan cấp cao của Lực lượng chống khủng bố Iraq nói Issawi đang bị điều tra với cáo buộc khủng bố.

Hơn 20.000 người đang bị nhà chức trách Iraq giam giữ với các cáo buộc khủng bố. Đa phần họ bị nhốt trong các trung tâm giam giữ mà lực lượng an ninh miêu tả là quá tải.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/is-troi-day-post1180774.html