ICBM Mỹ mạnh hơn Sarmat, tấn công mọi mục tiêu tại Nga

Với khoản đầu tư lên tới 85 tỷ USD, Mỹ sẽ phát triển dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mạnh hơn Sarmat Nga được dùng để thay Minuteman.

Theo kế hoạch được công bố bởi Lầu Năm Góc, đến năm 2030, tên lửa ICBM mới sẽ thay thế hoàn toàn tất cả 450 quả tên lửa Minuteman III trong các hầm phóng.

Dự án ICBM mới có tên gọi Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD - Ground based strategic deterrent). Tuổi thọ của tên lửa đầy hứa hẹn này được ước tính là 50 năm - nó sẽ được trang bị cho quân đội vào cuối thập kỷ này và sẽ phục vụ cho đến năm 2080.

Mỹ phóng tên lửa Minuteman III.

Mỹ phóng tên lửa Minuteman III.

Kích thước tổng thể của ICBM mới tương đương với Minuteman III, bởi vì các chuyên gia không lên kế hoạch điều chỉnh đáng kể các bệ phóng trong các hầm phóng silo. Do đó, nơi bố trí các tên lửa ICBM mới cũng không thay đổi.

Hiện nay, Minuteman III được triển khai tại ba căn cứ của Không quân Hoa Kỳ - Warren (Wyoming), Malmstrom (Montana) và Minot (Bắc Dakota). Trên mỗi căn cứ có 150 quả tên lửa.

Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, vào năm 2027 các ICBM đầu tiên thuộc dự án GBSD sẽ đảm nhiệm trực sẵn sàng chiến đấu, và đến năm 2036 sẽ thay thế hoàn toàn các tên lửa tiền nhiệm.

Dù nhiều thông tin của GBSD được bảo mật nhưng giới quân sự Nga cho rằng rất có thể Mỹ sẽ học Nga trong việc phát triển tên lửa thay thế ICBM Minuteman III.

Theo nguồn tin này, Minuteman III là trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân trên đất liền của Mỹ. Nhưng toàn bộ số ICBM của Mỹ đều được triển khai từ các silo phóng cố định trong lòng đất. Điều này khiến khả năng giữ bí mật vị trí phóng tương đối hạn chế.

Vì vậy, để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tên lửa hạt nhân, Mỹ cần cơ động hóa chúng tương tự các ICBM di động của Nga. Các tên lửa đặt trên xe phóng cơ động hoặc trên đường sắt sẽ ít tốn kém hơn so với các tên lửa đặt trên tàu ngầm.

Các tên lửa di chuyển liên tục cũng làm giảm nguy bị tấn công hạt nhân vì vị trí phóng liên tục thay đổi, đảm bảo yếu tố bí mật. Việc đặt các tên lửa lên xe phóng cơ động chắc chắn không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Mỹ, vì ngay cả Triều Tiên cũng có thể thực hiện điều này.

Hiện nay Nga đang duy trì hai loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ silo cố định và cơ động trên mặt đất. Điển hình là tên lửa R-36 Satan phóng từ silo và loại cơ động RT-2PM2 Topol-M. Gần đây, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã đưa vào hoạt động loại ICBM di động RS-24 Yars mới có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.

Các ICBM di động đem lại cho Nga khả năng đáp trả nếu xảy ra tấn công hạt nhân nhắm vào các silo cố định của họ, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật trong triển khai lực lượng và che giấu vị trí phóng.

Vì vậy, rất có thể cùng với phiên bản triển khai tại silo cố định, tên lửa GBSD của Mỹ cũng sẽ có phiên bản di động tương tự ICBM Nga.

Được biết ngay từ khi có kế hoạch phát triển GBSD, Mỹ đã đặt ra tiêu chí dòng tên lửa ICBM mới này phải mạnh hơn tất cả các tên lửa cùng phân khúc của Nga, kể cả Sarmat.

Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ khó thành khi phân tích những thông số ấn tượng dòng tên lửa thế hệ mới của Nga. Chuyên gia phân tích quân sự của The National Interest - Michael Peck đã đưa ra những so sánh loại tên lửa Sarmat với loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay Nga đang là quốc gia hàng đầu trong việc phát triển tạo ra các loại vũ khí thế hệ mới. Nếu Mỹ không hành động trong những năm tới Nga sẽ đe dọa nghiệm trọng đến vị trí đứng đầu của Mỹ cũng như lợi ích của Mỹ.

Loại tên lửa đạn đạo mới của Nga có sức công phá rất khủng khiếp, chúng có khối lượng khoảng 100 tấn và trở thành loại tên lửa lớn nhất trong lịch sử thế giới. Hiện nay Mỹ đang sử dụng loại tên lửa ICBM Minuteman III với khối lượng khoảng 39 tấn. Rõ ràng ICBM Minuteman III kém hơn hoàn toàn thậm chí không đáng để so sánh.

Chắc chắn Mỹ không muốn Nga chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Vì vậy họ đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới để thay thế Minuteman III và chúng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Sarmat. Các thông tin về tên lửa hiện nay chưa được tiết lộ. Nhưng theo ước tính sơ bộ để hoàn thành dự án này Lầu Năm Góc sẽ phải bỏ ra ít nhất là 85 tỷ USD.

Kích thước của tên lửa, tất nhiên quan trọng nhưng không quyết định các tính năng của Sarmat. Ưu điểm quan trọng nhất vẫn là sự chính xác, hiệu quả và bán kính tiêu diệt mục tiêu và ICBM Sarmat của Nga có tất cả những tính năng này.

Loại tên lửa này có thể quét sạch một vùng rộng lớn bằng diện tích của bang Texas. Michael Peck cho rằng, chính nguyên nhân này khiến Mỹ dao động, lo lắng và buộc họ phải phát minh ra một loại tên lửa mới để chống lại sự xâm lược của Nga.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng, việc phát triển loại ICBM mới GBSD là hoàn toàn cần thiết, nó sẽ bảo vệ anh ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Peck cũng nhấn mạnh Mỹ không chỉ tạo ra loại ICBM mà còn tạo ra các hệ thống bảo vệ, cảnh báo sớm của các cuộc tấn công hạt nhân để tìm các biện pháp đối phó.

Hồi tháng 10/2016, Cục thiết kế tên lửa Makeyev đã bất ngờ công bố hình ảnh đầu tiên về tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat có thể mang khoảng 15 đầu đạn hạt nhân. RS-28 được trang bị động cơ nhiên liệu lỏng, hình trụ, không có cánh, có tốc độ tối đa 24.500 km/h, tầm bắn trên 10.000 – 16.000 km.

Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GLONASS. Sức nổ tối đa của RS-28 Sarmat tương đương với 50 triệu tấn TNT, gấp 3.330 lần quả bom hạt nhân được Mỹ ném xuống Hiroshima. Sự xuất hiện đột ngột này đã khiến phương tiện truyền thông thế giới náo động.

Và chuyện GBSD có mạnh hơn Sarmat như Mỹ kỳ vọng hay không cần có thêm nhiều thời gian nữa mới có thể có câu trả lời.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/icbm-my-manh-hon-sarmat-tan-cong-moi-muc-tieu-tai-nga-3413450/