Huyền thoại Đồng Tháp Mười

Tôi chắc khi hỏi 'Đồng Tháp Mười ở đâu' thì hầu hết câu trả lời sẽ là 'tỉnh Đồng Tháp'.

Nhưng như thế mới chỉ đúng có 1/3. Chính xác thì Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long thuộc lãnh thổ Việt Nam, có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó Long An chiếm hơn một nửa. Vùng đất ngập nước này còn bao gồm cả một phần tỉnh Svay Rieng của Campuchia - thế mới nói “Đồng Tháp Mười là phần thuộc lãnh thổ Việt Nam...”.

Còn nôm na thì Đồng Tháp Mười là một đồng lụt kín, được bao quanh bởi giồng đất cao ven biên giới Việt Nam – Campuchia, đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo quốc lộ 1A (Tân Hiệp – Nhị Quý, Cai Lậy), được chặn lại bởi sông Vàm Cỏ Đông (Long An). Hệ sinh thái tiêu biểu của vùng này là hệ sinh thái rừng tràm (Melaleuca).

Nhưng có lẽ thế vẫn chưa đủ đối với những người ưa truy tìm gốc gác từ ngữ. Trừ việc đồng ý với nhau rằng “Đồng” vốn là một danh từ chung, “Tháp Mười” mới là tên riêng, hiện vẫn có nhiều giả thuyết khác nhau, có thể chia làm 2 luồng chính. Nói cho dễ hiểu thì đó là Tháp (thứ) Mười; và Tháp (có) Mười tầng.

Quá trình khảo cổ vùng đất Đồng Tháp Mười đã thực sự khẳng định trong khu vực này có ngôi tháp đá cổ đổ nát. Có giả thuyết cho rằng vua Jayavarman VII (1181-1218) từng xây cất nhiều ngôi tháp để thờ vị thần Bà la môn Lockecvara - vị thần mà người theo Ấn Độ giáo tin tưởng là có chức năng trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, hoặc bằng ngói hay lá thốt nốt, để cho ngưòi ốm nằm dưỡng bệnh. Ngôi tháp trong Đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, là ngôi tháp thứ mười. Năm 1932, nhà khảo cổ người Pháp, Parmentier, vào Tháp Mười đã phát hiện ra ngôi tháp đổ nát và đã đọc được những dòng chữ phạn ghi tên ngôi tháp thứ mười.

Một truyền thuyết dân gian mà cụ Vương Hồng Sển ghi lại thì cho rằng khu vực này vốn thuộc về một vương quốc giàu có, do 10 vương gia chia nhau cai trị. Mỗi vị vương xây cho mình một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng. Khi qua đời, người ta chôn theo ông ta các cung tần mỹ nữ và vàng bạc châu báu. Vì thế mà từng có tin đồn trong Tháp Mười có kho báu.

Giả thuyết khác lại cho rằng ngôi tháp trong Đồng Tháp Mười từng có 10 tầng. Cũng 10 tầng, nhưng một câu chuyện khác nữa thì lại kể rằng đây là tháp canh của nghĩa quân Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương, vị quan yêu nước dưới thời vua Tự Đức, từng lập căn cứ trong vùng Đồng Tháp Mười để chống Pháp)…

Vậy là, không chỉ có một sinh cảnh đa dạng, với loài sếu đầu đỏ đã được đưa vào Sách Đỏ, xung quanh Đồng Tháp Mười còn có rất nhiều huyền thoại bí ẩn và thú vị nữa.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/huyen-thoai-dong-thap-muoi-125401.html