Hủy án và trách nhiệm

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra những ngày cuối.

Ảnh minh họa.

Trong chất vấn và trả lời chất vấn gần đây, đại biểu Lê Thị Nga nêu ba hạn chế lớn của án hành chính (HC) hiện nay.

Thứ nhất là thẩm phán còn “nể nang, ngại va chạm” với chính quyền cho nên có những trường hợp thiếu khách quan và chưa công minh khi đánh giá chứng cứ.

Thứ hai là tỷ lệ án hủy, cải, sửa cao. Thứ ba là án xử không thi hành được. Trả lời chất vấn này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận tỷ lệ giải quyết án HC 70% đúng là có thấp hơn mặt bằng chung của tất cả các loại án khác là 91%. Tỷ lệ hủy, sửa do lỗi chủ quan của án HC là 3,3%.

Về nguyên nhân, ông Bình nói sâu về quy định phiên tòa phải có sự tham gia của chủ tịch UBND cấp đã ra quyết định xử lý HC đó.

“Khi chủ tịch UBND không có mặt thì tòa buộc phải hoãn phiên tòa và hoãn hoài như thế là hình ảnh rất xấu, vụ án HC thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa dân và chính quyền. Nếu như chính quyền cứ né hoài như thế này thì hình ảnh cũng rất dở. Nhưng chính quyền có mặt hoài thì cũng sẽ không có thời gian để giải quyết công việc khác”, ông Bình phân tích.

Để bạn đọc hiểu rõ thêm, cũng thấy rằng phải nhắc lại “tố tụng HC” là gì? Tất nhiên để hiểu về nó phải bắt đầu từ khiếu kiện HC.

Đó chính là việc người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình đối với quyết định HC, hành vi HC tại cơ quan Tòa án, chọn Tòa án là cơ quan giải quyết khiếu nại của mình.

Trước đây, khiếu nại HC chỉ do cơ quan HC nhà nước giải quyết. Ngày 01/7/1996, đã ra đời Tòa án HC trong hệ thống Tòa án nhân dân, từ đó Tòa HC có thẩm quyền giải quyết khiếu nại HC theo trình tự tố tụng tư pháp.

Tố tụng HC góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền HC quốc gia.

Đáng tiếc, kỷ cương phép nước đang là điều đáng buồn nhìn qua hoạt động của Tòa án HC. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn mình đã không quên chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga đối với Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Ông nói: “Tôi cảm ơn câu này. Câu này nói đến kỷ cương phép nước. Đất nước không có kỷ cương phép nước thì rất có thể không ổn”.

“Trên tinh thần đó, tôi yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chấp hành nghiêm các bản án có hiệu lực pháp luật của HC”, Thủ tướng yêu cầu.

Cụ thể hơn, ông giao cho Bộ Tư pháp - là cơ quan được pháp luật giao quản lý lĩnh vực - rà soát báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12/2017 đối với 85 vụ án hành chính không được thực thi.

Dân có hành vi vi phạm HC thì bị cưỡng chế, nhưng chính quyền có hành vi vi phạm HC đã có phán quyết của TAHC mà không được thực thi đó là sự nhạo báng đối với công lý.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/huy-an-va-trach-nhiem-d57994.html