Hương vị ẩm thực của đồng bào Cơ Tu

Ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu rất đa dạng, phong phú như: Bánh sừng trâu, thịt nướng ống, thịt xông khói… cho đến cơm lam, thịt cá, thịt đông và các loại rượu do chính đồng bào tự làm. Tất cả được chế biến theo hương vị truyền thống rất đặc trưng, cùng hương thơm của tiêu rừng, lá rau rừng tự nhiên.

Vào dịp lễ, tết của đồng bào Cơ Tu, người người nhà nhà rộn ràng, hân hoan tất bật vào rừng để hái lá dong, lá đót, ống giang, ống tre, ống nứa tươi và chuẩn bị gạo nếp, đi săn thú rừng, bắt cá,… để chuẩn bị nguyên vật liệu cho các món ăn truyền thống.

Với đồng bào Cơ Tu món ăn truyền thống không thể thiếu món bánh sừng trâu. Người Cơ tu gọi bánh này là Avị cuốt - bánh sừng trâu. Bánh được làm bằng nếp không có nhân, sau đó dùng lá đót để gói. Lá đót được dùng để gói bánh phải to bản, không bị rách được lau sạch sẽ. Gói xong thì cột bánh lại thành từng cặp và ngâm vào nước 2 - 3 tiếng rồi mới luộc bánh. Bánh chín tỏa hương thơm của nếp lẫn với mùi thơm của lá đót rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu không thể thiếu trong mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ tết của đồng bào Cơ Tu.

Đồng bào Cơ Tu gói bánh sừng trâu

Cùng với món bánh sừng trâu, món za rá là món ăn truyền thống đặc trưng của người Cơ Tu. Món này bao gồm thịt rừng, cá, chim, ếch nhái… trộn với các loại rau, măng, ớt và một ít các loại gia vị được nhồi vào trong ống tre hoặc ống nứa tươi rồi nướng lên. Sau đó dùng một cây gai song mây thọc vào cho nhuyễn thức ăn. Za rá phải thưởng thức ngay khi còn nóng mới cảm nhận hết được mùi vị làm say lòng người, vị cay nồng của tiêu, ớt đỏ, mùi hanh, the lá, mùi thơm của thịt và vị đắng của đọt mây rừng.

Các món ăn truyền thống trong mâm cỗ cúng của người Cơ Tu

Ngày tết, người Cơ Tu gặp nhau trò chuyện, chúc mừng năm mới

Với người Cơ Tu, ẩm thực ngày tết không thể không có rượu. Hai loại rượu truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu là rượu Tà vạt và rượu cần. Rượu Tà vạt được xem là một loại đặc sản của người Cơ Tu. Đây là một loại rượu hoàn toàn tự nhiên không qua chế biến, có vị thơm ngọt uống rất ngon, bổ. Rượu được lấy từ buồng cây Tà vạt và sau đó bỏ thêm vỏ cây chuồn – một loại cây có vị đắng đã được phơi khô cho nó tự lên men.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-vi-am-thuc-cua-dong-bao-co-tu-153006.html