Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNCA) cùng với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức công bố kết quả nghiên cứu báo cáo 'Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam'. Đây là tài liệu rất hữu ích, thiết thực, cung cấp thêm nhiều thông tin giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn về già hóa dân số và định hướng chính sách trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch VNCA, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu, trở thành một vấn đề xã hội có tác động to lớn tới tiến trình phát triển chung của tất cả các nước trên toàn thế giới với nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Nhờ có sự phát triển của khoa học - công nghệ, những thành tựu vượt bậc về kinh tế, cùng với những tiến bộ xã hội, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng rất nhanh. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011.

Theo các chuyên gia dự báo, Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để thích ứng tốt với già hóa dân số, Việt Nam cần có các chính sách và chiến lược để chuẩn bị cho già hóa một cách phù hợp trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch VNCA, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Việc thích ứng với già hóa dân số, không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người cao tuổi mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác.

Các chính sách hiện tại của Việt Nam chủ yếu nhằm hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của người cao tuổi (NCT). Do vậy cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và NCT, cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực.

Theo Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2017 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về công tác dân số trong tình hình mới; các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện là chuẩn bị trình Luật Dân số; sửa đổi và bổ sung Luật Người cao tuổi; xây dựng chương trình quốc gia về NCT đến năm 2030 và dự án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030.

Với sự hỗ trợ của UNFPA, “Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc cung cấp, sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển và bằng chứng để phát triển và giám sát các kế hoạch, chiến lược và chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững 2017-2021”, UNFPA và VNCA phối hợp với nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước đã tiến hành đánh giá, xây dựng báo cáo chính sách này nhằm cung cấp phân tích và khuyến nghị về sự cần thiết ban hành một chính sách quốc gia toàn diện để thích ứng với vấn đề già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.

Hôm nay, VNCA cùng với UNFPA chức công bố kết quả báo cáo. Đây có thể nói là một tài liệu rất hữu ích, thiết thực, cung cấp thêm nhiều thông tin nhằm giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn về già hóa dân số và định hướng chính sách trong thời gian tới. Làm cơ sở đầu vào hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là cơ quan thường trực về quản lý Nhà nước về người cao tuổi cùng các cơ quan liên quan có định hướng chính sách đúng, phù hợp với người cao tuổi trong thời gian tới.

Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn xác định Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện tốt các chính sách An sinh xã hội đối với người cao tuổi, đồng thời chúng tôi rất cần các bạn bè quốc tế chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực để có thể đạt mục tiêu già hóa chủ động, già hóa khỏe mạnh đối với mọi người cao tuổi Việt Nam”.

Các đại biểu đưa ra các giải pháp để thích ứng với già hóa dân số.

Bên cạnh báo cáo chính về Hướng tới xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số Việt Nam 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2035, nhiều tham luận được các tác giả trình bày có liên quan đến già hóa dân số và chính sách như: Định hướng chính sách về sửa Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2021 - 2015; Thích ứng với già hóa dân số: Cách tiếp cận theo vòng đời và kinh nghiệm quốc tế.

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/huong-toi-chinh-sach-quoc-gia-toan-dien-thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam.html