Hương nhài tỏa ngát

...Nhớ lại đận ốm thập tử nhất sinh, chị vẫn bàng hoàng, tưởng sẽ bỏ lại đứa con tròn 7 tháng tuổi ra đi mãi mãi. Nhưng rồi, bằng nghị lực và tình thương yêu của một người mẹ dành cho con, sức sống trong chị trỗi dậy, vun đắp cuộc đời mới...

Một thời "Tu chợ"

Ký ức một thời buôn thúng bán bưng còn in đậm trong chị Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hiệp, tổ 16, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Chị bảo, đó là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệm và tích lũy kinh nghiệm sống, cho chị thêm vốn liếng mở mang cơ nghiệp như ngày nay.

Tuổi đôi mươi của chị cũng khó khăn như bao cô gái khác thời bao cấp nhưng ở chị Thảo có sự khác biệt, đó là tố chất của người kinh doanh, biết “nhìn ra tiền” nên cuộc sống phần nào đỡ vất vả. Chị học trung cấp kế toán ở tỉnh, tốt nghiệp năm 1987, rồi xin vào làm việc tại Công ty Dịch vụ du lịch ăn uống nhưng thời bấy giờ nghề này gặp khó khăn, bởi cái đói nghèo bám riết. Vậy nên, vỏn vẹn sau 4 năm trời làm việc tại công ty, chị tự nguyện xin nghỉ việc về nhà làm may gia công, buôn chuyến các loại hàng tạp hóa ở khắp các chợ Bợ, Bình Xa, Bạch Xa (Hàm Yên), Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Trung Sơn (Yên Sơn)… Những bộ quần áo chị cắt theo mẫu rồi may cẩn thận, kỳ cạch trên chiếc xe đạp cà tàng cùng các chị, các cô rong ruổi khắp các chợ phiên, có hôm về muộn lỡ chuyến phà Bợ, thế là đám chị em canh nhau ngủ chờ trời sáng.

Chị Trần Thị Phương Thảo tư vấn sản phẩm của công ty cho khách hàng.

Đó là tháng ngày khó quên với chị, nhưng "lời lãi" nhất mà chị thu được không chỉ là tiền bạc mà chị còn có thêm kinh nghiệm làm hành trang cho cả chặng đường dài kinh doanh sau này. Bởi, theo chị Thảo, cái khó nhất mà chị đã vượt qua là người đời nhìn mình bằng mắt “con buôn”, nhưng trong mọi hoàn cảnh, chị luôn trung thực, bán hàng đúng giá, không nói thách, không lòe người quê. Dân kẻ chợ quý chị ở chỗ đó, họ bảo, “nó tu chợ rồi thì sau này sẽ hưởng phúc”. Những kỷ niệm đó cứ quẩn quanh trong ký ức chị cho đến giờ. Thế rồi, vợ chồng chị cũng làm được ngôi nhà xây trên con đường “ngõ đá”-nay là phố Nguyễn Văn Linh, phường Phan Thiết. Chị cười hóm hỉnh, cái tên “ngõ đá” giờ bọn trẻ chả đứa nào biết, nhưng bà con xóm phố của chị ngày đó giờ vẫn nhắc đến tên con ngõ này mỗi dịp gặp nhau. Gọi là ngõ đá là bởi, con đường này được rải bằng đá dăm, oách nhất các khu phố thời đấy.

Thành công từ chữ Tâm

Năm 2001, khi đứa con thứ 2 của chị mới tròn 7 tháng tuổi thì chị mắc căn bệnh viêm tụy cấp hoại tử, phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội trong tình trạng bị vỡ túi mật, rất nguy cấp. Khi bác sỹ kết luận bị viêm tụy cấp hoại tử, khó qua được, chị hoang mang ánh mắt đờ đẫn nhìn bác sỹ cầu cứu, chị thốt lên “bác sỹ, cứu em với, con em còn nhỏ quá”.

Rồi chị lịm đi trước khi lên bàn mổ. Khi chị tỉnh giấc, ánh mắt bỗng trong trẻo trở lại, làn da sáng hơn, hai cô y tá nhìn nhau bảo “đúng là gái Tuyên có khác, đang bệnh mà vẫn xinh thế”. Chị cứ nghĩ đến đứa con non nớt ánh mắt ngơ ngác khát sữa chờ mẹ để mà gắng gượng, chống chọi với bệnh tật, lấy lại sức bình sinh trong cơ thể ốm yếu của mình. Chị được ra viện trong sự ngỡ ngàng thán phục của thầy thuốc và người thân về ý chí phi thường ấy. Chị bảo, lúc đó chị chỉ nghĩ đến con, đến những khát vọng còn dang dở để mà giành giật lấy sự sống. Thật may, sự sống đã hồi sinh.

Chị dần lấy lại sức lực để bắt tay vào kinh doanh và bước ngoặt bắt đầu từ năm 2003 khi chị mở cửa hàng buôn bán đồ nội thất. Gia Lâm (Hà Nội), quê cha chị ở đó, nơi có Nhà máy Hòa Phát nổi tiếng với đồ gỗ nội thất gia đình, công sở. Chị nhìn ra việc và bắt đầu tìm hiểu thị trường, tìm hiểu về các loại sản phẩm của nhà máy để đi đến quyết định mở cửa hàng nội thất Thảo Thành, ban đầu chưa bán được nhiều hàng đâu vì chưa có uy tín với khách hàng. Chị Thảo cho biết, để có uy tín là cả một hành trình dài mà người kinh doanh phải tạo lập bằng hành động trung thực và trách nhiệm với khách hàng. Chị mua được mảnh đất tại khu phố mới (đường Quang Trung bây giờ) cải tạo mặt bằng để cửa hàng khang trang hơn, thuê kho dự trữ hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng. Cái mà chị Thảo tạo được sự tin tưởng và quý mến của khách hàng không chỉ bởi sự nền nã khi tiếp xúc với chị mà chị sẵn sàng giúp đỡ nhiều khách hàng kinh phí eo hẹp. Nhiều người mới xây dựng gia đình, hoàn cảnh khó khăn được chị hỗ trợ giá và cho mua “chịu” mà không lấy lãi. Thế là người ta cứ tìm đến với chị để mua bàn ghế, giường tủ, nội thất gia đình, cơ quan. Chị có tài nhớ tên từng vị khách, bởi điều đó mà người ta cứ ấn tượng khi được chị nhớ tên dẫu không gặp nhiều lần.

Chị có nhiều đối tượng khách hàng, nhưng với ai chị cũng dành cho họ sự quan tâm bình đẳng. Sản phẩm chưa đạt yêu cầu của khách đều được tốp thợ đã gắn bó với chị trong suốt 16 năm qua đến tận nơi tư vấn, chỉnh sửa đến khi khách hài lòng mới thôi. Chị tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương thỏa đáng; tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho họ, vậy nên họ gắn bó với chị từ ngày chị khởi nghiệp đến giờ.

Hiện giờ, chị Thảo còn đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân thành phố Tuyên Quang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh. Trong ngôi nhà chung, chị là người chị cả sẻ chia cùng đồng nghiệp những khó khăn và kinh nghiệm thương trường để cùng nhau gây dựng cộng đồng doanh nhân Tuyên Quang lớn mạnh hơn. Chị Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang tâm sự, làm nghề kinh doanh với nam giới đã vất vả, với phụ nữ thì đó thực sự là nghề khó nhọc. Những lúc nản chí, chị cũng như nhiều doanh nhân nữ thường tìm đến người “chị cả Thảo” của mình để giãi bày tâm sự, để được nghe những câu chuyện chị kể về một thời gian khó như có thêm động lực vượt qua. Chị em trong câu lạc bộ vì thế mà ai cũng gắng sức cùng nhau phát triển. Chị Thảo luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm của một doanh nhân với cuộc sống cộng đồng, đóng góp cho các quỹ, hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2018, chị Thảo tự nguyện hỗ trợ 50 triệu đồng cho 2 xã An Khang, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) xây dựng đường hoa ở các thôn, góp phần cùng thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chị - người phụ nữ gốc Hà Thành, trải qua bao vất vả, thăng trầm đã tạo dựng được cơ nghiệp ở mảnh đất Thành Tuyên. Chị là điểm tựa gia đình để người chồng vẹn tròn việc nước, chăm lo hai người con học tập nên người. Hiện giờ, người con cả của chị đang công tác tại Trường Đại học Tân Trào, người con thứ hai đang du học tại New Zealand. Là một nữ doanh nhân thành đạt, chị được mọi người cảm phục, chị Thảo luôn giản dị, chan hòa với bất kỳ ai khi tiếp xúc. Ở chị vừa toát lên vẻ đẹp hồn hậu, nồng ấm, vừa toát lên khí chất của một “thủ lĩnh”. Tiếp xúc với chị, tôi bỗng nhớ tới câu ca thủa trước:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An ”.

Phóng sự: Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/huong-nhai-toa-ngat-129548.html