Hưng Yên chủ động ứng phó bão số 3: Cắt tỉa cây xanh, gia cố công trình
Chiều 21-7, ghi nhận tại nhiều địa bàn tỉnh Hưng Yên cho thấy các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 3 với tinh thần chủ động và quyết liệt.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ 7 giờ 30 sáng, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xuất hiện mưa lớn kéo dài. Tại khu vực đô thị, chính quyền các phường đã huy động lực lượng tại chỗ cắt tỉa cây xanh, chằng buộc nhà cửa, mái tôn… để phòng giông lốc, gió mạnh.
Tại khu đô thị Kỳ Đồng (phường Trần Hưng Đạo), lực lượng phòng chống thiên tai địa phương đã dùng thiết bị cơ giới cắt tỉa hàng loạt cây xanh ven đường.

Lực lượng phòng chống bão tại chỗ thuộc Ban quản lý Khu đô thị Kỳ Đồng (phường Trần Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên) sử dụng phương tiện để cắt, tỉa cây xanh phòng chống bão số 3. Ảnh: Trọng Phú
Đại diện Ban quản lý khu đô thị cho biết công việc này được triển khai theo chỉ đạo của UBND phường từ vài ngày trước, nhằm tránh tình trạng cây đổ như trong bão Yagi năm ngoái. “Dự kiến đến 16 giờ chiều nay sẽ hoàn tất toàn bộ việc cắt tỉa cây”, vị này thông tin.
Phường Trần Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên cắt tỉa cây xanh phòng chống bão số 3 đổ bộ.
Tại khu đô thị Petro, cũng thuộc địa bàn phường Trần Hưng Đạo, lực lượng chức năng dùng máy cẩu để gia cố, chằng chống các cây lớn, khắc phục hậu quả do trận giông lốc chiều 19-7 và tiếp tục cắt tỉa cây nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên đã đi kiểm tra thực địa tại khu neo đậu tàu thuyền xã Đông Thái Ninh, Công ty Nhiệt điện Thái Bình và một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Lực lượng phòng chống bão của phường Trần Hưng Đạo (tỉnh Hưng Yên) sử dụng máy cẩu để gia cố, cắt tỉa cây bị đổ tại khu đô thị Petro trong trận giông lốc xảy ra vào chiều ngày 19-7, đề phòng bão số 3 gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Trọng Phú
Tại đây, lãnh đạo tỉnh cảnh báo bão số 3 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có phạm vi ảnh hưởng rộng và nguy hiểm. Hưng Yên được dự báo là một trong những địa phương chịu tác động trực tiếp.
“Xã Đông Thái Ninh và các doanh nghiệp cần tuyệt đối không chủ quan, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về ứng phó bão”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương gia cố công trình, điều chỉnh kế hoạch sản xuất để bảo đảm an toàn cho người lao động. Đồng thời, phân công lực lượng trực 24/24 giờ và sẵn sàng triển khai phương án “4 tại chỗ”.
Trong tình huống khẩn cấp, doanh nghiệp cần liên hệ ngay với chính quyền để được hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra mất an toàn về người và hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hưng Yên, đến chiều ngày 20-7, trên địa bàn có tổng số 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động; trong đó đang hoạt động ven biển Hưng Yên là 55 phương tiện với 168 lao động, đang hoạt động trên vùng biển ngoài tỉnh là 1 phương tiện với 4 lao động.
Neo đậu tại các bến trong tỉnh là 1.048 phương tiện, 2.876 lao động; neo đậu ngoài tỉnh là 28 phương tiện, 193 lao động. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh có 980 chòi canh ngao với 969 lao động canh coi trên các bãi ngao; 2.769 đầm với 3.341 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ở các xã ven biển.
18 giờ chiều ngày 20-7, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện lệnh cấm biển để bảo đảm an toàn cho người dân và các phương tiện.
Hiện toàn tỉnh đã gieo cấy được 94.640/97.500 ha, đạt 97,1% kế hoạch; trồng được 8.457 ha rau màu hè. Diện tích trồng nhãn toàn tỉnh khoảng 5.800 ha đang trong giai đoạn phát triển quả.
Toàn tỉnh có 63 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê; các trọng điểm đã có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.