Hội Người mù Giao Thủy quan tâm chăm lo đời sống hội viên

Hội Người mù huyện Giao Thủy có 124 cán bộ, hội viên. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đã đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống. Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Hội Người mù huyện Giao Thủy có 124 cán bộ, hội viên. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đã đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống.

Dịch vụ tẩm quất, mát-xa phục hồi sức khỏe tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên Hội Người mù huyện Giao Thủy.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống. Hội Người mù huyện đã kịp thời nắm bắt và giải quyết vướng mắc, động viên các hội viên gặp khó khăn vươn lên. Hội vẫn duy trì cơ sở sản xuất tăm tre đồng thời nâng cao tay nghề của hội viên và thay đổi mẫu mã, đảm bảo chất lượng nên sản phẩm tăm tre của Hội vẫn được ưa chuộng và tiêu thụ tốt. Trong năm, Hội đã tiêu thụ gần 200 nghìn hộp tăm, tổng doanh thu hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh làm tăm tre, Hội có 3 cơ sở tẩm quất phục hồi sức khỏe, tạo việc làm ổn định cho nhiều hội viên. Được sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Người mù Giao Thủy, chị Phạm Thị Ngà đã mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất ở xã Giao Phong. Thời gian đầu mới hoạt động, cơ sở của chị gặp nhiều khó khăn do số lượng khách chưa nhiều, thu nhập thấp. Nhưng với sự kiên trì, tay nghề vững vàng và sự tận tâm với nghề, dần dần cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của chị Ngà được nhiều người biết đến. Ngoài xoa bóp, tẩm quất, cơ sở của chị còn có phương pháp chườm ngải cứu giảm bớt đau đầu, vai, gáy, xương khớp… thu hút rất đông khách. Có tháng, cơ sở của chị Ngà đón tiếp khoảng 400 lượt khách hàng. Ngoài hai vợ chồng là lao động chính, cơ sở của chị còn tuyển thêm 5 nhân viên cũng là hội viên Hội Người mù huyện với mức thu nhập trung bình từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tự tay gây dựng cơ sở ngày càng phát triển, chị Ngà còn tích cực truyền nghề cho các hội viên người mù có nhu cầu học. Chị đã đào tạo thành nghề cho 3 người, giúp họ có việc làm ổn định. Chị Ngà cho biết, nghề xoa bóp bấm huyệt là nghề khó nhưng nếu người khiếm thị nỗ lực, học hành bài bản sẽ có thu nhập ổn định. Thời gian tới, chị Ngà dự định đầu tư thêm máy mát-xa xung điện để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2021, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, các cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của hội viên Hội Người mù huyện đều tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 nên đời sống hội viên làm nghề cũng gặp khó khăn. Bên cạnh nghề làm tăm tre, tẩm quất, bấm huyệt, nhiều hội viên đã vượt qua mặc cảm, vươn lên phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Ông Phạm Văn Miên ở xã Giao Phong nuôi tôm thẻ chân trắng đã được gần 10 năm. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, trung bình mỗi năm ông Miên thu lãi từ 300-400 triệu đồng từ nuôi tôm. Cuối năm 2021, ông đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để chuyển từ nuôi tôm trong ao, đầm theo phương pháp truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, ông Miên còn là Chủ tịch Hội Người mù huyện Giao Thủy luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thường xuyên động viên, thuyết phục những người khiếm thị trên địa bàn huyện tham gia tổ chức hội. Bên cạnh đó, ông cùng thường trực Hội tạo điều kiện cho hội viên học chữ nổi; hướng dẫn hội viên thủ tục vay vốn và định hướng lao động, sản xuất, giúp gia đình hội viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích; duy trì các hoạt động nghề trong hội viên như chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm tăm tre...

Bên cạnh quan tâm, giúp đỡ hội viên có việc làm, tự chủ kinh tế, Hội Người mù huyện thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên, khích lệ hội viên luôn yêu thương, chăm lo giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần cùng vươn lên hòa nhập xã hội. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, được sự quan tâm của UBND huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện, cùng với sự cố gắng của BCH Hội đã có 124 hội viên được tặng quà với tổng số 43 triệu đồng. Công tác văn hóa, giáo dục cũng luôn được Hội quan tâm. Đầu tháng 7-2021, Hội đã tổ chức thành công lớp dạy truyền nghề làm tăm chất lượng cao cho 30 hội viên trong 20 ngày do tổ chức Abilis (hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tư vấn cho các tổ chức của người khuyết tật) tài trợ. Đồng thời, Hội cũng tổ chức một buổi hội thảo hướng dẫn sử dụng gậy trắng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển thuận tiện cho 30 hội viên.

Thời gian tới, Hội Người mù huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy chữ, dạy nghề, kêu gọi, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ hội viên khó khăn. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cộng đồng, xã hội hiểu hơn về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người khiếm thị; từ đó có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đời sống của hội viên ngày càng tốt hơn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202202/hoi-nguoi-mu-giao-thuy-quan-tam-cham-lo-doi-song-hoi-vien-2549179/