Hội nghị kinh tế Bahrain liệu có phải 'mật ong độc'?

Hội nghị kinh tế Bahrain đã gặp phải sự phán đối mạnh mẽ của phía Palestine và sự lo ngại của các nước Arab.

Mỹ dự kiến tổ chức hội nghị khuyến khích đầu tư vào Palestine tại thủ đô Manama của Bahrain trong ngày 25-26/6. Đây là một phần trong nỗ lực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là "cơ hội thương lượng cuối cùng" cho hòa bình giữa Israel và Palestine và là một phần trong thỏa thuận thế kỷ.

Tuy nhiên, hội nghị đã gặp phải sự phán đối mạnh mẽ của phía Palestine và sự lo ngại của các nước Arab, trong khi chỉ có UAE và Saudi Arabia xác nhận tham gia hội nghị này.

Hội nghị khuyến khích đầu tư vào các khu vực ở Palestine (Ảnh Reuters)

Hội nghị kinh tế ở Manama do Mỹ kêu gọi được coi là một phần trong kế hoạch hòa bình giữa Palestine và Israel. Đây là bước khởi đầu của “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ. Mục tiêu chính của hội nghị là nâng cao mức sống của người dân Palestine bằng cách huy động sự hỗ trợ của quốc tế, các nước Arab và cũng là bước thăm dò phản ứng của khu vực và quốc tế.

Kiến trúc sư của thỏa thuận này Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump cho rằng “các cuộc đàm phán trước đây về giải pháp hai nhà nước đã thất bại và Mỹ phải thử những cách mới và khác nhau để đạt được hòa bình”.

Ông Kushner nhấn mạnh rằng, hội nghị Bahrain sẽ cố gắng tránh nhiều vấn đề chính trị khiến cho hòa bình khó đạt được, chẳng hạn như vấn đề liệu người Palestine sẽ có nhà nước riêng hay tình trạng của Jerusalem, hành động của Israel và vấn đề người tị nạn.

Lý do Mỹ lựa chọn Bahrain để tổ chức hội nghị cũng là điều mà dư luận quan tâm. Bởi hầu hết các nước Arab không sẵn sàng tổ chức hội nghị này ngoài Bahrain – quốc gia Arab duy nhất có xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel. Hiện nay, Bahrain có mối quan hệ tốt với Israel. Mỹ muốn các quốc gia Arab đồng ý xem kế hoạch này là cơ sở cho các cuộc đàm phán.

Tới thời điểm này mới chỉ có Saudi Arabia, UAE và Israel tuyên bố sẽ tham dự hội nghị, đồng thời cho rằng đây là nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giảm bớt nỗi khổ của người dân trong khu vực, bao gồm cả người dân Palestine.

Saudi Arabia và UAE cam kết tiếp tục hỗ trợ thành lập một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô. Hầu hết các nước Arab còn lại chưa đưa ra tuyên bố. Điều này cho thấy sự quan ngại của các nước đối với vấn đề nhạy cảm này.

Chính quyền Palestine lẫn các phe phái chính trị ở Gaza và Bờ Tây đã từ chối tham gia hội nghị dù là về chính trị, kinh tế hay an ninh. Các phe phái Palestine kêu gọi đoàn kết chống lại thỏa thuận và bất kỳ sức ép nào khiến Palestine chấp nhận thỏa thuận, cũng như tránh sự cám dỗ về cải thiện điều kiện sống. Palestine kêu các quốc gia Arab và Hồi giáo nên ủng hộ sự kiên định của người dân Palestine và cắt đứt mọi mối quan hệ với Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng mục đích của Mỹ muốn đưa vấn đề kinh tế trong kế hoạch hòa bình trước hết nhằm thuyết phục người Palestine và các nước Arab và tiếp đó sẽ chấp nhận về mặt chính trị. Các chuyên gia giải thích rằng việc công bố các điều khoản kinh tế của thỏa thuận nhằm cung cấp sự “cám dỗ” người Palestine và các quốc gia trong khu vực, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay và nó giống như "mật ong độc"./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-kinh-te-bahrain-lieu-co-phai-mat-ong-doc-913168.vov