HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT, TẠO CHUYỂN BIẾN RÕ RỆT ĐỂ GIÁM SÁT NGÀY CÀNG THỰC CHẤT

Nhấn mạnh hoạt động giải trình có ý nghĩa quan trọng, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là một trong những hình thức để cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giám sát, tạo chuyển biến rõ rệt để hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Hoạt động giải trình góp phần nâng cao chất lượng giám sát

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nêu rõ, giải trình là hoạt động thường xuyên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Thực tế cho thấy, qua các phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, có tính thời sự, vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri và Nhân dân quan tâm, trong đó, ngoài những vấn đề ở tầm vĩ mô, có cả những vấn đề phát sinh từ thực tế ở địa phương.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà

Mục đích của hoạt động giải trình là có kết luận cụ thể và được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ĐBQH, người được yêu cầu giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, hoạt động giải trình có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hình thức để cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giám sát, tạo chuyển biến rõ rệt để hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Đề cập về kết quả thực hiện nhiệm vụ giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các vấn đề được ĐBQH, cử tri quan tâm từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thông qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBTVQH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng hướng các chương trình giám sát, hoạt động giải trình, trả lời chất vấn của ĐBQH, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Các vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình của Bộ LĐTBXH đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Mặc dù trong hoàn cảnh khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, lượng ý kiến, kiến nghị gửi đến cũng rất nhiều nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực trả lời đầy đủ, đúng hạn 100% ý kiến, kiến nghị đối với những vấn đề ĐBQH, cử tri cả nước quan tâm (từ Kỳ họp thứ 1 đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ đã trả lời trên 1.200 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ chuyển; trên 30 Phiếu chất vấn của ĐBQH).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, các vấn đề được cử tri cả nước, ĐBQH quan tâm, gắn liền với đời sống của nhân dân, tập trung một số nhóm vấn đề như: đào tạo nghề; lao động; việc làm; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội,...

Toàn cảnh Hội nghị

Thông qua hoạt động trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng tại các kỳ họp Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, hoạt động giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, các vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực tiễn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15

Để nâng cao trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, lựa chọn vấn đề giải trình “đúng” và “trúng”, cần hướng đến những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, cấp bách, đang gặp vướng mắc, các vụ việc phức tạp, nổi cộm trong Nhân dân, có ảnh hưởng lớn đến xã hội và đời sống của người dân.

Khi tham gia giải trình, trả lời chất vấn, người được yêu cầu giải trình cần đi thẳng vào vấn đề, giải trình “đúng” và “trúng” vấn đề, tránh trả lời, giải trình dàn trải mà không rõ trách nhiệm, không tập trung vấn đề cần giải quyết.

Đối với các kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị cơ quan của Quốc hội tiếp nhận rà soát, phân loại nội dung cụ thể, rõ ràng, loại bỏ các kiến nghị chung chung không rõ vấn đề trước khi gửi cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết để đảm bảo tiến độ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ hai, xây dựng các câu hỏi có tính tham khảo, chia sẻ thông tin tới người được yêu cầu giải trình để công tác chuẩn bị nội dung giải trình được đầy đủ, chi tiết.

Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử chia sẻ giữa các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ về những nội dung trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của ĐBQH.

Thứ ba, đối với các vấn đề yêu cầu giải trình có liên quan đến các cơ quan liên ngành, tổ chức khác nhau, cần làm rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách nhanh chóng, triệt để, hiệu quả.

Thứ tư, có cơ chế theo dõi, đôn đốc, báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện theo Kết luận Nghị quyết của UBTVQH và Quốc hội về vấn đề được giải trình và cơ chế gắn trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhằm tăng cường tính chủ động giải quyết các vấn đề.

Thứ năm, tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan liên quan tham gia hoạt động giải trình.

Thứ sáu, truyền thông công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời về nhiệm vụ giải trình, trách nhiệm giải trình, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đối với các vấn đề được giải trình để kịp thời thông tin đến cử tri, Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85526