Hòa Vang phát triển sản xuất nông sản sạch

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng hiệu quả và bền vững.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng hiệu quả và bền vững.

Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính của hộ ông Trương Ngọc Sơn (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú).

Được biết, vùng nông thôn Hòa Vang hiện có hơn 200ha chuyên canh lúa hữu cơ tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Châu… đã giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống của gần 4.000 hộ nông dân, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm, tối đa hóa doanh thu trên một đơn vị diện tích. Các cánh đồng đều sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người nông dân và tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, phục vụ đô thị.

Điển hình, tại xã Hòa Tiến, ngoài 15ha liên kết với Cty Nông sản Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế), 2 năm trở lại đây, địa phương còn “dồn điền đổi thửa” thêm 15ha để mở rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ tại thôn An Trạch. Lão nông Nguyễn Đính xác nhận: “Nếu như làm lúa truyền thống, mỗi vụ phải phun từ 8 - 10 lần thuốc BVTV thì sản xuất lúa hữu cơ chỉ phun 3 lần. Thuốc BVTV là thuốc sinh học nên không lo độc hại. Đã không tốn thời gian làm cỏ bờ ruộng mà còn có cỏ sạch cho trâu, bò ăn nữa. Ngoài việc tiết kiệm được công chăm bón, phân bón, thuốc BVTV, trung bình mỗi sào lúa hữu cơ lãi hơn 1,5 triệu đồng so với sản xuất truyền thống; mô hình còn cung cấp kiến thức, giúp người nông dân thay đổi tư duy về sản xuất lúa sạch”… Qua khảo sát thị trường hiện nay, gạo hữu cơ có giá từ 180 - 200 ngàn đồng/10kg; trong khi đó, gạo sản xuất thông thường được bán với giá 120-140 ngàn đồng/10kg.

Còn ở thôn 5 (xã Hòa Khương), trang trại nông sản sạch GreenTech Farm của ông Lê Văn Tuấn là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đi vào hoạt động từ năm 2018. Trên diện tích 1ha, ông Tuấn xây dựng hệ thống 5 nhà lưới để gieo trồng các loại dưa, 2 nhà lưới trồng rau thủy canh và giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/tháng. Tại thôn miền núi Phú Túc (xã Hòa Phú), Cty CP Nông nghiệp CNC Afarm đầu tư hơn 10 tỷ đồng phát triển sản xuất theo hướng hiện đại với hệ thống nhà kính và điều khiển tự động, có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh nghiêm ngặt; tất cả các sản phẩm đều đạt theo tiêu chuẩn VietGAP…

Người tiêu dùng tiếp cận Gạo hữu cơ HP1 do nông dân xã Hòa Phước sản xuất, đóng gói.

Ngoài ra, còn có 2 hộ dân Lê Mạnh Dân (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh), Trương Ngọc Sơn (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú) khi được Nhà nước hỗ trợ 1,4 tỷ đồng/hộ đã xây dựng mô hình nhà kính trồng rau, quả sạch với tổng kinh phí đầu tư 3,57 tỷ đồng/hộ. Ưu điểm dễ nhận thấy khi sản xuất rau, quả trong hệ thống nhà kính là nông dân chủ động được mùa vụ nên dễ dàng canh tác nhiều giống cây trồng mới và gối vụ quanh năm. So với trồng rau bên ngoài thì rau trong nhà kính ứng dụng hệ thống tưới phun tự động có thời gian thu hoạch ngắn hơn, năng suất đạt cao hơn, không bị tác động của thời tiết, sâu bệnh và sản phẩm luôn được người tiêu dùng lựa chọn… “Với việc sản xuất nông sản sạch thì cả sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng mới được đảm bảo an toàn, và tất nhiên, nông sản đạt chất lượng cao thì giá cũng cao và dễ bán hơn. Vấn đề quan tâm của nông dân hiện nay là đầu ra ổn định, có tổ chức thẩm định thương hiệu vùng rau an toàn để tránh lẫn lộn giữa giá và chất lượng rau an toàn với rau trồng đại trà”, ông Trương Ngọc Sơn trải lòng.

Có thể nói, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới. Các mô hình sản xuất này đã và đang ngày càng được nhân rộng với những tín hiệu khả quan, mang lại nhiều khởi sắc cho người nông dân trong việc đầu tư, phát triển sản xuất nông sản sạch. Bên cạnh đó, để duy trì và nhân rộng vùng liên kết sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường thì người nông dân cũng cần được giới thiệu tuyên truyền, hỗ trợ tích cực trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, giúp kết nối bền vững với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_230699_hoa-vang-phat-trien-san-xuat-nong-san-sach.aspx