Hình thức và nội dung Thư ủy nhiệm và Thư triệu hồi có gì đáng chú ý?

Hiện nay, hình thức và nội dung Thư ủy nhiệm và Thư triệu hồi có phần ngắn gọn và đơn giản hơn trước rất nhiều.

Thư ủy nhiệm là văn bản chính thức chứng nhận Đại sứ là đại diện của Nguyên thủ Quốc gia của nước cử bên cạnh Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận.

Trước đây, lời lẽ Thư ủy nhiệm của các nước quân chủ thường cầu kỳ, rườm rà, đặc biệt chú ý đến tước vị của Nhà vua. Thư ủy nhiệm mà Nga hoàng gửi đi đều nhắc đến 55 lãnh thổ mà Nga Hoàng cai trị.

Ngày nay, lời lẽ các Thư ủy nhiệm ngắn gọn hơn rất nhiều và nội dung Thư đơn giản, thường tương tự như nhau. Thư ủy nhiệm bắt đầu bằng tên và chức vụ chính thức của Nguyên thủ Quốc gia nước cử Đại sứ và sau đó là của Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận.

Hiện nay, chức vụ các Nguyên thủ Quốc gia ghi trong Thư ủy nhiệm thường đơn giản, nhưng cũng không phải không còn trường hợp cầu kỳ, rườm rà. Thư ủy nhiệm của các Đại sứ Vương quốc Anh (khi Anh chưa rời Liên minh châu Âu) đều mở đầu bằng tên và chức vụ Nguyên thủ Quốc gia Anh ghi đầy đủ như sau: Nữ hoàng Elizabeth II, nhờ ơn Thượng đế Nữ hoàng Anh và Bắc Ireland và các Vương quốc và Lãnh thổ khác, Nguyên thủ khối Thịnh Vượng chung, Người bảo vệ đức tin.

Nội dung các Thư ủy nhiệm là thông báo cử Đại sứ, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia, tin tưởng Đại sứ sẽ thay mặt Nguyên thủ Quốc gia nước cử giải quyết mọi việc tốt đẹp và mong Đại sứ được sự giúp đỡ của Nguyên thủ nước tiếp nhận. Thư ủy nhiệm do Nguyên thủ Quốc gia ký, Bộ trưởng Ngoại giao tiếp ký, thường đóng dấu nổi và gửi cho Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận.

Thư triệu hồi là văn bản trong đó Nguyên thủ Quốc gia nước cử tuyên bố triệu hồi vị đại diện ngoại giao của mình. Nội dung có thêm phần bày tỏ hy vọng rằng vị đại diện ngoại giao của mình đã góp phần vào việc phát triển và củng cố quan hệ giữa hai nước và cảm ơn nước tiếp nhận đã giúp đỡ Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng như Thư ủy nhiệm, Thư triệu hồi do Nguyên thủ Quốc gia ký, Bộ trưởng Ngoại giao tiếp ký và cũng gửi cho Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận. Có những nước như Trung Quốc không làm Thư triệu hồi riêng, việc triệu hồi Đại sứ tiền nhiệm được đề cập trong Thư ủy nhiệm Đại sứ mới.

Tuy nhiên, tại một số nước, Đại sứ phải chờ lâu mới được trình Thư ủy nhiệm, như vậy có trở ngại cho việc thi hành nhiệm vụ không? Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi tại mục Lễ tân ngoại giao.

Cục Lễ tân Nhà nước

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hinh-thuc-va-noi-dung-thu-uy-nhiem-va-thu-trieu-hoi-co-gi-dang-chu-y-111136.html