Hình ảnh hiếm thấy của ông Kim Jong Un trong lễ tang Nguyên soái Hyon

Truyền thông Triều Tiên đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un khiêng quan tài của ông Hyon Chol Hae và sau đó rải đất lên mộ vị nguyên soái tại nghĩa trang quốc gia.

Ông Kim Jong Un khiêng quan tài tại lễ tang Nguyên soái Hyon Chol Hae Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm 22/5 đã chủ trì tang lễ cho ông Hyon Chol Hae - Nguyên soái Quân đội Nhân dân, Tổng cố vấn Bộ Quốc phòng Triều Tiên. Ông Hyon hưởng thọ 87 tuổi.

Tang lễ Nguyên soái quân đội nhân dân Triều Tiên Hyon Chol Hae là sự kiện hiếm hoi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tham dự với tư cách một trong những người khiêng quan tài. Sự kiện quy tụ nhiều người tham dự trong bối cảnh giới chức trách y tế Triều Tiên khẳng định chiến dịch chống Covid-19 tại nước này đang chuyển biến tích cực.

Theo cáo phó do KCNA đăng tải, ông Hyon qua đời vào ngày 19/5 do suy đa tạng, hưởng thọ 87 tuổi.

Tang lễ Nguyên soái Hyon Chol Hae. Ảnh: KCNA.

Hyon Chol Hae là ai?

Nguyên soái Hyon Chol Hae là một trong những vị lão thành của đảng Lao động Triều Tiên.

Ông Hyon sinh năm 1934, từng theo học trường Cách mạng Mangyongdae tại Bình Nhưỡng và sau đó là Học viện Quân sự Nicolae Balcescu tại Romania.

Trong thập niên 1960, ông Hyon là thành viên đội cận vệ cá nhân của cố lãnh đạo Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Năm 1968, ông này được phong hàm thiếu tướng và được bổ nhiệm làm phó giám đốc một số đơn vị trong Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên, nhưng bị bãi nhiệm vào thập niên 1970.

Trong thập niên 1980, con đường quan lộ của Hyon bắt đầu tiến nhanh. Ông được phong hàm trung tướng năm 1986 và được bổ nhiệm làm giám đốc Tổng cục Hậu cần.

Đến năm 1995, Hyon được thăng hàm đại tướng, đảm nhiệm chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Ông Hyon cũng từng giữ chức phó chủ tịch Quốc hội Triều Tiên, bí thư thường trực Quân ủy Trung ương Triều Tiên, và sau đó là một trong các thành viên của Bộ chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Theo Yonhap, ông Hyon được phong hàm nguyên soái tháng 4/2016.

Cùng với Đại tướng Ri Myong Su, Nguyên soái Hyon là người thường xuyên xuất hiện trong đoàn tùy tùng của cố lãnh đạo Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un.

Tướng Hyon là một trong các nhân vật chủ chốt thuộc bộ máy quản lý quân sự của ông Kim Jong Il trong 15 năm. Ông Hyon cũng tháp tùng cố lãnh đạo Kim Jong Il trong lần xuất ngoại hiếm hoi tới Trung Quốc tháng 5/2010.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khiêng quan tài của ông Hyon. Ảnh: KCNA.

Theo Guardian, Nguyên soái Hyon được cho là một trong các quan chức đã dìu dắt ông Kim Jong Un để trở thành nhà lãnh đạo đất nước, trước khi ông Kim Jong Il qua đời năm 2011.

Trong hình ảnh tang lễ Nguyên soái Hyon mà truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố, ông Kim Jong Un là một trong 6 người khiêng quan tài của tướng Hyon.

Ông Kim sau đó cũng tham gia lễ chôn cất tại nghĩa trang quốc gia. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó tự tay rải đất lên mộ của vị nguyên soái.

"Tên tuổi của Hyon Chol Hae sẽ luôn được ghi nhớ cùng với tên của nhà lãnh đạo Kim Jong Il", KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Kim thậm chí đã khóc khi thăm bia tưởng niệm cho Nguyên soái Hyon.

KCNA cũng cho biết nhiều binh sĩ và người dân Triều Tiên đã đổ ra đường thể hiện sự thương tiếc khi quan tài của ông Hyon trên đường chuyển tới nghĩa trang. Hình ảnh từ video công bố cho thấy hàng nghìn binh sĩ đã tập trung tại một quảng trường khi lễ tang diễn ra.

Hơn 2,8 triệu người có triệu chứng sốt ở Triều Tiên

Tang lễ cấp nhà nước được tổ chức trong bối cảnh Triều Tiên lần đầu tiên đối mặt làn sóng ca mắc Covid-19. Tuy vậy đến này, Triều Tiên chỉ công bố số người bị sốt trong bản tin mỗi ngày, trong khi số ca mắc Covid-19 được chính thức xác nhận thì thấp hơn.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 23/5 cho biết hơn 2,8 triệu người đã mắc bệnh sốt chưa xác định, nhưng chỉ có 68 ca tử vong kể từ cuối tháng 4. Nếu so với trung bình thế giới, Triều Tiên có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần.

Việc số ca mắc Covid-19 và tử vong thấp ở Triều Tiên có khả năng do nước này chỉ có năng lực xét nghiệm hạn chế. Tuy vậy, các chuyên gia cũng hoài nghi có nhiều ca tử vong Covid-19 không được ghi nhận chính thức.

Triều Tiên đang duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc cùng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Di chuyển giữa các khu vực bi cấm. Tuy vậy, các hoạt động sản xuất then chốt về nông nghiệp, công nghiệp vẫn diễn ra nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế.

Nhân viên y tế xịt khuẩn tại một nhà ga ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

KCNA ngày 23/5 cho biết Triều Tiên ghi nhận thêm 167.650 ca sốt trong vòng 24 giờ qua, thấp hơn đáng kể so với đỉnh 390.000 ca/ngày của tuần trước. Số người chết trong 24 giờ của Triều Tiên là 1, tỷ lệ tử vong vì bệnh sốt chưa rõ nguyên nhân là 0,002%.

Trước đợt bùng phát hiện nay, đa phần người dân Triều Tiên chưa tiêm vaccine Covid-19.

Tại Hàn Quốc, nơi phần lớn trong tổng số 52 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 23/5 là 0,13%.

Trong báo cáo tới Quốc hội tuần trước, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết những ca sốt ở Triều Tiên có thể gồm người mắc một số loại bệnh khác như sởi, thương hàn, ho gà. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế dân sự tin rằng phần lớn ca bệnh liên quan Covid-19.

Trước khi thừa nhận đợt bùng phát do biến chủng Omicron hôm 12/5, Triều Tiên khẳng định nước này không có virus SARS-CoV-2. Bình Nhưỡng từng từ chối tiếp nhận hàng triệu liều vaccine Covid-19 do chương trình COVAX cung cấp.

Lúc này, Triều Tiên tiếp tục không phản hồi trước các đề nghị hỗ trợ y tế từ Hàn Quốc và Mỹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị Triều Tiên cung cấp thêm thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay nhưng chưa nhận được hồi âm từ Bình Nhưỡng.

Hôm 16/5, Yonhap dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết 3 máy bay của Hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo đã tới thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc. Các máy bay này sau đó mang theo vật tư y tế quay lại Triều Tiên.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-hiem-thay-cua-ong-kim-jong-un-trong-le-tang-nguyen-soai-hyon-post1320059.html