Hiệu quả từ những mô hình nuôi ba ba

Nhiều năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên đã phát triển mạnh mẽ giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cùng với mô hình trồng rau cần sạch, xã Khai Thái còn được biết đến với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đưa lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Đổi thay nhờ nuôi ba ba

Xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên được biết đến là vùng chiêm trũng, người dân sống dựa vào cây lúa và khó có thể thoát nghèo. Từ hơn chục năm nay, một số hộ gia đình đã mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề nuôi ba ba. Kể từ khi phát triển nghề nuôi ba ba, cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Thượng (thôn Khai Thái, xã Khai Thái) đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Đến xã Khai Thái hôm nay, ta sẽ thấy những ngôi nhà cao tầng khang trang cùng những con đường bê tông xanh – sạch – đẹp.

Tìm hiểu được biết, người đầu tiên khởi xướng mô hình nuôi ba ba là ông Trần Công Bằng, làng Vĩnh Thượng, tiến hành thí điểm cách đây hơn 20 năm. Vốn xuất thân là lính, sau khi xuất ngũ, ông Trần Công Bằng đã tìm về quê hương để làm kinh tế. Trong một lần tiếp cận thông tin về nuôi ba ba, ông Bằng đã phát hiện ra giá trị kinh tế rất cao từ việc nuôi loài đặc sản này. Năm 2002, khi hợp tác xã có chủ trương vận động các gia đình tham gia đấu thầu, nhận khoán các diện tích ao đầm ven làng khó khăn trong gieo trống, gia đình ông Bằng đã mạnh dạn nhận thầu diện tích 1,5 mẫu (tương đương với 5.400m2).

Mô hình nuôi ba ba thương phẩm của gia đình anh Đỗ Sỹ Phước (thôn Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).

Thời điểm đó, cùng với 70 triệu đồng vốn mà gia đình tích lũy được, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng 400 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Bằng số tiền trên, gia đình ông Bằng đã đầu tư mua gạch để xây kè ao, đồng thời quy hoạch chi tiết thành 12 khu ao để nuôi thả ba ba cho hiệu quả cao. Khu vực nuôi thả ba ba hiện nay của gia đình ông Bằng được bố trí một cách hợp lý và khép kín: Từ bể ươm ba ba, ao nuôi ba ba con, cho đến ao nuôi ba ba từ 1, 2 rồi 3 năm tuổi. Theo đó, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 2 lần ba ba thương phẩm, trong khoảng vài năm trở lại đây, tổng doanh thu từ nuôi ba ba của gia đình ông đạt khoảng 4 tỷ đồng.

Học hỏi những kinh nghiệm từ việc nuôi ba ba của gia đình ông Bằng, hàng chục gia đình thôn Vĩnh Thượng và thôn Khai Thái cũng đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình với nghề nuôi ba ba thương phẩm. Theo đó, nguồn thức ăn của ba ba tương đối đơn giản. Với những loại ba ba có kích thước lớn thì nguồn thức ăn của ba ba chủ yếu là cá mè, cá rô, chỉ cần băm nhỏ vừa miệng là ba ba sẽ ăn được. Còn với các loại ba ba nhỏ thì thức ăn phải qua sơ chế cẩn thận hơn, cá mè phải được làm sạch, lọc thịt, bỏ xương, xay nhuyễn trộn với cám, bột ngô, đậu tương, các khoáng chất khác, viên nhỏ rồi mới cho ba ba ăn. Vì là vùng đất có nhiều ao hồ nên nguồn thức ăn của ba ba tương đối sẵn, các loại cá sẽ được các thương buôn chở đến tận nơi với giá từ 3000 - 5000/cân.

Dù có rất nhiều địa phương có tiềm năng phát triển trong việc nuôi ba ba như Lào Cai, Yên Bái, thế nhưng ba ba xã Khai Thái bao giờ cũng đắt hàng, cầu luôn lớn hơn cung. Hằng năm, cứ tới mùa thu hoạch, bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến tháng 10, các hộ gia đình có ba ba tới vụ thu hoạch lại nhận được điện thoại đặt hàng của các thương buôn, thậm chí nhiều thương buôn còn đến tận nơi xem và đặt mua cả ao. Theo đa số các hộ phát triển kinh tế từ ba ba, nếu như tính toán tốt, thu nhập từ nghề nuôi ba ba thường cao gấp 10 lần so với nuôi cá chép, cá quả và gấp 20 lần so với trồng lúa.

Nhân rộng mô hình nuôi ba ba

Sau thành công của mô hình nuôi ba ba thí điểm của gia đình ông Bằng, nhiều hộ dân thôn Vĩnh Thượng và thôn Khai Thái cũng bắt đầu học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nuôi ba ba trên diện tích lớn. Bắt đầu triển khai mô hình nuôi ba ba cách đây 2 năm, anh Đỗ Sỹ Phước (thôn Khai Thái, xã Khai Thái) cho hay: “Trước đây nghề chính của mình là nghề lái máy móc xây dựng, bởi vậy khu đất này mình thuê với mục đích chính là làm khu chứa máy móc, phần còn lại xây chuồng trại nuôi lợn, vịt và cá. Sau đợt lợn mất giá vì dịch bệnh khiến gia đình thua hàng trăm triệu, khu chuồng được mình quy hoạch nuôi vịt đẻ và vịt thương phẩm, sau này tiếp tục mở rộng diện tích nuôi ba ba thương phẩm”.

Chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc phát triển kinh tế trang trại, tuy nhiên khi biết đến hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba, anh Sỹ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng trang trại của mình, tính riêng diện tích nuôi ba ba, gia đình anh hiện tại đang sở hữu 3 ha ao hồ với hơn 5.000 con ba ba lớn nhỏ. Với mục đích phát triển kinh tế lâu dài, ngay từ những ngày đầu khi quyết định nuôi ba ba, anh Sỹ đã lên kế hoạch thuê nhân công xây dựng hệ thống ao kiên cố với bờ kè chắc chắn, cùng đó, hệ thống máng ăn và khu cho ba ba sinh sản cũng được anh tự tay hoàn thiện.

Tuy nhiên, do những tính toán ban đầu chưa hợp lý nên khi triển khai nuôi lứa ba ba đầu tiên, anh đã bị thiệt hại 2.000 con trên tổng số 4000 con giống do lượng nước quá nhiều dẫn đến đổ tường. Những thất bại trong lần đầu tiên nuôi ba ba tưởng chừng sẽ khiến anh Sỹ nản lòng, thế nhưng anh lại coi đó là một bài học đắt giá để đi tới thành công với ba ba sau này. Hiện tại, dù bận với công việc kinh doanh tại cửa hàng, thế nhưng chiều nào, người dân thôn Khai Thái cũng thấy anh Sỹ có mặt ở trang trại để cùng gia đình chăm sóc đàn ba ba đang sắp cho thu hoạch vào tháng 8 năm sau.

Theo anh Sỹ, nuôi ba ba dễ nuôi hơn các con vật khác rất nhiều. Ví dụ trong tiết trời nắng nóng như hiện tại, với cá thì có thể dễ ngạt nước do thiếu oxi, còn ba ba thì có thể thở bằng mang nên không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết quá nhiều. Tuy nhiên, nếu muốn ba ba ăn nhiều và khỏe mạnh thì người nuôi cũng phải chọn thời điểm cho ăn thích hợp, ba ba chỉ ăn một bữa một ngày nên thời điểm cho ăn tốt nhất phải vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc này thời tiết mát mẻ, ba ba có thể ăn nhiều và nhanh chóng đạt trọng lượng mong muốn.

Được biết đến là một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên nguồn vốn ban đầu đầu tư để nuôi 1 lứa ba ba trưởng thành khá lớn nên nhiều người cũng không dám làm liều. Theo anh Duẩn, một hộ dân mới bắt đầu nuôi ba ba tại thôn Khai Thái, để có được 100 con ba ba thương phẩm, người nuôi phải có trong tay hàng trăm triệu đồng đầu tư xây bể, ao nuôi, mua thức ăn. Do đặc trưng của khí hậu miền Bắc nên phải sau 3 năm thì ba ba mới có thể đạt trọng lượng tiêu chuẩn, bởi vậy người nuôi phải xác định rằng số vốn bỏ ra ban đầu cũng phải 3 năm sau mới có thể thu hồi được.

Nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của người dân, UBND xã Khai Thái cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế từ việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Chia sẻ về sự quan tâm của UBND xã dành cho người dân, ông Nguyễn Viết Thắng – Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho hay: “Mô hình nuôi ba ba đã được người dân xã Khai Thái triển khai hàng chục năm và đã đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Nuôi ba ba cần số tiền đầu tư tương đối lớn nên UBND xã Khai Thái cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nghề nuôi ba ba phát triển như tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân… để họ có vốn đầu tư, quay vòng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

L. Hằng – P. Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-nhung-mo-hinh-nuoi-ba-ba-93258.html