Hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời
Hiện nay, điện mặt trời đang là một trong những nguồn năng lượng được các nước phát triển lựa chọn khuyến khích và ưu tiên sử dụng rộng rãi, bởi nguồn năng lượng này có nhiều ưu điểm: Là nguồn năng lượng có thể tái tạo và cũng là nguồn năng lượng vĩnh cửu không thể cạn kiệt, tiết kiệm được nhiều chi phí và góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường… Trước những ưu điểm của năng lượng mặt trời, số hộ gia đình lắp đặt bình nước nóng, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời ngày một tăng.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thuần ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên)

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thuần ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) đúng thời gian hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái của gia đình ông hoạt động cao điểm. Bên trong ngôi nhà, không khí mát lạnh với nhiều tiện nghi sử dụng điện như: Điều hòa, tủ lạnh, tivi. Tấm pin năng lượng mặt trời được gia đình ông Thuần tận dụng một phần diện tích mặt bằng mái nhà để lắp đặt. Ông Thuần cho biết: Qua tìm hiểu được biết về hiệu quả của điện mặt trời nên từ năm 2016, tôi đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất gần 10kWp. Ngay sau khi lắp đặt, Công ty Điện lực Hưng Yên đã đến kiểm tra thiết bị, lắp đặt điện kế hai chiều và ký hợp đồng mua điện mặt trời cho gia đình tôi với thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Trung bình mỗi tháng, gia gia đình tôi sử dụng từ 1.000 đến 1.500kWh nhưng nhờ có hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, đình tôi không phải trả chi phí tiền điện mà còn có điện bán cho Công ty Điện lực Hưng Yên. Tôi nhận thấy việc sử dụng hệ thống này rất hiệu quả, tiết kiệm.
Hệ thống điện mặt trời áp mái gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter nối lưới (hay còn gọi là hòa lưới) và một điện kế 2 chiều. Điện kế 2 chiều được lắp đặt để đo đếm điện năng tiêu thụ ở cả 2 chiều: chiều nhận từ lưới điện của điện lực và chiều phát từ điện mặt trời lên lưới điện của điện lực. Hiện nay, nguồn điện từ năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng sử dụng than đá hay dầu mỏ và thân thiện với môi trường. Người dân khi sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời sẽ không mất chi phí vận hành; bên cạnh đó, chi phí bảo trì thấp, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm điện năng lượng mặt trời. Giá lắp đặt cho hệ thống khoảng 20 triệu đồng/1kWp. Với một hộ gia đình không sản xuất, kinh doanh, có thể chọn một hệ thống có công suất lắp đặt 3 - 5kWp. Với mỗi kWp công suất lắp đặt, có thể tạo ra được một lượng điện năng khoảng 4 - 5kWh mỗi ngày. Hiện nay, giá mua điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2.164 đồng/1kWh (chưa bao gồm thuế VAT) đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại từ ngày 1.6.2017 đến ngày 30.6.2019, và có giá từ 1.939 đồng/1kWh đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại từ ngày 1.7.2019 đến ngày 31.12.2020. Với giá mua điện hiện nay, nếu khách hàng đầu tư một hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà khoảng 3 - 5kWp, thì sau 4 - 5 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư. Sau khoảng thời gian đó, khách hàng hoàn toàn được hưởng lợi vì tuổi thọ của hệ thống pin năng lượng mặt trời kéo dài 25 - 30 năm.
Cùng với việc sử dụng điện mặt trời áp mái, hiện nay nhiều hộ gia đình có xu hướng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng điện. Điều này đã góp phần vào việc tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia, vừa tiết kiệm chi phí cho các cơ quan, doanh nghiệp và hộ tiêu dùng. Từ đó ngành điện thực hiện hiệu quả việc phân bổ nguồn điện để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào việc tiết kiệm nguồn điện năng. Anh Trần Văn Năm, ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động) cho biết: Gia đình tôi hiện có căn hộ 2 tầng. Tuy nhiên, tiền điện mỗi tháng của gia đình tôi chỉ từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Việc chỉ phải trả tiền điện ít như vậy là nhờ sử dụng hiệu quả bình nước nóng năng lượng mặt trời. Gia đình tôi không chỉ sử dụng bình nước nóng để lấy nước tắm, mà còn lấy nước từ bình nước nóng để đun nước và nấu cơm, vừa rất nhanh chín do đó tiết kiệm được nguồn điện rất lớn.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng năng lượng mặt trời đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sử dụng. Trong đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống, góp phần tiết kiệm điện, giảm áp lực phụ tải lưới điện. Cùng với đó, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà. Ngoài ra, việc sử dụng điện mặt trời góp phần giảm áp lực lên phụ tải lưới điện, tiết kiệm chi phí phát triển đường dây truyền tải, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, độc lập và bảo vệ môi trường…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202210/hieu-qua-su-dung-nang-luong-mat-troi-3881033/