Hiệu quả nguồn vốn KOICA

Thực hiện Hợp phần trao quyền cho phụ nữ thuộc Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam tài trợ (viết tắt là Dự án KOICA), từ năm 2021 đến năm 2023, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh được tiếp nhận 3,89 tỷ đồng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại vào Quỹ. Nguồn vốn đã được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh quản lý, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ trong vùng dự án được vay vốn, phát huy hiệu quả vốn vay vào phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập và cuộc sống.

Nguồn vốn do KOICA tài trợ được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh quản lý và duy trì hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước. Đối tượng được vay vốn là các phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp, hộ dân tộc thiểu số và hộ phụ nữ yếu thế. Hiện Quỹ đang duy trì các gói sản phẩm cho vay với mức: 5 triệu đồng, 10 triệu đồng, 20 triệu đồng (gồm cho vay ngắn hạn và trung hạn); lãi suất cho vay là 0,55%/tháng tương đương 6,6%/năm (phương pháp tính lãi là lãi phẳng).

Chị Lý Thị Lan, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được vay vốn KOICA để phát triển mô hình trồng bưởi.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Tươi Minh cho biết, để nguồn vốn KOICA hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, Trưởng phòng giao dịch chỉ đạo Hội LHPN cấp xã phối hợp với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn tổ chức hoạt động tại điểm giao dịch theo quy định; xây dựng kế hoạch phân khai nguồn vốn đến các xã, thị trấn thực hiện Dự án; thực hiện xét duyệt cho vay và kiểm tra, giám sát thường xuyên việc sử dụng nguồn vốn, việc thu gốc, lãi, gửi tiết kiệm của các thành viên. Hội LHPN cấp xã phối hợp với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn hướng dẫn các chi hội thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên cơ sở đồng thuận, thống nhất cao của các thành viên. Thông qua các cuộc họp giao ban của chi hội phụ nữ lồng ghép tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động của Quỹ và thực hiện các quy ước hoạt động của Tổ; hướng dẫn các thành viên làm thủ tục vay vốn và thẩm định các hộ có nhu cầu vay vốn của Quỹ theo quy định; thường xuyên thực hiện giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động thành viên thực hành tiết kiệm, nâng cao ý thức trong việc vay vốn và trả nợ gốc, lãi tại buổi họp tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Tính đến giữa tháng 8-2023, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh đang triển khai hoạt động tại 17 xã, thị trấn thuộc 6 huyện trong vùng Dự án KOICA, với 27 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 356 thành viên đang tham gia. Quỹ đã thẩm định và giải ngân cho 475 lượt thành viên vay vốn, với doanh số cho vay là 8,35 tỷ đồng. Dư tiết kiệm là 249,591 triệu đồng; không phát sinh nợ quá hạn và không có trường hợp chây ì, chậm trả.

Hội LHPN xã Minh Thanh (Sơn Dương) là một trong những cơ sở Hội quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Koica tài trợ. Tính đến cuối tháng 8-2023, Hội LHPN xã đang quản lý 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Lê và thôn Cò, với 23 thành viên tham gia. Hội đã thực hiện giải ngân 700 triệu đồng cho 42 lượt thành viên vay vốn. Trong đó, đã huy động tiết kiệm được hơn 120 triệu đồng. Qua đó đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư chăn nuôi trâu bò, lợn, trồng rừng, kinh doanh dịch vụ đem lại hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chị Hoàng Thị Hảo, Chi hội trưởng phụ nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê, xã Minh Thanh (Sơn Dương) chia sẻ, chị đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2021. Đến nay, tổ đã có hơn 10 lượt hội viên được vay, với mức 20 triệu đồng/hội viên, với mục đích chăn nuôi, làm nhà bếp. Để có kết quả đó, trước khi cho vay, chị tìm hiểu nhu cầu vay vốn của hội viên, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế của hộ hội viên. Đồng thời, thường xuyên hỏi thăm, tuyên truyền để chị em sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt việc trả gốc, lãi và gửi tiết kiệm hàng tháng. Từ đó, giúp nguồn vốn được duy trì và phát triển, từ đó xoay vòng giúp cho các hội viên khác tiếp tục được vay khi có nhu cầu.

Một buổi họp của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê, xã Minh Thanh (Sơn Dương).

Cùng với việc quản lý, các chị em được vay vốn luôn có ý thức trong sử dụng nguồn vốn vay. Chị Lý Thị Lan, dân tộc Dao Thanh Y, hội viên phụ nữ thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cho biết, năm 2021 chị được chi hội phụ nữ cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Koica tài trợ. Chị đã sử dụng nguồn vốn được vay mua thêm cây giống và phân bón để phát triển mô hình trồng hơn 200 cây bưởi, 200 cây cam, 1 ha ngô, 7.000m2 cây keo. Mức vay tuy không lớn nhưng hỗ trợ một phần nào để chị có thêm vốn đầu tư sản xuất. Việc thanh toán vốn vay theo hình thức “trả, góp”, với 900 nghìn đồng/tháng, chị thấy phù hợp không có áp lực. Từ mô hình trồng cây này, từ năm 2022 chị đã bắt đầu được thu hoạch, với thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng/năm.

Có thể khẳng định, sau hơn 3 năm thực hiện cho hội viên phụ nữ vay vốn từ nguồn vốn KOICA tài trợ, nhiều chị em đã đầu tư phát triển kinh tế đem lại hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã giúp cho hàng chục hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn KOICA, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên chú trọng việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là những Tổ hoạt động chưa hiệu quả. Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội tập trung tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn vay một cách hiệu quả... Từ đó, giúp hộ hội viên phát triển kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/hieu-qua-nguon-von-koica-180253.html