Hiệp ước Bầu trời Mở chứng minh Nga tử tế hơn Mỹ?

Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ 'tức tối' quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là do thua kém Nga về mặt công nghệ.

Nga không bị kích động

Ngày 26/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ không bị kích động về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở và sẽ thận trọng cân nhắc các bước đi tiếp theo.

Trả lời báo giới sau cuộc họp trực tuyến ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), ông Sergei Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi sẽ có một cách tiếp cận vô cùng cân bằng nhằm phân tích tình hình hiện nay, chủ yếu dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi cũng như lợi ích của các đồng minh".

Theo Ngoại trưởng Lavrov, một hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 10 nhằm đánh giá việc thực thi hiệp ước. Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với Washington về hiệp ước, song chỉ khi đối thoại dựa trên sự bình đẳng và xem xét những lợi ích và mối quan ngại chung.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Hiệp ước Bầu trời Mở là sáng kiến của Tổng thống thứ 41 của Mỹ George H.W. Bush khi Liên Xô vẫn tồn tại. Ông cho rằng Mỹ và Liên Xô và các đồng minh, cần được phép thực hiện các chuyến bay do thám được thông báo trước 24 giờ trên không phận lãnh thổ của nhau để chụp ảnh binh sĩ và thiết bị quân sự.

Ý tưởng này, ban đầu được khởi xướng bởi Tổng thống Dwight Eisenhower, nhằm đảm bảo rằng không có sự chuẩn bị quân sự giấu giếm nào được triển khai. Liên Xô đã phản đối và ngay cả khi ký kết hiệp ước này dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, Nga vẫn tỏ rõ nghi ngại và không thông qua cho đến năm 2001.

Hiệp ước Bầu trời Mở, có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các nước tham gia tiến hành những chuyến bay giám sát phi vũ trang trên lãnh thổ của nhau nhằm thu thập dữ liệu về các hoạt động quân sự. Hiện tại có 35 quốc gia, bao gồm Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia hiệp ước này. Kyrgyzstan đã ký hiệp ước, song chưa được thông qua.

Ngày 21/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu thông báo cho 34 quốc gia khác về việc Washington rút khỏi hiệp ước này. Theo AP, Tổng thống Trump cho biết những vi phạm của Nga đối với Hiệp ước Bầu trời Mở khiến Mỹ không còn lý do gì để ở lại trong hiệp ước có tuổi đời 18 năm này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra điều kiện: “Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể xem xét lại quyết định rút khỏi hiệp ước này nếu như Nga quay trở lại tuân thủ toàn diện hiệp ước”. Giới chuyên gia cho rằng yêu cầu “tuân thủ toàn diện” mà ngoại trưởng Mỹ đưa ra là không rõ ràng.

Một chiếc Tu-154M của Nga được sử dụng tham gia các nhiệm vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở

Chris Ford, trợ lý ngoại trưởng phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí, nói với báo giới rằng có “rất nhiều biến số” liên quan đến những gì có thể xảy ra sau đó, đặc biệt là khi mà một số phàn nàn của Mỹ về các hoạt động của Nga liên quan tới những hành vi vốn “trên thực tế không vi phạm hiệp ước”.

Ông Ford nói: “Chúng tôi phải xem xét sự tác động thực tế mà cách hành xử của Nga gây ra trong một thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, đó là một cuộc thảo luận mà chúng ta nhất định phải có, nếu Nga thực sự trao cơ hội cho thế giới chứng kiến điều gì đã xảy ra”.

Mỹ hậm hực vì thua kém công nghệ Nga?

Trên thực tế, thông tin về việc Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở đã được truyền thông Mỹ đánh tiếng cách đây gần một năm. Để biện minh cho quyết định này, Mỹ lập luận rằng Nga đã không tuân thủ hiệp ước, viện dẫn các cáo buộc của các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã không cho phép các máy bay hoạt động tại khu vực đang diễn ra tập trận quân sự, bao gồm những nơi mà họ cho là Nga đặt các vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bản thân Mỹ cũng không cho phép Nga bay qua các khu vực Alaska và Hawaii vốn có tầm quan trọng về quân sự. Bất chấp sự cản trở của Mỹ, Nga chưa bao giờ tuyên bố phản đối hiệp ước. Giới chức chính quyền và quân đội Nga cũng luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng cho một kịch bản như vậy và đưa ra phản ứng vừa phải.

Máy bay OC-135 được cho là lỗi thời của Mỹ

Theo Bloomberg, ngay cả khi Mỹ đã thực hiện các chuyến bay do thám trên bầu trời Nga nhiều hơn 2 lần so với Nga thực hiện trên bầu trời Mỹ, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn tuyên bố rằng sẽ là điều “đáng buồn” nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Giới chuyên gia đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến Mỹ tỏ ra “tức tối” và quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là do thua kém Nga về mặt công nghệ trong quá trình thực thi hiệp ước. Trong khi Moscow đã đầu tư vào các máy bay mới và thiết bị do thám kỹ thuật số thì Mỹ “hà tiện” với khoản đầu tư này.

Năm 2018, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã hủy các kế hoạch thay thế 2 máy bay do thám OC-135 lỗi thời do dù Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là James Mattis phàn nàn rằng Mỹ chỉ có thể hoàn thành 2/3 các sứ mệnh đã được lên kế hoạch vì tình trạng lỗi thời của máy bay do thám, trong khi Nga có thể hoàn thành 100% các chuyến bay đã lên kế hoạch.

Sergei Ryzhkov, một sĩ quan phụ trách khâu kiểm soát tuân thủ hiệp ước thuộc Bộ Quốc phòng Nga, từng viết trên tờ Red Star (Sao Đỏ) thuộc bộ này cho rằng công nghệ do thám của Nga được sử dụng trong hiệp ước này đi trước công nghệ của Mỹ từ 5 đến 6 năm.

Một sĩ quan trên máy bay OC-135 thực hiện nhiệm vụ Bầu trời Mở của Mỹ

Theo tờ The Hill của Mỹ, quyết định rút khỏi hiệp ước này đi ngược lại các lợi ích của Mỹ và gây tổn hại tới quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Nó sẽ khiến các lực lượng của Mỹ và các đối tác bị thu hẹp “chiếc ô bảo vệ” và giảm bớt sự hợp tác trong khu vực, cũng như làm gia tăng “mối đe dọa” từ Nga.

Bên cạnh đó, giới phân tích chỉ ra rằng Mỹ sẽ “chịu thiệt” vì quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Với việc các nước còn lại tuyên bố tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga sẽ tiếp tục được phép triển khai các máy bay trinh sát trên các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu.

Hiện đã có ít nhất 16 quan chức cấp cao trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng châu Âu ký vào một tuyên bố ủng hộ hiệp ước, nói rằng việc Mỹ rút khỏi đây sẽ là một đòn giáng vào an ninh toàn cầu, và làm suy yếu thêm các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế khác. Ngoài ra, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden còn lớn tiếng gọi quyết định này của chính quyền Tổng thống Trump là “điên rồ”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/hiep-uoc-bau-troi-mo-chung-minh-nga-tu-te-hon-my-3403791/