Hiến kế cải cách cơ chế giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Chiều 26-5, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị 'Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19'.

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hòa Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Hà Giang, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh... Trên tinh thần đó, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi đại diện các bộ, cơ quan, các chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng thảo luận, hiến kế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải do tác động của dịch Covid-19 cũng như bàn về giải pháp hiện thực hóa quyết tâm cắt giảm 20% chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hội nghị được tổ chức thành 2 phiên, trong đó phiên 1 đánh giá về hiện trạng của doanh nghiệp và hiến kế cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá sau dịch Covid-19. Phiên 2 bàn thảo và đưa ra định hướng cải cách thủ tục hành chính trong và sau dịch Covid-19.

Đáng chú ý, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản Việt Nam với gần 700 nhà máy quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất gia đình quy mô nhỏ gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông dân, ngư dân trên toàn quốc. Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu trong 3 tháng qua, tác động mạnh tại các quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thủy sản của Việt Nam, đã tác động tiêu cực ngay tới các doanh nghiệp và nông dân, ngư dân.

Với các diễn biến khá nhanh trong thời gian qua, VASEP đề xuất, trước mắt và trong ngắn hạn, Chính phủ, các bộ liên quan hỗ trợ đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm; cùng với đó hỗ trợ ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5-2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7 và tháng 8-2020 thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại sẽ có thể đáp ứng ngay. Tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho lạnh trữ hàng với lãi suất 0% trong 2 năm đầu; giảm 50% lãi suất cho 4 năm tiếp theo. Trong dài hạn, cần nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông sản khu vực biên giới để phát triển thị trường này bền vững hơn nữa.

Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến từ các điểm cầu cho rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới đang lâm vào tình trạng suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây chính là lúc cần nhìn nhận về việc Việt Nam có cơ hội gì sau dịch Covid-19 và rà soát lại toàn bộ thông tư, nghị định hiện hữu, đưa vào đời sống xem còn phù hợp hay không.

Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, sau hội nghị, ban tổ chức sẽ tổng hợp kế sách, giải pháp và báo cáo trực tiếp Chính phủ, qua đó góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp các ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt phá.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/968447/hien-ke-cai-cach-co-che-giup-doanh-nghiep-khoi-phuc%C2%A0san-xuat-kinh-doanh