Hậu Giang tìm giải pháp phát triển kinh tế sau dịch COVID–19

Tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn, kết nối các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất với nhau và với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Sáng 8/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với Tổ Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Tổ Phát triển vùng nguyên liệu và Tổ chỉ đạo công tác xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa của tỉnh nhằm tìm giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế sau thời gian phòng, chống dịch COVID–19.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị Tổ Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư định kỳ hằng tuần, tiến hành họp giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp với tinh thần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; nhanh chóng xây dựng danh mục các dự án trọng điểm cần sự giám sát, phân công thành viên tổ chịu trách nhiệm với từng dự án cụ thể.

Cùng với việc chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án sau khi được cấp chủ trương đầu tư, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, Tổ Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước; quan tâm đến phong trào khởi nghiệp; sớm hoàn chỉnh đề án chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh rút ngắn hơn nữa thời gian cấp chủ trương đầu tư, giảm thủ tục hành chính.

Ông Lê Tiến Châu yêu cầu, Tổ Phát triển vùng nguyên liệu xác định lại sản phẩm chủ lực của tỉnh, từng địa phương xác định tiềm năng phát triển từng loại cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kết hợp thành lập các hợp tác xã. Xây dựng đề án phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương tiếp tục cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm tập thể, sản phẩm an toàn.

Đối với Tổ chỉ đạo công tác xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa phải có giải pháp kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp Tổ Phát triển vùng nguyên liệu thăm và làm việc các doanh nghiệp.

Từ đó, tháo gỡ khó khăn, nắm bắt nhu cầu, yêu cầu nguyên liệu đầu vào để định hướng sản xuất sản phẩm đủ điều kiện tiêu thụ vào các siêu thị lớn. Kết nối các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất với nhau và với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp.

Đại diện Tổ chỉ đạo công tác xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa tỉnh, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 276,327 triệu USD.

Các thị trường xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu là ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp sang các thị trường này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ở các nước nhập khẩu giảm.

Hiện tại, các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng mới, chủ yếu thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đó, ngoài ra các biện pháp phong tỏa, hạn chế của Chính phủ các nước trong chống dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng xấu rất nhiều đến hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp và giá trị xuất khẩu chung trên địa bàn.

Theo ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, Tổ Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tiếp tục rà soát, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan thu hút đầu tư.

Điều này nhằm giải quyết các thủ tục đầu tư một cách nhanh chóng, hiệu quả; trong đó quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư.

Tổ Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Tổ Phát triển vùng nguyên liệu và Tổ chỉ đạo công tác xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hậu Giang được thành lập vào năm 2019 với nhiệm vụ làm đầu mối, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh; tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; phát triển phong trào khởi nghiệp.

Cùng với đó, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung các nông sản chủ lực; đảm bảo sản xuất các mặt hàng nông sản đáp ứng được nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng..../.

Hồng Thái (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hau-giang-tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-sau-dich-covid19/639176.vnp