HÀNH VI CÔNG CHỨC VÀ VĂN HÓA CÔNG SỞ

Cụm từ 'văn hóa công sở' một lần nữa lại được nhắc đến nhiều, nhất là tại các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 ở các bộ, ngành, địa phương. Tại phiên họp thường kỳ trực tuyến với các địa phương vừa qua, trong các nội dung chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng cán bộ công chức 'nói hay, làm dở', nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân…

Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi

Có thể thấy, văn hóa công sở là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, thúc đẩy phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Việc ứng dụng mạnh mẽ và ngày càng toàn diện các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin hiện đại, đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công nghệ có hiện đại, tiện ích đến mấy thì nó cũng chỉ là phương tiện. Gốc của văn hóa công sở là hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng văn hóa công sở nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất, đó là thái độ làm việc, tinh thần phục vụ, tính kỷ luật trong công tác và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ công bộc. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… chính quyền địa phương đã thực hiện mô hình đánh giá cán bộ, công chức thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, khi đến làm việc tại các cơ quan Nhà nước, người dân và đại diện doanh nghiệp sẽ thể hiện mức độ hài lòng qua hệ thống điện tử. Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong từng thời điểm là cơ sở để lãnh đạo các cấp có biện pháp bồi dưỡng, phát huy ưu điểm, chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên. Cùng với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tăng thu nhập hợp pháp cho cán bộ, công chức, sự đánh giá của người dân và doanh nghiệp là động lực để đội ngũ công bộc điều chỉnh hành vi ứng xử, thái độ phục vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rất đáng mừng là chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Mặc dù vậy, trong từng phân khúc nhất định, văn hóa công sở đang tồn tại những “điểm nghẽn” làm kìm hãm sự phát triển. Một trong những hạn chế đó là tình trạng “nói hay, làm dở”, không chỉ tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức mà còn ở không ít các cơ quan, đơn vị. Biểu hiện dễ thấy nhất là các bản báo cáo thường “đẹp” hơn so với bức tranh hiện thực từ cơ sở. Tại hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính ở TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng đã khẳng định, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp do các sở, ngành báo cáo là chưa phản ánh đúng thực tế.

Văn hóa công sở được cấu thành từ hành vi văn hóa, văn minh của mỗi cán bộ, công chức. Sự chuyển động của cả hệ thống chính trị phải bắt đầu từ mỗi cơ quan, đơn vị cơ sở, nhất là những đầu mối gần dân, trực tiếp tiếp xúc, làm việc với dân. Để khắc phục tình trạng “nói hay, làm dở” thì phải quyết tâm, quyết liệt, kiên trì chống bệnh thành tích, phải “nói được, làm được”, “nói đúng, làm đúng”. Một trong những biểu hiện cao nhất của văn hóa là tính trung thực. “Nói hay, làm dở” là biểu hiện của bệnh dối trá, mà dối trá luôn là kẻ thù nguy hiểm của con người và văn hóa xã hội.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/hanh-vi-cong-chuc-va-van-hoa-cong-so-581801