Hàng nghìn người dân Chương Mỹ, Hà Nội vất vả sống trong nước lũ

Cuộc sống người dân khó khăn khi nước lũ tràn qua đê gây ngập lụt 4 ngày liên tiếp ở Chương Mỹ, Hà Nội

Do ảnh hưởng của mưa lớn, từ các ngày 7, 8, 9 và sáng 10/9, mực nước trên sông Bùi (đoạn chảy qua huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dâng cao khiến nhiều xã trong huyện Chương Mỹ như: Nam Phương Tiến, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thị trấn Xuân Mai ngập sâu trong nước.

Ghi nhận mực nước trên sông Bùi tại Trạm Lâm Sơn đạt đỉnh 24,20m lúc 18h00 ngày 8/9 (trên BĐ3 0,7m).

Mực nước dâng cao khiến thôn Bùi Xá (Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) – nơi được coi là rốn lũ của huyện Chương Mỹ ngập từ 30cm đến 100cm nước.

Theo ông Phùng Xuân Hải - Phó Chủ tịch thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), trong các ngày mùng 7, 8 tháng 9, trên địa hứng chịu một trận mưa rất lớn. Trong các năm gần đây, địa phương luôn phải chịu cảnh ngập úng sau những trận mưa lớn như thế này. Đặc biệt, năm nay mực nước dâng rất nhanh so với những năm trước.

Lãnh đạo thị trấn Xuân Mai cho biết thêm, thị trấn Xuân Mai là điểm đầu của thành phố Hà Nội luôn luôn phải hứng chịu nước lũ đổ dồn từ tỉnh Hòa Bình về và thôn Bùi Xá có vị trí thấp nhất của thị trấn Xuân Mai, lại là điểm giao nhau giữa sông Tích và sông Bùi, thế nên trong 2 ngày mưa lớn liên tục đã khiến cho nước dâng cao tại thôn.

Hiện ở thôn Bùi Xá có 125 hộ dân đang sinh sống. Các hộ dân sinh sống tại đây đều trong tình trạng ngập lụt cục bộ từ đầu thôn đến cuối thôn. Mặc dù hệ thống đường sá và thoát nước ở đây đã được nâng cấp nhưng tình trạng ngập úng này không thể khắc phục triệt để được. Nơi đây phải chấp nhận việc ngập lụt diễn ra hàng năm.

Theo lãnh đạo địa phương, đến thời điểm hiện tại không có thiệt hại nào vì trước đó chính quyền đã chỉ đạo tổ dân phố tuyên truyền tới bà con di dời toàn bộ tài sản lên chỗ cao nhất, giáp ranh với trường tiểu học để đảm bảo an toàn tài sản...

Người dân thôn Bùi Xá kê đồ tránh nước dâng cao.

Nước dâng cao, tràn vào cả nhà dân.

Mọi hoạt động sinh hoạt của người dân thôn Bùi Xá bị đảo lộn...

Cũng trong các ngày 7, 8, 9, 10/9, mực nước dâng cao, đỉnh điểm là sáng 9/9, nước đã tràn qua đê Bùi 2 khiến nhiều khu vực ở xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến bị ngập, nhiều nhà dân ở gần đê phải di dời. Học sinh từ mầm non tới THCS của xã Nam Phương Tiến phải nghỉ học.

Người dân và các lực lượng chức năng đã dùng bao tải cát ngăn nước từ sông Bùi tràn vào làng, đồng thời hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc để tránh bị nước lũ làm ngập gây hư hại.

Xã Nam Phương Tiến có hơn 11.000 dân; thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, có hơn 100 hộ dân với khoảng 500 người. Lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết hiện xã có khoảng 150 hộ phải sơ tán từ vị trí thấp lên cao.

Ghi nhận trong sáng 10/9, nước trên sông Bùi đã rút xuống dưới báo động 1 và đổ về vùng hạ du. Tuy nhiên vẫn biến đổi chậm.

Theo Chi cục đê điều Hà Nội, do huyện Chương Mỹ địa hình thấp trũng, là vùng thoát lũ của Hà Nội và chịu ảnh hưởng của sông Bùi. Sông này bắt nguồn từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đổ vào sông Đáy của Hà Nội. Do thượng nguồn mưa lớn, nước sông Bùi dâng cao gây ngập cho vùng hạ du là huyện Chương Mỹ.

Tuy nhiên, dự báo trong những ngày tới nước sông Bùi sẽ tiếp tục dâng cao, khuyến cáo chính quyền, người dân các xã vùng trũng ven sông như: Nam Phương Yên, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai chủ động theo dõi sát tình hình lũ để sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

Chi cục đê điều Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây ngập lụt nhiều khu vực ở Chương Mỹ do mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ từ ngày 7/9 đến nay, cộng thêm lũ rừng từ Hòa Bình đổ về khiến mực nước các sông ở Hà Nội dâng cao, gây áp lực lên hệ thống sông lớn. Điều này đã xảy ra tình trạng một số địa điểm ở Chương Mỹ như Bùi Xá, Cầu Sét (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) ngập lụt.

Giải pháp lâu dài ngăn ngập lụt ở khu vực huyện Chương Mỹ được Chi cục đê điều Hà Nội cho biết là trong thời gian tới, sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê trong lưu vực này theo quy hoạch./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-nghin-nguoi-dan-chuong-my-ha-noi-vat-va-song-trong-nuoc-lu-post954708.vov