Hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng giá, cẩn trọng tình trạng 'té nước theo mưa'

Sau khi giá xăng dầu tăng liên tiếp, đặc biệt hôm 11/3 tăng lên mức giá kỷ lục gần 30 nghìn đồng/lít vào cuối tuần trước, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tiêu dùng đã tăng giá theo. Các chuyên gia cảnh báo cần kiểm soát, tránh tình trạng 'té nước theo mưa', đặc biệt quan tâm tới nguy cơ lạm phát 2022.

Mới đây, nhiều sản phẩm ăn liền Acecook Việt Nam cũng đã tăng giá 10% sau nhiều năm giữ giá. Những năm trước, chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để kìm giá, tuy nhiên đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp không thể bù lại được.

Nhiều mặt hàng tăng từ 10-15%

Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam - cho biết kể từ năm trước, giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức doanh nghiệp dù rất cố gắng cũng không thể bù lại được. Trong tình hình đó, doanh nghiệp đã phải tiến hành tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1/3, với tỷ lệ tăng giá có khác nhau tùy theo sản phẩm.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo giá xăng dầu, các chuyên gia cảnh báo tình trạng "té nước theo mưa".

Mặt hàng dầu ăn hiện có mức tăng mạnh hơn, một số thương hiệu tăng đến 135% so với trước dịch. Riêng nhóm hàng hóa mỹ phẩm tăng thưa hơn nhưng cũng đã tăng lai rai từ sau tết đến nay với mức tăng từ 2 - 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%.

Ở mặt hàng sữa, mới đây, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) đã thông báo điều chỉnh giá bán lẻ sản phẩm thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Theo đó, sữa Abbott Grow Gold 3+ loại 1,7 kg có giá 726.000 đồng/hộp; Similac Neosure IQ loại 850gr giá 562.000 đồng/hộp; Similac Alimentum Eye-Q loại 400gr có giá 375.100 đồng/hộp, Abbott Grow 1 (G-Power) được bán với giá 174.900 đồng/hộp…

Gần đây, giá dầu thực vật trên toàn cầu tăng mạnh do xu hướng tồn trữ dầu thực vật trên toàn thế giới liên tiếp giảm xuống mức thấp trong khi giá dầu mỏ và ngũ cốc tăng cao. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá dầu ăn trên toàn thế giới tăng cao chưa từng có.

Ông Anilkumar Bagani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Sunvin Group (công ty môi giới và tư vấn về dầu ăn có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ) cho biết trên Straitstimes, việc xuất khẩu dầu hướng dương từ Biển Đen đang bị tắc nghẽn, các hoạt động sản xuất dầu ăn ở Ukraine ngừng trệ. Điều này sẽ tạo khoảng trống lớn trong nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ ngày 10/3, dầu ăn Meizan Gold, Cái lân, Orchild tăng 2.000 đồng/lít. Từ ngày 14/3, dầu ăn Neptune, Simply cũng đồng loạt tăng giá tương tự là 2.000 đồng/lít.

Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Theo đó, Công ty thông báo điều chỉnh tăng giá trong phạm vi 5% so với giá kê khai liền kề trước đó với 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi.

Lo rủi ro lạm phát

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, không thể giữ giá mãi. Điều quan trọng là đưa giá xăng dầu vào chi phí sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, tránh tình trạng 'té nước theo mưa'.

"Đối với các hoạt động vận tải, phải có sự tính toán kết hợp liên chuyến sử dụng được cả hai chiều. Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm", ông nói.

Điều ông Thịnh cảnh báo không phải không có cơ sở khi thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng, nhất là thiết bị y tế và thuốc hỗ trợ chữa Covid-19 đã tăng mạnh, thậm chí đẩy hàng hóa khan hiếm giả. Hay như tình trạng găm hàng xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá... còn rất nhiều những mặt hàng khác, muôn hình muôn vẻ của thị trường cũng dễ dàng bị tận dụng tình hình để trục lợi.

Phần lớn, các chuyên gia đều nhận định, với việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của giá xăng dầu tăng cao, cộng với các lệnh trừng phạt kinh tế ở châu Âu, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải thách thức về giảm GDP và tăng lạm phát.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng giá nhiên liệu tăng chắc chắn tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước.

"Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu", chuyên gia của HSBC nhận định.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu tăng và giá cả hàng hóa dịch vụ tăng trong dịp Tết. Trong đó hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều tăng giá (10/11 nhóm tăng giá).

Bên cạnh yếu tố giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lạm phát trong năm nay, TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, việc Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho tổng cầu tăng đột biến cũng là áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.

Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia kinh tế nói rằng, dù chuyện tăng giá các sản phẩm tiêu dùng là điều khó tránh khỏi do giá nguyên vật liệu, xăng dầu, logistics... liên tục tăng. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam nếu có chính sách và định hướng thức thời, đây sẽ là thời điểm để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, dù thời gian đầu người dân và doanh nghiệp có thể chịu thiệt vì giá cả hàng hóa tăng.

Trà My

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/hang-loat-mat-hang-tieu-dung-tang-gia-can-trong-tinh-trang-te-nuoc-theo-mua-1084202.html