Hải Phòng: Thêm chứng tích lịch sử hào hùng

Tuy hiện nay, các nhà khoa học, nghiên cứu mới đưa ra nhận định ban đầu về bãi cọc Cao Quỳ, nhưng người dân xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) tin tưởng hoàn toàn bãi cọc là một trong chứng tích lịch sử gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Cọc gỗ ở bãi Cao Quỳ, xã Kiên Khê (huyện Thủy Nguyên).

Gắn với lịch sử, huyền tích của địa phương

Ngày 1-10, trong lúc đào đất, làm luống trồng cau tại cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu ở thôn 3 (xã Liên Khê) đào được 2 cọc gỗ dài hơn 3m đường kính hơn 30 cm nằm cách mặt đất chừng 0,5 m – 0,7 m. Thấy cọc gỗ lạ, ông không bỏ đi mà để tạm vắt ngang luống ruộng. Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng làng văn hóa Mai Động, chiều ngày 1-10, khi ông qua cánh đồng phát hiện tại ruộng của gia đình anh Triệu có 2 cọc gỗ bắc ngang luống ruộng. Hỏi về 2 cọc gỗ ông biết được gia đình anh Triệu trong quá trình làm luống trồng rau phát hiện ra. Quan sát 2 cọc gỗ có bề mặt màu nâu đen, thân hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng và hơi vát nghiêng. Ngờ ngợ về giá trị lịch sử của 2 cọc gỗ này, bởi trước đó, ở khu vực nghĩa trang cạnh cánh đồng, một số hộ dân đào thấy cọc, nên ông Hiền cùng ông Triệu báo cáo đến chính quyền địa phương. Đến ngày 7-10, khi người dân đào huyệt ở nghĩa trang tiếp tục phát hiện một cọc gỗ khác. Từ sự phát hiện này, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh giá trị của các cọc gỗ, đồng thời tiến hành khai quật thêm tại một số khu vực. Ông Hiền chia sẻ thêm, làng mới khởi công xây dựng, trùng tu lại đền thờ Đức Thánh Đệ nhất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, khoảng 3 ngày sau ông phát hiện cọc gỗ này.

Theo lịch sử, Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Đây là vùng đất cổ được bao bọc bởi sông Đá Bạc, sông Giá và 8 dãy núi đá nằm ở phía Đông Bắc. Cuối thế kỷ 13, tổng Trúc Động là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn về đây lập căn cứ chỉ huy trận chiến Bạch Đằng. Sách Đông Khánh địa dư chí trong mục Đền miếu chép: Đền thờ Trận Hưng Đạo ở xã Thụ Khê, dân bản xã phụng thờ. Ngày trước, khi đại vương đi đánh Ô Mã Nhi, cho quân dừng lại đóng đồn ở núi Thụ Khê, sau khi phá tan quân giặc, đại vương để lại ở đó một thanh kiếm. Người trong làng lập đền thờ phụng (nay gọi là đền Thụ Khê). Ngoài ra, ở địa phương còn có chùa Mai Động – tương truyền là nơi Trần Hưng Đạo đặt kho quân lương; thung lũng chùa Thiêm Khê là nơi chiêu binh, luyện mã, vị trí tập kết kỵ binh của quân đội nhà Trần. Các di tích này đều được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Riêng tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, theo những cụ cao niên của địa phương, khu vực này khi chưa có đê, triều lên, nước dâng tiến sâu vào tận các chân núi trong làng. Hiện nay, ở phía bắc cánh đồng vẫn có lạch nước. Tuy nhiên, lạch nước này trước đây rộng và lớn hơn. Khoảng 20 năm trước, người dân địa phương mới đắp bờ thu hẹp dòng chảy như hiện nay để rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Từ bản đồ địa chính của xã và quan sát qua vệ tinh, dòng chảy này mở cửa thông với sông Đá Bạc, chảy về phía nam đến khu vực núi Điệu Tú tách thành hai nhánh. Một nhánh chảy vào làng Mai Động, một nhánh chảy qua phía nam núi Điệu Tú, qua địa phận các xã Lưu Kỳ, Lưu Kiếm... rồi đổ vào sông Giá.

Bảo tồn, phát huy di sản quý

Tuy hiện nay, các nhà khoa học, nghiên cứu mới đưa ra nhận định ban đầu về bãi cọc Cao Quỳ nhưng với người dân và chính quyền địa phương, đây là di tích quý cần được bảo tồn và phát huy. Chính bởi vậy, ngay khi phát hiện những chiếc cọc đầu tiên, người dân, chính quyền địa phương sớm thông báo với các cơ quan chức năng. Trong quá trình Viện khảo cổ học về xác minh giá trị và khai quật bãi cọc, người dân, chính quyền địa phương tích cực phối hợp triển khai. Điển hình là việc di chuyển nhanh các phần mộ người thân đến vị trí khác; tham gia hỗ trợ cán bộ Viện khảo cổ trong quá trình khảo sát, khai quật. Hiện nay, để bảo đảm an ninh khu vực trong quá trình người dân đến thăm bãi cọc, từ ngày 20-12, UBND xã Liên Khê bố trí lực lượng công an xã trực chốt tại khu vực. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh, công an xã tham gia hướng dẫn khách tới tham quan. Bên cạnh đó, tại khu vực, địa phương lót bạt chung quanh miệng hố, cắm cọc, chăng dây quanh 3 hố khai quật, không để khách đến gần, bảo vệ hiện trường khai quật và hiện vật. Ngoài các giải pháp trên, địa phương cũng triển khai biện pháp bảo vệ và giữ cọc gỗ tránh khỏi những tác động từ môi trường. Toàn bộ 27 cọc gỗ được giữ nguyên tại ví trí ban đầu ở 3 hố khai quật; được che chắn bởi vải bao bố và tưới nước giữ ẩm thường xuyên. UBND xã Liên Khê, Viện Khảo cổ học bố trí và thuê ông Nguyễn Tuân Triệu thôn 3 – người phát hiện 2 cọc gỗ đầu tiên thường trực ở khu vực để bảo vệ các cọc gỗ. Theo hướng dẫn của cán bộ Viện khảo cổ học, trung bình 2-3 tiếng ông Triệu kiểm tra các cọc gỗ một lần, nếu thấy bao bố che cọc gỗ khô phải tưới nước giữ ẩm ngay. Theo ông Triệu, ngày nắng hanh, bao bố nhanh khô nên tần suất kiểm tra, tưới nước giữ ẩm cho cọc gỗ nhiều hơn.

Phấn khởi trước những chứng tích lịch sử mởi được khai quật, người dân xã Liên Khê nói riêng và huyện Thủy Nguyên nói chung mong muốn các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức về niên đại, giá trị của bãi cọc. Đồng thời, mở rộng phạm vi nghiên cứu, khai quật ở các địa danh gắn liền với trận chiến Bạch Đằng 1288 trên toàn huyện. Theo sách Địa chí Thủy Nguyên, ngoài xã Liên Khê, còn có nhiều địa phương khác có di tích gắn với trận chiến này như: Lưu Kiếm, Minh Đức, Tam Hưng, Trung Hà, Tân Dương, Phả Lễ, Phục Lễ, Kỳ Sơn... Bên cạnh đó, tại khu vực Trại giam Xuân Nguyên (ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc) cũng phát hiện nhiều cọc gỗ

Minh Châm - Ảnh: Duy Thính

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hai-phong-them-chung-tich-lich-su-hao-hung-73954