Hạ tầng thủy lợi, giao thông hư hỏng, cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Bài 1: Nhiều công trình thủy lợi phải gấp rút duy tu, bảo dưỡng

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, đặc biệt là thiếu kinh phí để đầu tư sửa chữa khiến cho nhiều công trình giao thông, thủy lợi vốn đã hư hỏng lại càng xuống cấp hơn, làm giảm hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Cống điều tiết nước hồ chứa Công trình thủy lợi Trúc Kinh bị hoen rỉ, ô xy hóa - Ảnh: H.N.K

Hệ thống kênh mương nhiều nơi hư hỏng nặng

Một ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi có mặt tại tuyến kênh chính Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh cung cấp nước tưới cho 14.815 ha của 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Qua hơn bốn thập kỷ, công trình đã phát huy công năng của một hệ thống thủy lợi đóng vai trò chủ công trong tưới tiêu cho cả vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay công trình đã xuống cấp ở nhiều hạng mục quan trọng, đặc biệt là các tuyến kênh chính.

Nơi chúng tôi đứng là tuyến kênh chính K7+735-K7+785 chảy qua địa bàn thị xã Quảng Trị có đến hàng chục điểm bị sụt, lún tấm lát bê tông. Dưới tác động của áp lực nước cùng với khí hậu khắc nghiệt nên hệ thống tấm lát bằng bê tông đã mục nát, hư hỏng.

Không riêng gì ở Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn mà hiện nay mạng lưới kênh mương của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn đã hư hỏng, xuống cấp ở nhiều nơi.

Ngoài kênh chính, kênh N2B, N3, N4, N1 và một số tuyến kênh cấp 2, kênh vượt cấp của hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn còn phải kể đến kênh chính, N14, N20 hệ thống Ái Tử; kênh N1, N2 hệ thống Nghĩa Hy; kênh N1, N2 hệ thống Trúc Kinh; kênh chính đoạn từ cầu máng Nhật đến máng T4, kênh N3, N8 hệ thống Hà Thượng; kênh chính, N1 (đoạn1), N2, N1-1 hệ thống Kinh Môn; kênh N2- 7, N1-6 hệ thống La Ngà; kênh chính, N2 hệ thống Bảo Đài; kênh chính hệ thống Sa Lung...

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 500 công trình thủy lợi, hồ chứa và đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước. Trong đó, có một số hồ chứa lớn như Ái Tử, Nghĩa Hy, Đá Mài, Trúc Kinh, Bảo Đài, La Ngà, 2 đập dâng Nam Thạch Hãn, Sa Lung, 27 trạm bơm điện với tổng công suất lắp máy 1.568 KW, 9 cống đập ngăn mặn và 170 tuyến kênh có tổng chiều dài 866 km. Hầu hết các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu, thời gian sử dụng trên 30 năm, công trình đi qua nhiều vùng có địa hình và địa chất phức tạp cùng với khí hậu khắc nghiệt nên đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, cần được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Có một thực tế là hệ thống kênh mương hầu hết được xây dựng từ những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Do kinh phí hạn hẹp nên nhà nước chỉ đầu tư công trình đầu mối, kênh chính, kênh cấp 1 và kênh cấp 2, còn từ kênh cấp 3 đến kênh nội đồng do các địa phương trong vùng hưởng lợi tự làm nên nhiều nơi chỉ xây dựng được một số ít kênh, còn lại chủ yếu tưới tràn qua đất.

Mặt khác, kênh mương qua thời gian sử dụng, kết hợp với tác động của thiên tai nên ngày càng xuống cấp và thường xuyên hư hỏng. Qua khảo sát thực trạng của các tuyến kênh mương trên địa bàn tỉnh đã nhận thấy sự xuống cấp hư hỏng nặng về hạ tầng thủy lợi. Trên tuyến N1 của Công trình thủy lợi Trúc Kinh cung cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho các xã vùng Đông huyện Gio Linh gồm Gio Quang, Gio Mai, Gio Mỹ, Gio Hải... dài hơn 20km đã có đến hàng chục điểm sụt lún, hư hỏng.

Cụm trưởng Cụm Thủy nông Trúc Kinh Nguyễn Ngọc Việt cho biết, điểm sụt lún, đổ sập kênh mương nghiêm trọng nhất là đoạn qua thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Nhiều đoạn kênh, tường đã xuống cấp chờ đổ sập nên phải chống đỡ bằng từng đoạn cây. Trước mắt chúng tôi là một đoạn kênh dài 400 m đi qua thôn Lâm Xuân đang bị hư hỏng nặng.

Nhiều đoạn kênh đã đổ sập không còn chức năng dẫn nước, nhiều đoạn tường kênh rạn nứt được chống đỡ bằng nhiều thân cây tràm. Bất chấp mưa gió, anh Việt lội xuống dọn dẹp bờ kênh, khơi thông luồng lạch với nét mặt đầy âu lo. “Cuối tháng 12 này là bắt đầu tưới cho vụ sản xuất đông xuân 2023-2024 nhưng hiện nay hệ thống kênh mương đã hư hỏng nặng gây ảnh hưởng lớn để cung cấp nguồn nước tưới”, anh Việt cho biết thêm.

Hệ thống kênh mương N1 Công trình thủy lợi Trúc Kinh đoạn qua thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh bị hư hỏng nặng - Ảnh: H.N.K

Tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng có khí hậu khắc nghiệt, hằng năm thường xuyên bị bão lụt tàn phá nhưng do thiếu vốn nên các công trình thủy lợi chỉ duy tu, bảo dưỡng cầm chừng. Đối với các tuyến kênh được gia cố bằng tấm lát về mùa mưa lũ thường bị sạt lở tấm lát mái, sạt mái ngoài, vỡ bờ kênh hoặc do chuột đào phá làm sập tấm lát, rò rỉ nước dọc theo kênh lớn.

Công trình sau nhiều năm sử dụng tự nó cũng xuống cấp do nhiệt độ nóng ẩm, do quá trình phong hóa, xâm thực của môi trường và tác động của dòng chảy mưa lũ. Đối với kênh xây bờ lô đến nay hầu hết ở các tuyến kênh lớp vữa tô trát lòng kênh đều bị phong hóa, xâm thực làm biến chất, mất khả năng kết dính, vữa bị bong tróc dẫn đến khả năng chống thấm của kênh giảm, khi tưới nước thấm qua kênh ngày càng tăng, gây lãng phí nguồn nước.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, từ năm 1999 đến nay các kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 của các hệ thống công trình thủy lợi đều đã được kiên cố hóa với tổng chiều dài 680.647m còn 168.106m chưa được kiên cố hóa, chủ yếu là kênh cấp 3 trở xuống do địa phương quản lý. Sau khi được kiên cố hóa, các công trình đã phát huy tác dụng rất tốt như độ ổn định và bền vững của công trình được nâng cao (như kênh xây, kênh bê tông), giảm tổn thất nguồn nước, nâng cao khả năng tưới tự chảy, giảm thời gian tưới, tiết kiệm nước.

Trong quá trình tưới đã hạn chế đáng kể các hư hỏng đột xuất và giảm chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng và vận hành hằng năm. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, các công trình thủy lợi có kênh mương được kiên cố hóa đã bộc lộ nhiều bất cập như độ kết dính của xi măng không đảm bảo, cấu kiện thép gia cố không đảm bảo theo đúng thiết kế. Những bất cập này là một trong nhiều tác nhân gây ra tình trạng xuống cấp của hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Nhiều cống, đập dâng, tràn xả lũ xuống cấp

Từ nhiều năm nay đập Phú Dụng, Bảo Đài, Nghĩa Hy, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2... đang xảy ra hiện tượng thấm cục bộ qua thân đập và nền đập. Mặc dù qua theo dõi cho thấy công trình vẫn ổn định nhưng đây là hiện tượng thấm vượt mức thiết kế, đến nay vẫn chưa có điều kiện để xử lý.

Đặc biệt, đập Phú Dụng hiện tượng thấm có phạm vi vùng thấm ướt mái hạ lưu từ cao trình +23,5m đến +26,0m, chiều dài L=400,0m (từ K0+077-K0+477 tính từ phía tràn xả lũ), nước thấm ướt đọng trên mái đập, một số vị trí đất bị lầy, thụt có nguy cơ bị sạt, trượt mái hạ lưu đập đang có xu hướng tăng dần cần được xử lý thấm để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Hầu hết phần mặt đập được gia cố bảo vệ bằng hỗn hợp cát sỏi, bê tông hoặc bê tông nhựa đường nhưng qua thời gian sử dụng đến nay mặt đập bị xuống cấp, có nhiều “ổ gà” khi mưa đọng nước nên đi lại quản lý khó khăn. Phần bê tông gờ chắn mặt đập bị hư hỏng nặng xảy ra ở các hồ chứa Ái Tử, Bảo Đài, Nam Thạch Hãn...

Một số đập có tường chắn sóng bằng đá xây nhưng lâu ngày mạch vữa xây bị xâm thực, phong hóa gây bong và nứt gãy nhiều đoạn như đối với tường chắn sóng đập Bảo Đài. Rãnh thoát nước chân mái hạ lưu đập được xây bằng đá nhưng lâu ngày mạch vữa bị phong hóa gây hư hỏng nặng. Thiết bị ống đo đường bảo hòa thân đập lâu ngày bị tắc, một số đập hiện nay không sử dụng được.

Kênh chính Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn bị hư hỏng, bong tróc nhiều đoạn - Ảnh: H.N.K

Hiện tại các cống đang hoạt động và vận hành điều tiết được lưu lượng tưới theo yêu cầu. Vậy nhưng các cống ở các hồ chứa Đá Mài, Tân Kim, Nghĩa Hy, Ái Tử, Bảo Đài...do cửa cống làm bằng thép, thường xuyên ngập trong nước và ở độ sâu trên 10m, chịu áp lực nước lớn nên cửa thường xuyên bị rỉ rét ăn mòn, các thiết bị cao su kín nước thường bị rách, các bánh xe chuyển động của cánh cửa bị han rỉ mất tác dụng nên cửa cống đóng không kín nước gây rò rỉ nước, vận hành đóng mở nặng hoặc cánh cửa bị kẹt, đóng xuống không hết khẩu độ gây khó khăn cho việc vận hành cửa cống.

Ngoài ra, ở các cống Đá Mài, Tân Kim, Nghĩa Hy, Bảo Đài do thiết bị đóng mở cống lạc hậu, thường hay bị sự cố phải sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn chưa đảm bảo. Hiện nay các cánh cửa cống của hồ Nghĩa Hy, Ái Tử, Khe Mây đã bị rỉ rét ăn mòn, làm suy giảm độ bền của cánh cửa.

Hiện tại các tràn xả lũ đang hoạt động và vận hành điều tiết lưu lượng xả lũ theo yêu cầu. Nhưng một số tràn xả lũ có hiện tượng hư hỏng xuống cấp như hiện tượng xói lở hạ lưu Nam Thạch Hãn; hiện tượng nứt nẻ bê tông tường ngực tràn Trúc Kinh; hiện tượng nước thấm qua tràn Nghĩa Hy gây ra hiện tượng mạch sủi tại các vị trí trên ngưỡng tràn và tường cánh tràn xả lũ.

Hiện tượng này đã xuất hiện từ lâu nhưng vào mùa mưa năm 2022 có xu hướng tăng thêm, đặc biệt là các tràn sâu có cửa điều tiết, các thiết bị cửa đều làm bằng thép. Đặc điểm của các cửa van tràn xả lũ là công trình nằm ngoài trời và bán ngập trong nước. Đây là môi trường rất thích hợp cho hiện tượng han rỉ phát triển mạnh. Hiện nay, các cửa tràn Trúc Kinh, Ái Tử, Khe Mây... xuất hiện một số thanh thép thuộc bộ phận dầm phụ và thanh chống của các cửa tràn bị han rỉ ăn mòn, gây mục thủng, hư hỏng; tấm thép bản mặt chắn nước có nhiều vị trí bị mục thủng.

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị Lê Văn Trường cho biết: “Với hiện trạng công trình, kênh mương hư hỏng xuống cấp nêu trên nếu không kịp thời sửa chữa nâng cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình. Đặc biệt là các cửa van tràn xả lũ, nếu xảy ra sự cố không vận hành được sẽ ảnh hưởng rất lớn an toàn hồ đập và vùng hạ du. Kênh mương xuống cấp hư hỏng gây tổn thất nước tưới, lãng phí nước và kéo dài thời gian tưới, tưới không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Hiện tình hình hoạt động sản xuất của công ty đang rất khó khăn về kinh phí, hằng năm nguồn thu không đủ chi thường xuyên. Để thực hiện nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và để đảm bảo kênh mương công trình được ổn định bền vững, nâng cao khả năng chống thất thoát nước tưới của kênh cần phải đầu tư chữa nâng cấp các hạng mục hư hỏng xuống cấp của các hồ đập, kênh mương công trình, công ty đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí để sớm thực hiện.

Hồ Nguyên Kha

Bài 2: Hạ tầng giao thông phải được quan tâm xây dựng đồng bộ, hiện đại

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/ha-tang-thuy-loi-giao-thong-hu-hong-can-dau-tu-nang-cap-sua-chua-bai-1-nhieu-cong-trinh-thuy-loi-phai-gap-rut-duy-tu-bao-duong/181644.htm