Hà Nội điều chỉnh lịch học vào phút chót: Trốn dịch đến bao giờ?
Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần mạnh dạn hơn trong việc cho học sinh đến trường, on - off liên tục khiến phụ huynh, học sinh mệt mỏi.
UBND TP Hà Nội quyết định hoãn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 nội thành trở lại trường từ ngày 21/2. Thông tin này khiến phụ huynh hụt hẫng vì họ mong từng ngày trẻ được đi học, song nhiều cha mẹ cũng thở phào trong bối cảnh ca COVID-19 tăng mạnh.
Đi học rủi ro nhiễm bệnh thấp hơn ở nhà
Theo bác sĩ, chuyên gia dịch tễ Đặng Lê Hồng Phương, Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội) tâm lý bất an khi con đi học của phụ huynh là điều dễ hiểu, nhất là thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng trở lại, hơn 4.000 ca/ngày và dự báo thời gian tới có thể tiếp tục cao hơn.
Dù F0 tăng, nhưng theo bác sĩ Phương số ca tử vong không cao, dịch vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Mặt khác trẻ em có hệ miễn dịch tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ thấp hơn người lớn rất nhiều, khi nhiễm triệu chứng thường nhẹ, nhanh khỏi và không để lại các biến chứng hậu COVID-19 như người lớn.
Cứ thấy số ca mắc COVID-19 tăng cao mà vội vàng cho học sinh nghỉ là máy móc, khiến việc học bị gián đoạn, xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình. Bố mẹ đi làm cần sắp xếp thời gian, người chăm sóc con, không thể hôm nay thế này, ngày mai lại thế khác được. Cho trẻ đến trường rủi ro lây nhiễm thấp hơn khi trẻ ở nhà. Phụ huynh hiện nay đều đã đi làm, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người lớn có thể chính là nguồn lây nhiễm cho các con.
"Chúng ta mở cửa trường đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro giáo viên, học sinh sẽ bị nhiễm. Phụ huynh không nên quá lo lắng, mà thay vào đó là phối hợp tốt với nhà trường, các cơ sở y tế cùng giúp con biết và có đủ kỹ năng phòng tránh, giảm nguy cơ lây nhiễm", bác sĩ nói.
TS tâm lý Nguyễn Thị Thu Huệ, Đại học Sư phạm Hà Nội không đồng tình với phương án điều chỉnh lịch học của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 nội thành Hà Nội. Bà cho rằng, liên tục thay đổi phương án học on - off sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của phụ huynh và học sinh.
Đến khi nghe được thông báo trường học tiếp tục đóng cửa, tôi cảm nhận rõ sự hụt hẫng và chán nản của con.
TS Nguyễn Thị Thu Huệ
"Tôi cũng là mẹ của hai con học lớp 1 và lớp 6. Các con rất hào hứng chờ ngày được tới trường. Đến khi nghe được thông báo trường học tiếp tục đóng cửa, học online, tôi cảm nhận rõ sự hụt hẫng và chán nản của con", TS Huệ chia sẻ và cho rằng, Hà Nội cần dứt điểm trong việc cho học sinh đến trường, không nên thay đổi kế hoạch liên tục và phụ huynh cũng cần đồng lòng, chấp nhận sống chung với dịch.
Liên quan việc trẻ trở lại trường, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từng nhận định, việc này là vô cùng cần thiết vì nếu cho trẻ nghỉ quá lâu, các em không những khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có thể bị trầm cảm, mắc các bệnh không lây nhiễm hay nghiện game.
“Học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng", ông Trần Đắc Phu cho hay. Trong bối cảnh nới lỏng các hoạt động, việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi, việc đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, có thể lây theo yếu tố gia đình, lây theo khu vực. Do đó, trẻ em đi học có thể bị nhiễm bệnh hoặc ở nhà cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Phản ứng khác nhau của phụ huynh
Nhận thông báo từ cô giáo chủ nhiệm lớp "Hà Nội hoãn học trực tiếp với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Các con tiếp tục học online đến khi có thông báo mới" vào chiều 18/2, vợ chồng chị Trần Ngọc Lan Hương (38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) khá bức xúc. Thông tin xuất hiện đúng thời điểm chị đang trên đường về quê đón con trở lại Hà Nội, chuẩn bị cho việc học trực tiếp vào ngày 21/2.
Đây không phải lần đầu tiên gia đình chị rơi vào hoàn cảnh oái oăm như vậy. Lần trước khi con gái lớn học lớp 8 cũng bị lùi lịch học 1 tuần vào phút chót, và giờ đến lượt con trai lớp 3 tiếp tục bị hoãn học.
Từ trước Tết Nguyên đán, gia đình phải gửi con về quê để bố mẹ đi làm trở lại. Nghe tin trường học mở cửa trở lại, cả nhà chị đều vui mừng. Vợ chồng chị bàn bạc, tính toán phương án đón con và cả ông bà lên Hà Nội tiện chăm cháu vì trường chỉ học 1 buổi/ngày, chưa tổ chức bán trú.
"Đi được nửa đường nhận được thông báo hoãn học, vợ chồng tôi không biết phải làm sao. Sau một hồi phân vân, tôi quyết định tiếp tục để con ở quê, chờ khi nào có lịch học mới thì đón con sau", chị Hương cho hay. "Cứ vài ba hôm lại quyết định đóng rồi mở cửa trường phụ huynh xoay sở không kịp và quá mệt mỏi".
"Cứ vài ba hôm lại quyết định đóng rồi mở cửa trường phụ huynh xoay sở không kịp và quá mệt mỏi".
Phụ huynh Trần Ngọc Lan Hương
Tương tự, chị Lê Thị Diệu (39 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, quyết định sát nút của Hà Nội khiến phụ huynh "quay mòng mòng". “Thời điểm tháng 10/2021, khi nghe tin Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học lại, tôi cùng một số phụ huynh khác thống nhất thuê chiếc xe 16 chỗ đưa đón con đi học. Sau đó, học sinh không đi học, tôi phải hủy hợp đồng với tài xế. Lần này, khi quyết định đi học, ngày 17/2 tôi làm việc với nhà xe, sáng 18/2 phụ huynh đăng ký thuê xe xong xuôi, chiều lại báo nghỉ học, lại hủy hợp đồng với tài xế và phải bồi thường hợp đồng”, phụ huynh chia sẻ.
Trong khi đó, không ít phụ huynh ủng hộ quyết định tạm hoãn mở cửa của Hà Nội. Chị Thái Thị Thu Nga (42 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm trước phương án điều chỉnh lịch học mới. Chị hiểu rất rõ những hạn chế của học trực tuyến, những tác động tiêu cực khi trẻ không được ở trong môi trường giáo dục truyền thống, không tiếp xúc, giao lưu với bạn bè. Chị cũng rất mong con mình sẽ được đi học trực tiếp sớm nhất có thể, nhưng dịch bệnh ở Hà Nội phức tạp, 4.000 ca mới mỗi ngày khiến chị không yên tâm.
Các con còn quá nhỏ, ý thức phòng dịch chưa tốt, nhu cầu giao tiếp lớn, sĩ số lớp học lại quá đông, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế, theo chị việc chưa cho trẻ đến trường lúc này là quyết định đúng đắn.