Hà Lâm - vùng đất của tỉ phú
Chỉ hơn mươi năm trước thôi, vùng đất vắt qua đèo Chuối, giáp huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), giữa huyện Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc, 'nghèo có tiếng'. Vậy mà bây giờ, Hà Lâm trở thành xã 'Nông thôn mới' điển hình của huyện Đạ Huoai. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũ Thị Phương giới thiệu với chúng tôi: 'Xã Hà Lâm có rất nhiều gương làm kinh tế nông nghiệp giỏi. Tỷ phú của huyện đa số nằm ở đây'.

Sầu siêng Hà Lâm đóng thùng xuất khẩu qua Thái Lan và chỉ bằng tiếng Trung Quốc
Trước năm 1959, vùng đất Hà Lâm thuộc quận B’Lao, đúng 20 năm sau (1979) thuộc huyện Đạ Huoai, nằm trong xã Đạ M’ri. Ngày 6/6/1986, Hà Lâm chính thức được khai sinh và đến 31/12/2002, Hà Lâm tách ra thành 2 xã Hà Lâm và Phước Lộc như hôm nay. Tiếp chúng tôi là 2 vị lãnh đạo Đảng ủy xã, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thanh Nghị và Phó Bí thư Phạm Hoàng Long, cùng nguyên Chủ tịch Hội Nông dân, nay là Chủ tịch Mặt trận xã Nguyễn Xuân Điệp và Chủ tịch Hội Nông dân Vương Đình Hảo. Trò chuyện một lúc hóa ra trước mặt chúng tôi có những nông dân tỷ phú từ sầu riêng, đó là anh Nghị và anh Điệp. Chủ tịch Vương Đình Hảo còn liệt kê nhiều tỉ phú sầu riêng khác: ông Nguyễn Minh Hồng Điệp thu mỗi năm 8 tỷ, ông Nguyễn Xuân Vĩnh thu trên 5 tỷ, ông Nguyễn Thanh Nghị năm 2019 thu 3,7 tỷ, hay ông Lê Quang Sơn, Giám đốc hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Xuân Điệp...
Để đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2015, Hà Lâm cần nhiều sức mạnh tổng hợp, nhưng tôi ấn tượng nhất đó là bàn đạp từ lĩnh vực trồng trọt. Trồng trọt trở thành “ngòi nổ” thúc đẩy công cuộc xây dựng “nông thôn mới”. Nói như ông Nguyễn Thanh Nghị: “Không có xã nào được như Hà Lâm, quanh năm có nguồn nước tưới nhờ suối bao quanh”. Vâng, dòng suối Đạ Huoai, thượng nguồn của sông Đồng Nai, có trữ lượng nước lớn và cặp kè với vùng đất Hà Lâm. Những nhà nông hay lam hay làm đã biết vận dụng ưu thế tài nguyên nước và thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng để khẳng định dần vị thế của vùng địa kinh tế. Mấy số liệu các anh trong xã chia sẻ cho thấy rất rõ điều này: cây lương thực 3,6 ha, năng suất 113 tạ/ha, sản lượng 40,9 tấn; cây điều 377,6 ha, năng suất bình quân 8,4 tạ/ha; cây chè 80,6 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 632 tấn; cây tiêu 4,2 ha, sản lượng 5,3 tấn; cây cao su 28,6 ha, sản lượng hơn 201 tấn. Đặc biệt, “Hà Lâm là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng”, khẳng định của Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Hoàng Long là đủ thực tiễn để thuyết phục. Trong tổng diện tích cây ăn quả hơn 1.276 ha, chủ lực là sầu riêng với hơn 1.061 ha (chiếm gần 1/3 tổng diện tích sầu riêng toàn huyện). Trong đó, diện tích thu hoạch gần 745 ha, năng suất bình quân ước đạt 135,5 tạ/ha. Năm 2020 này, sản lượng đạt khoảng gần 11.451 tấn, tăng 12,6% so với năm 2019. Cùng đó, Hà Lâm còn phải kể đến gần 133 ha chôm chôm với sản lượng 1.061 tấn; gần 44 ha mít, sản lượng 375 tấn; măng cụt hơn 31 ha, sản lượng hơn 66 tấn và gần 3 ha cây có múi với gần 24 tấn về sản lượng.
Dĩ nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng chỉ là yếu tố quy định, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng có cao hay không phải do con người quyết định. Thực hiện Nghị quyết số 3 của Huyện ủy Đạ Huoai cuối năm 2015, xã Hà Lâm tích cực đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật để đẩy cây trồng lên tầm cao về năng suất và chất lượng. Thời điểm tháng 5/2020, số diện tích ứng dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn xã đã đạt 825 ha sầu riêng với 520 hộ tham gia; 25 ha măng cụt với 15 hộ và 80 ha chôm chôm với 35 hộ. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt 179,8 triệu đồng/ha/năm, tăng 147,8 triệu đồng so với năm 2015, một con số rất nhiều nông dân mong ước. Dưới tán hơn 1.100 ha sầu riêng là hệ thống tưới nước tự động và đã có 16 hộ lắp đặt hệ thống phun thuốc tự động cho 39,5 ha. Quả là mãn nhãn! Đầu tư như vậy cho thu nhập 200 triệu đồng trở lên trên một ha quả là xứng đáng. Có đến 45% diện tích như thế. Càng hạnh phúc khi trong số này đã có 25% diện tích thu nhập vươn tới 250 triệu đồng/ha. Trong tuần trà đạo, các anh lãnh đạo xã Hà Lâm còn chia sẻ với chúng tôi, cao nhất có những diện tích sầu riêng đạt tới đỉnh là 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ha. Tôi không hề “ồ” lên kinh ngạc. Con số này còn vượt xa cả nhiều diện tích hoa và rau công nghệ cao ở Đà Lạt, cây trồng chủ lực được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vốn coi là lợi nhuận rất lớn của các trang trại.
“Tỷ phú sầu riêng” - Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thanh Nghị còn chia sẻ niềm vui với chúng tôi, vụ sầu riêng năm nay vườn gia đình anh thu vào khoảng 3,5 tỷ đồng, chưa trừ chi phí. Và anh cất lời, có vẻ lạ, nhưng là hợp lẽ: “Trước kia, dân Sài Gòn lên đây mua đất, giờ dân lại mua lại đất của dân Sài Gòn, anh ạ”. Đất đai thực sự là tài nguyên vô giá. Từ đất, người dân Hà Lâm giàu lên, và nhờ giàu họ tiếp tục đầu tư mua đất để phát triển cây trồng. Anh Nghị cho biết, người dân vay ngân hàng khoảng 100 tỷ đồng và lại gửi vào ngân hàng khoảng 70 tỷ đồng. Đồng tiền từ cây trồng “nuôi” mọi câu chuyện của cuộc sống nông thôn mới, từ xây dựng nhà cửa đến tái sản xuất, từ no ấm đến học hành… Người dân bắt đầu hòa vào dòng chảy chuyển đổi giống năng suất và chất lượng cao, thích nghi với sản xuất hữu cơ của nền “nông nghiệp sạch”… Thu nhập bình quân đầu người nay đã đạt 78,6 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết xã đặt ra từ 5 năm trước 18,6 triệu đồng. Nhìn cả giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng của Hà Lâm tăng bình quân 11%/năm; trong đó, nông lâm thủy tăng 14%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trung bình hàng năm đạt 2,58 tỷ đồng, (nghị quyết đề ra từ 1,8 đến 2 tỷ đồng) vượt từ 780 triệu-580 triệu đồng so với chỉ tiêu đề ra.
Đã giàu và đang giàu là rõ rồi. Càng hạnh phúc hơn khi toàn xã Hà Lâm hôm nay có 858 hộ với 3.240 nhân khẩu, nhưng hiện không còn một hộ nào thuộc diện nghèo hay cận nghèo! Chỉ tiêu đặt ra 5 năm trước “còn dưới 1% hộ cận nghèo” đã trở thành con số cũ mèm của hạnh phúc và thành công. Nhưng chỉ tiêu mới, như anh Nghị nói, thu nhập từ cây trồng trung bình toàn xã 250-300 triệu đồng/ha và tổng thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm là khả thi. Đây là công sức của tập thể cán bộ, công chức xã và phòng chức năng huyện, đặc biệt là từng hộ nông dân ở Hà Lâm. Riêng chuyển đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, sau 5 năm, Hà Lâm nay đã có 345 ha sầu riêng, 49 ha măng cụt, 27 ha điều, 130 ha mít và 67 ha cây các loại khác. Còn đề án chống hạn trong 5 năm, Nhà nước đã hỗ trợ người dân phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ với tổng số tiền hơn 186 triệu đồng…
Kinh tế nông nghiệp thực sự góp phần quan trọng để xã Hà Lâm hoàn thành 12/14 tiêu chí “Nông thôn mới nâng cao”. Đây là thực tiễn quý báu để huyện Đạ Huoai nhân rộng từ một “Hà Lâm - Nông thôn mới điểm” trong toàn huyện. Và cũng là cơ sở của Tỉnh ủy Lâm Đồng đặt niềm tin và kỳ vọng về chỉ tiêu Đạ Huoai đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu” trong nhiệm kỳ 2020-2025. Giai đoạn 5 năm 2020-2025, Hà Lâm có hai chương trình trọng tâm, một là “xây dựng nông thôn mới nâng cao”, và chương trình thứ hai lại là đòn bẩy quan trọng của chương trình thứ nhất: “ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”. Theo đó, khâu đột phá là “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh đối với sản phẩm nông sản chủ lực gắn với phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”. Chúng tôi rất tán thành với cách đặt vấn đề của Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm Phạm Doãn Thành, rằng “phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Tăng trưởng phải đi liền với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế”.

Vựa trái cây Tuấn Vị (Thôn 2, Hà Lâm) vào mùa thu sầu riêng
Hà Lâm đã nêu nhiều nhiệm vụ và giải pháp, nhưng theo chúng tôi, trước mắt cần sớm phối hợp 4 bên: chính quyền xã - các đơn vị chức năng của huyện - các hộ nông dân - các doanh nghiệp tiêu thụ để quyết tâm đưa sản phẩm sầu riêng vào chuỗi và quản lý theo tem nhãn thương hiệu. Cùng đó, trong việc sớm hình thành chuỗi giá trị, rất cần ứng dụng sản xuất theo quy trình VietGAP (sầu riêng mới áp dụng 19,73%) và bảo quản sầu riêng sau thu hoạch. Đây là những giải pháp căn cơ vừa thúc đẩy giá trị sản phẩm, vừa hình thành nền nông nghiệp bền vững. Chúng tôi đến vựa thu mua trái cây Tuấn Vi ở Thôn 2, một trong những vựa thu mua sầu riêng lớn nhất xã với hàng trăm tấn mỗi vụ, cô chủ Lại Thị Tường Vi nói chẳng mấy vui vẻ: “Giá năm nay giảm mất một nửa so với năm ngoái anh ơi! Nếu đầu tư “xia” (sử dụng phân bón sinh học-MĐ) là lỗ vốn à”. Tâm tư của hai “tỷ phú” Nguyễn Xuân Điệp và Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ cũng là cảm xúc chung của nông dân Hà Lâm. Đó là mong muốn được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Giá đã vốn bấp bênh, thời gian qua còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay giá sầu riêng càng tuột xuống.
Rời đất Hà Lâm, thực sự chúng tôi hạnh phúc lây. Nhưng có điều này, vẫn đeo đuổi tôi. Đó là những thùng sầu riêng của Hà Lâm được đóng gói với bao bì in những hàng chữ Trung Quốc, tuyệt nhiên không có một chữ Việt Nam hay danh phận “Hà Lâm-Đạ Huoai-Lâm Đồng”! Chỉ vào xe công-tơ-nơ và mấy người Trung Quốc xì xồ bên chiếc xe hơi biển số miền Tây, Chủ tịch Hội Nông dân Vương Đình Hảo nói: “Đấy, những người Trung Quốc họ lên thu mua rồi xuất khẩu thông qua Thái Lan. Người dân Đạ Huoai đang mong được cấp thẩm quyền cấp phép xuất khẩu sầu riêng!”. Vâng, chất lượng đã đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí năm nay sầu riêng Hà Lâm còn cao hơn khu vực miền Tây miền Đông. Hà Lâm đã có trên 60% diện tích trồng và thu hoạch bằng giống sầu riêng giá trị Monthong của Thái Lan. Nhưng, đầu ra vẫn đang là lời giải phía trước…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/ha-lam-vung-dat-cua-ti-phu-3008550/