Gói cứu trợ cần có những lựa chọn tốt hơn

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, nếu chỉ bỏ tiền cứu doanh nghiệp 'cũ' thì nền kinh tế đứng dậy vẫn cũ, không có gì mới. Gói cứu trợ cần có những lựa chọn tốt hơn nữa để giúp nền kinh tế đứng dậy trên nền tảng công nghệ trong điều kiện bình thường mới của thế giới.

TS. Trần Đình Thiên. Ảnh: RMIT

Hiệu quả của những nỗ lực chung

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh quốc tế 2020 vừa diễn ra, TS. Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng) cho biết, trước những tác động tiêu cực từ Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đưa ra chiến lược để vừa chống dịch hiệu quả vừa cố gắng duy trì được tăng trưởng, có cơ hội là phục hồi. Điều này thể hiện ở việc 1 mặt chống dịch tích cực, 1 mặt đưa ra những gói hỗ trợ cho nền kinh tế và hỗ trợ cho xã hội với 3 gói: tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Tổng của 3 gói này đợt 1 đạt quy mô 2,8% GDP. Đi liền với 3 gói này là một chương trình giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước.

Chiến lược song song này hiện vẫn đang được thực thi và tương đối có kết quả. Cụ thể, gói an sinh xã hội, thống kê cho thấy, đến 13/7 đã giải ngân được 12.000 tỷ đồng cho 11,5 triệu người thuộc diện chính sách và 9.425 hộ kinh doanh; gói giảm giá điện 10.900 tỷ đồng (chiếm 62,4%). Giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước đạt 41,26% (tính đến tháng 7/2020) và dự kiến đến tháng 8 sẽ đạt 48% là một tín hiệu rất tích cực.

Theo TS. Trần Đình Thiên, gói chính sách tiền tệ cho kết quả khả quan nhất. Thống kê đến 27/7/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 265.000 khách hàng, dư nợ 262.000 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất ưu đãi cho hơn 446.000 khách hàng, dư nợ hơn 1.218.000 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi, doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt 1.282.000 tỷ đồng cho hơn 267.000 khách hàng.

Cũng theo ông Thiên, các doanh nghiệp (DN) Việt chỉ có khoảng 2% DN vừa, chưa đến 2% DN lớn, còn lại nhỏ “li ti” là chính (chiếm đến 97%) nên sức yếu. Nhưng điều này cũng có lợi thế là càng nhỏ thì tính linh hoạt càng cao, xoay trở càng dễ dàng hơn. Đây là điểm mà Việt Nam nên tận dụng để không phải quá lo lắng về những gói cứu trợ mà nên phân tán nó ra.

Tuy nhiên, DN nhỏ nên sức cũng yếu để vươn lên. Do đó, cách tiếp cận hiệu quả trong các gói cứu trợ là trong điều kiện nguồn lực ít, tai họa còn kéo dài thì phải làm sao cho khả năng cứu trợ hiệu quả nhất, để giúp cho nền kinh tế có thể chống chọi với dịch tốt nhất và sau khi dịch đã qua đi, nền kinh tế có thể đứng dậy 1 cách vững vàng nhất.

Cứu ai?

Trả lời câu hỏi về việc có nên tung ra gói hỗ trợ lớn hơn để cứu nền kinh tế chứ không nên "thắt lưng buộc bụng", ông Trần Đình Thiên cho biết, hiện nay khi gói cứu trợ thứ nhất chưa giải ngân được 1 nửa thì cách đặt vấn đề về gói cứu trợ thứ 2 đã được nêu ra, cho thấy nỗ lực cứu trợ DN, phục hồi nền kinh tế của Chính phủ.

Trong điều kiện tiền ít mà làm sao sống được lâu thì điều quan trọng không phải là cứu được tất cả DN mà mục tiêu là nền kinh tế đứng dậy được chứ không phải là nền kinh tế “thoi thóp”. Vì vậy, việc cứu DN, chiến lược cứu DN trong những tháng tới đây cần phải có lựa chọn tốt hơn nữa.

“Cách tiếp cận của tôi là cứu những DN khỏe, DN có tác động lan tỏa và có sức kéo nền kinh tế là tốt nhất. DN khỏe phải có trách nhiệm cứu DN yếu hơn”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Theo ông, bản thân Nhà nước không thể cứu tất cả các DN nếu tai họa này còn kéo dài. Nhà nước cần hỗ trợ DN khỏe nhiều hơn để họ kéo DN nhỏ trong chuỗi đứng lên để khi Covid yếu đi, DN có thể đứng dậy với tư thế vững vàng, chứ không phải còn sống nhưng nằm bẹp, không đứng dậy nổi.

Cho nên, chiến lược khôn ngoan là nguồn lực phân phối cho DN thế nào để làm sao hồi sinh theo thời gian và theo chuỗi lan tỏa được. Theo TS. Trần Đình Thiên, kinh tế số sẽ lên ngôi và hệ thống toàn cầu sẽ tìm cách liên kết tốt hơn để nối lại sự đứt gãy của chuỗi giá trị toàn cầu do Covid gây ra. Việt Nam cần phải đứng dậy sớm để tận dụng thời cơ này.

Vì vậy, gói cứu trợ cần có những sự lựa chọn tốt hơn nữa. Theo đó, gắn với nền kinh tế số thì trong số tiền dành để cứu trợ DN hướng tới bình thường mới, Chính phủ cần dành 1 phần đáng kể, có thể là 1 nửa để giúp DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo ra đời và phát triển. Bản thân nền kinh tế Việt Nam trong thời Covid cho thấy có tiềm năng để phát triển những DN này.

“Nếu dành 1 phần lớn cho DN đổi mới sáng tạo thì khi Covid qua đi, các DN này tạo ra một xu thế, một làn sóng đứng dậy, giúp nền kinh tế đứng dậy trên 1 nền tảng khác. Đó là nền tảng công nghệ, chứ không phải là chỉ cứu toàn DN cũ để khi nền kinh tế đứng dậy vẫn là nền kinh tế cũ với những DN cũ, không thấy DN mới đâu”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Mai Lâm

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-08-27/goi-cuu-tro-can-co-nhung-lua-chon-tot-hon-91537.aspx