Giới trẻ và những ảo tưởng khi đi tìm việc:Bài 3: Nuôi mộng 'môi trường làm việc chuyên nghiệp'

Làm việc trong những tòa cao ốc hiện đại, sang trọng, đồng nghiệp cởi mở, lương cao, thưởng đều, 'sếp' hiền lành không bao giờ quát tháo, o ép nhân viên… là khái niệm về 'môi trường làm việc chuyên nghiệp' mà nhiều bạn trẻ đặt ra khi đi tìm việc.

Xin việc “như phim”

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2016, Nguyễn Duy (Hoàng Mai, Hà Nội) đã có hai năm kinh nghiệm ở một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh đồ điện tử trên phố Trần Đại Nghĩa. Thời gian gần đây, công việc kinh doanh không suôn sẻ, bị sếp chỉ trích, chàng trai trẻ chán nản. Dù là thời điểm cuối năm, Duy vẫn đang tích cực đi tìm kiếm việc làm khác với mong thoát khỏi sự bế tắc, mệt mỏi hiện tại.

Nguyễn Duy chia sẻ: “Đang là thời đại công nghệ 4.0 nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp giữ phong cách làm việc nguyên tắc, cứng nhắc. Mình cảm thấy nếu cứ chôn vùi tuổi trẻ ở đây thì thật sự lãng phí nên muốn tìm một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn”.

Khái niệm “chuyên nghiệp” theo cách hiểu của Duy là: Làm việc trong một tòa cao ốc hiện đại, sạch sẽ, thơm tho. “Sếp” hiền, tận tình chỉ bảo nhân viên. Lương khá, thưởng đều đặn. Mỗi năm, nhân viên được đi du lịch, nghỉ mát 1 - 2 lần...

Không chỉ Duy mà nhiều bạn trẻ mới ra trường cũng lấy “môi trường làm việc chuyên nghiệp” làm tiêu chí lựa chọn việc làm. Khánh An (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đằng nào cũng mất công đi tìm việc, phỏng vấn, thử việc, mình muốn tìm một nơi thật sự ưng ý rồi mới đi làm cho đỡ mất thời gian”. Vì vậy, nhiều tháng nay, dù đang trong “thời điểm vàng” với hàng ngàn cơ hội việc làm nhưng rong ruổi hết công ty nọ đến doanh nghiệp kia, An vẫn chưa thể tìm cho mình một điểm đến thực sự hài lòng. Chỗ thì An chê công việc không phù hợp với trình độ, năng lực. Chỗ khác cô lại chê trụ sở công ty bé như phòng trọ. Với cô gái trẻ vừa ra trường chưa được một năm, không lấy nổi vài tháng kinh nghiệm, thì những nơi đó môi trường làm việc “thiếu chuyên nghiệp”.

Trong khi Duy và An “ỏng eo” chê việc thì Nguyễn Khánh Hiền (23 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại là một chuyên gia “nhảy việc”. Tốt nghiệp đại học được hơn 8 tháng nhưng đến nay Hiền đã chuyển việc ba lần. Lý do Hiền chuyển việc chủ yếu liên quan đến lương và môi trường làm việc không phù hợp. Hiền chia sẻ: "Ở vị trí nhân viên truyền thông, em phải phụ trách cả việc lên nội dung cho các bài đăng trên Facebook hàng ngày và trên website nhưng lương thử việc chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Em muốn tìm một chỗ làm mới đãi ngộ tốt hơn".

Tự làm mình trở nên chuyên nghiệp

Tìm kiếm một việc làm có thu nhập tốt, phù hợp là mong muốn chính đáng của mỗi người trẻ. Nó sẽ càng hợp lý hơn nữa khi tương xứng với trình độ và sức lao động các bạn bỏ ra. Thế nhưng, khái niệm “môi trường làm việc chuyên nghiệp” đã được người trẻ hiểu đúng hay chưa?

Vũ Anh Khoa (cựu sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ: “Thời còn học đại học, hàng năm trường mình tổ chức cuộc thi "Chinh phục nhà tuyển dụng". Nội dung cuộc thi mô phỏng các bước trong quá trình tuyển dụng nhân sự của một doanh nghiệp. Mọi thứ làm y như thật, giám khảo cũng là Giám đốc nhân sự ở các công ty lớn như PNJ, VNG, Prudeltial... Đến năm cuối thứ ba đại học, mình thử đăng ký tham gia cuộc thi và may mắn lọt vào vòng chung kết cùng 10 bạn khác. Mọi người lần lượt lên tham gia phần thi của mình. Sau đó, mình chợt nhận ra... cả 9 đối thủ và mình đều "mặc định" một nguyện vọng giống nhau là muốn có một "môi trường làm việc chuyên nghiệp". Tất cả đều chung một thói quen máy móc, sách vở và rập khuôn lý thuyết mà không ai thể hiện được những kỹ năng và vốn kiến thức xã hội.

Sau này đi làm, Khoa mới nhận ra những nguyện vọng mang hơi hướng đòi hỏi khi đó của mình và những bạn thi cùng năm đó có sự ngây ngô và ảo tưởng. “Chúng ta đòi hỏi môi trường làm việc phải chuyên nghiệp, mọi thứ phải như "trong phim". Tuy nhiên, thực tế không phải ai trong chúng ta cũng có thể tự xét lại bản thân mình rằng mình đã "chuyên nghiệp" hay chưa”, Khoa bày tỏ.

Cùng chung quan điểm với Khoa, Minh Tiến (nhân viên Tập đoàn FPT) cho rằng, bất kể một xã hội nào cũng vậy, những cá nhân tốt mới tạo nên một tập thể tốt. Nhiều người chuyên nghiệp thì tập thể mới chuyên nghiệp. Có những người đi làm với sự "an phận", đúng giờ đến làm, hết giờ thì ra về. Họ làm việc theo cảm hứng, có hứng thì làm, không thì lại chây ì, bỏ bê công việc. Lúc nào cũng so bì về "đãi ngộ" với người khác trong khi cấp trên giao việc thì lại lo không công bằng và sợ thiệt thòi về phần mình.

“Trên thực tế, mình đã gặp những người như vậy chứ không phải chỉ đọc qua sách báo. Những người như mình nói lại là những người thường xuyên đòi hỏi và tị nạnh. Với mình, môi trường làm việc chuyên nghiệp là nơi mà bạn có thể tự do thể hiện, cống hiến khả năng của mình; được doanh nghiệp nhìn nhận một cách xứng đáng với công sức mình bỏ ra chứ không phải là một môi trường ngập đầy sự thoải mái để đến đó rồi tận hưởng. Chúng ta phải có ý thức công việc cao, kỹ năng tốt và biết phối hợp hỗ trợ nhau một cách nhịp nhàng. Trong môi trường đó, chính bạn cũng phải là một mắt xích trong cỗ máy chạy trơn tru đó. Bạn phải chấp nhận, làm tốt sẽ được khen thưởng, ngược lại sẽ bị xử phạt. Thưởng và phạt phải đi đôi với nhau để tạo động lực cho từng cá nhân không ngừng cố gắng”, Tiến chia sẻ quan điểm.

Chung suy nghĩ ấy, nhiều bạn trẻ cho rằng, trước khi đòi hỏi một “môi trường chuyên nghiệp”, mỗi người cần khách quan nhìn nhận trình độ, năng lực của bản thân. Là chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đồng thời là người từng tham gia nhiều buổi tuyển dụng, chị Bùi Thùy Chi (Hà Nội) chia sẻ: “Để ghi điểm với nhà tuyển dụng, theo mình, thay vì nói “em muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp”, các bạn hãy tự đặt câu hỏi “mình đã đủ chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công việc mình định ứng tuyển hay chưa?”.

(Còn nữa)

Anh Vũ - Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-3-nuoi-mong-moi-truong-lam-viec-chuyen-nghiep-d2059302.html