Gian nan hành trình tìm con chữ của học trò vùng cao Mèo Vạc

Đón nhận bó hoa rừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái (Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái), huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thầy giáo Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng và các thầy, cô giáo nhà trường vô cùng xúc động.

Dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về ngôi trường vùng cao biên giới với nhiều các em học sinh dân tộc khác nhau, thầy Đỗ Văn Long cho biết, những năm qua được sự quan tâm các ban, ngành, cơ sở vật chất nhà trường không ngừng được cải thiện. Hiện, trường có 939 em học sinh, đa phần dân tộc Mông (trên 90%), còn lại là các dân tộc Dao, Lô Lô, Dáy…, một điểm trung tâm và 12 điểm trường lẻ, điểm trường xa nhất cách trung tâm hơn 28km.

Ảnh minh họa.

Tại điểm trường chính, hiện có 556 em học sinh ở các điểm bản về đây học bán trú. Vào chiều chủ nhật hoặc khi gà vừa gáy mỗi sớm thứ 2, các em sẽ đi bộ vài tiếng đồng hồ từ nhà tới trường và sau buổi sáng thứ 6 hằng tuần, tuần nào cũng vậy, học sinh sẽ lại leo bộ, vượt núi rừng trở về với gia đình.

Nghe học sinh Hoàng Thị Kim Duyên và Liềng Văn Tuân (trú ở bản Mè Nắng và bản Trang) lớp 4A1 chia sẻ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì để tới trường, các em phải di chuyển quãng đường mòn toàn đá, rồi lội suối, băng rừng quãng đường dài gần 20km khi mặt trời chiếu bóng đứng đỉnh đầu mới kịp.

Theo cô giáo Vũ Thị Ý, người có thâm niên gắn bó hơn 30 năm với các trường thuộc xã biên giới Xín Cái nói riêng, cũng như các thầy, cô giáo trên địa bàn huyện nói chung thì ngoài công tác chuyên môn, các thầy, cô còn phải làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp.

"Những ngày tháng 8 vừa qua, mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường bị sạt lở khiến giao thông bị cản trở, chia cắt ngắn bước chân của các em đến trường. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, một số phụ huynh và các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Do đó, sau một thời gian, các em nghỉ ngang. Các thầy, cô giáo lại thay phiên nhau bám lớp và đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa học sinh trở lại trường học. Việc vận động các em tới trường đã khó, việc giữ các em ở lại học cũng hết sức khó khăn…" - cô giáo Vũ Thị Ý chia sẻ.

Có lên vùng cao nơi đây mới thấu hiểu, đường giao thông một số nơi tại huyện chưa thực sự được thuận lợi, có những đoạn không thể di chuyển bằng xe máy. Những đoạn đường phải đi bộ, vượt đèo nhiều cây số. Thời điểm nắng ráo, đi lại thuận lợi hơn nhưng hễ khi mưa bão, bùn nhão, sạt lở như ghì chân những "người lái đò". Quá trình vận động các em đến trường, gieo con chữ thật gian nan…

"Có những đoạn đường chỉ đi từ đầu bản tới cuối bản nhưng rất trơn trượt. Vượt qua quãng đường, người run lên vì mồ hơi tứa ra trong tiết trời lạnh ngắt. Tới được nhà các em, thương lắm, vì toàn nhà bức vách, bằng tre, mái lợp bằng bạt. Trong nhà đồ đạc tuềnh toàng, quần áo các em không đủ mặc, bữa ăn chỉ có cơm với đĩa rau rừng. Nhiều nhà, bọn mình phải đi đến ba, bốn lần vận động, các cháu mới được gia đình đồng ý cho đến trường…" - cô giáo Hoàng Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1, người có thâm niên gần 30 dạy học tại ngôi trường chia sẻ về những kỷ niệm khi tới nhà vận động các em đến trường.

Con đường để đến được nhà các em học sinh khá xa, gian nan, phải trèo đèo, lội suối cả chục kilômét nhưng các em đã vượt qua khó khăn hướng tới tương lai đang chờ đợi. Vì vậy, dù vẫn còn đó những khó khăn về khoảng cách và địa lý cùng những thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, bằng tình yêu thương, nhiều thầy, cô giáo trẻ đã và đang hy sinh tuổi thanh xuân, bám trụ với nghề, tình nguyện lên núi rừng dạy chữ, cần mẫn ươm mầm ước mơ, đem ánh sáng tri thức đến con em vùng đồng bào dân tộc.

Trên hành trình gieo con chữ, các thầy, cô Trường PTDTBT Tiểu học Xín Cái luôn động viên nhau, kiên trì, đảm bảo sĩ số 98-100%, không để đứt mạch việc học, không để lớp học có ghế trống với mong muốn sau này các em được học hành, trưởng thành và trở về xây dựng quê hương.

Xuân Trường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/gian-nan-hanh-trinh-tim-con-chu-cua-hoc-tro-vung-cao-meo-vac-i714807/