Gian nan đường đến Cát, Trỉa

'Tôi về đây công tác đến nay mới gần một năm. Có ở Cát, Trỉa mới thấu hiểu được bao vất vả của anh chị em đồng nghiệp đi trước...', cô giáo Trần Thị Minh Hằng ở điểm trường thôn Cát, bộc bạch.

Xuất phát từ bản Nguồn Rào - trung tâm xã rẻo cao Hướng Sơn, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), đi qua các làng Hồ, làng Mới rồi xuôi về thôn Trỉa để đến thôn Cát mất khoảng 6 giờ đồng hồ đi bộ. Nếu từ km27 quốc lộ 9, có thể chạy xe máy men theo lối mòn vận chuyển phế liệu chiến tranh để đến thôn Cát cũng mất chừng đó thời gian. Tuy nhiên, theo hướng này, vào mùa mưa không thể đi lại được vì địa hình vừa đèo dốc quanh co, trơn trượt, vừa suối sâu, nước chảy xiết. Chúng tôi được kể, vài năm trước, một doanh nghiệp đã san ủi mặt bằng, đổ đá dăm tại nhiều điểm để tạo thành con đường nhỏ tương đối bằng phẳng, song chỉ sau vài trận mưa lụt, mọi khó khăn trở lại như cũ.

Chúng tôi được ông Hàn Thanh Hòa (45 tuổi, trú thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, là người chuyên bán thực phẩm dạo ở các địa bàn miền núi Quảng Trị) dẫn đường đến 2 thôn Cát, Trỉa theo hướng đi thứ 2. Sau khi chạy xe máy được chừng 10km, chúng tôi phải bỏ lại xe bên bìa rừng vì một điểm sạt lở lớn, rồi cố gắng lội bộ qua điểm này mất gần 1 giờ đồng hồ. Sau đó, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ thêm suốt 4 giờ đồng hồ nữa mới đến được thôn Cát.

Một điểm chia cắt lớn trên đường đến Cát, Trỉa.

Bản làng này hiện ra giữa một thung lũng được bao quanh bởi những núi non trùng điệp của đại ngàn Trường Sơn. Những ngọn núi nằm về phía Đông sát ngay đầu làng hầu như không có cây rừng, mà chỉ có cỏ tranh hoặc trơ ra toàn đá xám và đất bạc màu. Tuy nhiên, người Vân Kiều ở đây thật may mắn khi những dãy núi phía Tây và phía Nam vẫn còn khá nguyên vẹn. Những cánh rừng già quanh năm chìm trong sương đã góp phần hạn chế lũ lụt và mang lại nguồn nước mát lành giúp người dân phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ông Hòa chia sẻ rằng, ông đi rất nhiều nơi ở miền núi Quảng Trị, song ít ở đâu có được cánh đồng lúa đẹp như ở thôn Cát. Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây qua bao thế hệ vẫn gắn bó với bản làng cho dù việc đi lại hết sức gian nan.

Thôn Trỉa nằm cách thôn Cát khoảng 4km, với địa hình và điều kiện cuộc sống cách trở, khó khăn tương tự. Đặc biệt, việc học của con em ở đây còn khó khăn hơn gấp nhiều lần so với ở thôn Cuôi, thôn xa nhất của xã rẻo cao Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa. Ở trung tâm của mỗi thôn Cát và Trỉa có một điểm trường cấp 1 thuộc Trường TH&THCS Hướng Sơn, với tổng cộng 89 em học sinh (Cát 65 em, Trỉa 24 em). Vì số lượng học sinh mỗi lớp học hạn chế nên các thầy cô giáo phải tổ chức dạy theo hình thức lớp ghép.

“Tôi về đây công tác đến nay mới gần một năm. Có ở Cát, Trỉa mới thấu hiểu được bao vất vả của anh chị em đồng nghiệp đi trước. Vất vả nhất là đường đi, phụ nữ như tôi không thể nào lái xe máy qua được những đèo dốc quanh co và hiểm trở, những điểm bị sạt lở đất, đá chia cắt hoàn toàn, nên luôn phải nhờ vào đồng nghiệp nam. Những ngày tháng đầu mới đến, tôi nghĩ mình không thể nào trụ lại được, song vì tình cảm của người dân, những người ở đây đều hết sức thân thiện và nhiệt tình, rồi nhìn vào những đứa trẻ nhếch nhác, thiếu cái ăn, thiếu con chữ nên luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng vượt qua”, cô giáo Trần Thị Minh Hằng ở điểm trường thôn Cát, bộc bạch.

Thầy Hồ Xuân Sinh (trú thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) dạy học ở điểm trường thôn Trỉa thì chia sẻ, kể từ sau 3 trận lụt lớn vào các tháng 10 và 11 năm 2020, đến nay thầy cô giáo cũng như người dân ở đây đều rất khó khăn trong việc đi lại. Vào ngày đầu tuần, thầy Sinh phải xuất phát từ nhà lúc 4h sáng để lên Trỉa, rồi ở lại đến chiều thứ 6 mới trở về. Cũng không ít lần thầy nghĩ mình nên tìm một công việc khác, nhưng rồi nhìn đám học trò thân yêu, tội nghiệp, thầy không nở rời đi.

Học sinh ở Cát và Trỉa sau khi hết lớp 5 nếu muốn tiếp tục đi học thì phải vượt 25 cây số đường rừng lên trung tâm xã Hướng Sơn để học bán trú. Bởi vậy chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế, con cái mới có điều kiện học lên cấp 2. Hiện tại, cả bản mới chỉ có 1 em học trung học mầm non, rất ít em học trường nội trú tỉnh và trường nội trú huyện.

Vì cả 2 thôn Cát và Trỉa cách xa trung tâm xã, huyện nên mỗi khi có người bị ốm đau nặng là cả bản phải thay nhau gánh bộ hơn 25 cây số để ra Cam Lộ hoặc ngược lên Trạm y tế xã Hướng Sơn. Đối với phụ nữ mang thai, nỗi lo lớn nhất là đến ngày sinh nở. Vì ngại đường xa nên có không ít bà mẹ chọn cách sinh con tại nhà với sự hỗ trợ của nhân viên y tế thôn bản. Với những trường hợp sinh khó, phải huy động bà con thay nhau… gánh đến trạm y tế. Tuy vậy, từ trước đến nay đã có 4 bà mẹ sinh ngay trên đường đi.

“Khi mang thai đứa con đầu, do không biết tính ngày tháng nên được chồng đưa lên trạm y tế trước một tháng. Do qua một tuần vẫn chưa sinh nên chồng đưa về lại nhà. Sau đó, tôi tự sinh ở nhà với sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Khi chuẩn bị sinh đứa thứ hai, để đảm bảo được an toàn, chị Hồ Thị Phượng, nhân viên y tế thôn cùng bà con gánh tôi ra quốc lộ 9 để đến cơ sở y tế gần nhất, nhưng mới đi được nửa đường thì tôi sinh con. Lúc ấy, tôi rất lo sợ sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Song rất may, chị Phượng và bà con đã giúp đỡ được mẹ con tôi an toàn”, chị Hồ Thị Lam (SN 1992, ở thôn Cát) tâm sự.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay, hai thôn Cát, Trỉa là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc quy mô lớn và du lịch cộng đồng. Song, do chưa được đầu tư xây dựng đường giao thông để người dân vừa đi lại thuận tiện, phục vụ phát triển sản xuất, vừa giao lưu học hỏi với bên ngoài, nên cuộc sống của bà con nơi đây hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trước tình hình này, địa phương sẽ sớm kiến nghị, đề xuất cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng con đường nói trên.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/gian-nan-duong-den-cat-tria-i726115/