Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn nhức nhối

Theo ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới với số tiền trục lợi ước tính hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường, xuất phát từ bên ngoài và cả trong nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam.

Ông đánh giá tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm hiện nay như thế nào?

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn đang là vấn đề nhức nhối, một thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi và gắn với bất kỳ khâu nào trong quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thực tế, số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ là thống kê lại số vụ khách hàng bị từ chối bồi thường bảo hiểm, bao gồm cả những trường hợp không phải là trục lợi như bị từ chối bồi thường do thuộc điều khoản loại trừ hoặc áp dụng chế tài.

Do đó, số liệu đưa ra chưa thực sự chính xác, toàn diện và dễ gây nhầm lẫn.

Hành vi gian lận bảo hiểm không chỉ do khách hàng gây ra, mà còn xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm như lợi dụng chức vụ, sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp và sự hiểu biết về quy trình, hệ thống nhằm thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền, tài sản của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, gian lận bảo hiểm xe cơ giới diễn ra thường xuyên nhất, với số tiền trục lợi ước tính hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường.

Trong đó, hành vi gian lận bao gồm 20% xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm và 80% từ bên ngoài.

Các đối tượng nào có thể phát sinh hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?

Ở Việt Nam, hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bảo hiểm được thực hiện bởi 3 nhóm đối tượng: Khách hàng (người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm), cán bộ bảo hiểm (cán bộ, nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, các cộng tác viên…) và các đối tượng bên ngoài (cơ quan có thẩm quyền giải quyết, công ty giám định…).

Những hành vi gian lận bảo hiểm thường xảy ra là nhân viên bảo hiểm “câu kết” với người mua bảo hiểm cố tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm, hay ngụy tạo hồ sơ, giấy tờ, đánh giá cao mức độ tổn thất so với thực tế.

Nhiều vụ việc gây bất lợi cho công tác điều tra khi có sự thông đồng giữa người tham gia bảo hiểm và các đối tượng bên ngoài như làm biên bản giả về tai nạn giao thông, tạo bệnh án giả, kê đơn thuốc đắt tiền…

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn nhức nhối, vậy hoạt động quản lý chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm liệu có bất cập?

Tôi cho rằng, có 4 bất cập cơ bản sau. Thứ nhất, hầu như chưa có sự chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau. Theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC, khi kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, các doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo định kỳ tình hình thực hiện lên Bộ Tài chính theo biểu mẫu tại Phụ lục 8 và 9.

Tuy nhiên, thực tế có ít doanh nghiệp bảo hiểm gửi thông tin để ghi nhận trong hệ thống. Danh sách khách hàng đã từng trục lợi chỉ là thông tin trao đổi trong nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm có trao đổi thông tin với nhau nhưng qua email, công văn, chứ chưa có một hệ thống thông tin ghi nhận, tra cứu khi cần thiết.

Thứ hai, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có bộ phận chống trục lợi bảo hiểm nằm trong Ban Bảo hiểm xe cơ giới, mà chưa được tổ chức thành một ban riêng.

Việc thành lập Ban Chống trục lợi bảo hiểm là rất cần thiết, bởi hành vi trục lợi xảy ra ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, chứ không chỉ riêng xe cơ giới.

Ban này sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các ban, hội viên của Hiệp hội, đảm bảo tính minh bạch, nhân văn trong ngành bảo hiểm.

Thứ ba, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 98/2013/NÐ-CP và Nghị định 48/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, chưa có bất kỳ hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm nào bị xử phạt. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự nghiêm túc, sát sao, thống kê không đầy đủ, thiếu chính xác.

Thứ tư, số liệu báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ dựa trên số liệu của các công ty thành viên (chi nhánh), công ty thành viên lại báo cáo theo số liệu ước tính, hầu như không dựa trên thực tế.

Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã ban hành quy trình khai thác cụ thể, chi tiết, nhưng không giám sát việc tuân thủ của bộ phận kinh doanh một cách chặt chẽ.

Ông có kiến nghị gì nhằm nâng cao công tác quản lý chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?

Theo tôi, Bộ Tài chính cần ban hành các quy phạm pháp luật về hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, chế tài xử phạt tương ứng với từng đối tượng khi thực hiện hành vi trên.

Các doanh nghiệp bảo hiểm dưới tổ chức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần thống nhất trong cách giải thích, áp dụng quy tắc bảo hiểm; có sự giám sát chặt chẽ quá trình khai thác bảo hiểm và thống nhất về các chỉ tiêu đánh giá hành vi liên quan đến gian lận bảo hiểm.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng văn hóa, chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chống trục lợi bảo hiểm đến các nhân viên.

Các cá nhân, tổ chức liên quan đến bồi thường bảo hiểm như cơ quan công an, giám định tổn thất… cần đề cao tính minh bạch trong quá trình lập biên bản, thu thập hồ sơ, chứng từ, đánh giá mức độ tổn thất.

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi xấu, đáng bị xã hội lên án và cần phải được ngăn chặn kịp thời.

Với vai trò là đại diện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần quyết liệt hơn trong việc chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và thành lập một ban chống trục lợi bảo hiểm riêng.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cần tăng cường phối hợp với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm để tăng khả năng giám sát, xử lý các hành vi vi phạm. Tất cả vì một môi trường bảo hiểm trong sạch, lành mạnh và đầy tính nhân văn.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem/gian-lan-trong-kinh-doanh-bao-hiem-van-nhuc-nhoi-307370.html