Giảm chi phí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, tiến tới phí 0 đồng

Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực phối hợp để giảm mức chi phí mà người lao động phải đóng và tiến tới mục tiêu 'phí 0 đồng'.

Ngày 5/4, tại diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản năm 2023 tổ chức tại Hà Nội, ông Ise Hiroaki, Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA) cho biết, hiện có tới 56% thực tập sinh tại Nhật Bản là người Việt. Theo ông, trung bình số tiền nợ đi Nhật của lao động Việt Nam là 670.000 yen (120 triệu đồng), cao nhất trong các nước phái cử, cao hơn Trung Quốc, Campuchia và cao gấp 4 lần Philippines.

Nguyên nhân khiến các thực tập sinh phải gánh chi phí cao, mang nợ lớn là do có nhiều thông tin sai lệch, còn các hành vi không tuân thủ quy định cấm thu tiền thế chấp, bảo lãnh, về chi phí cho người môi giới đã cấm nhưng nhiều nơi vẫn không tuân thủ.

Đáng chú ý là thực tập sinh phần lớn xuất thân từ các khu vực nghèo và càng ở khu vực nghèo thì số tiền nợ này càng lớn. Nguyên nhân là do lao động ở các khu vực nghèo thường không tiếp cận được thông tin chính xác, phí môi giới cao, chi phí ở trọ, sinh hoạt đi lại cũng mất nhiều hơn.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc người lao động trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí là sau khi kết thúc công việc được tuyển dụng.

Ông Shishido Kenichi, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 100.000 người.

Lao động Việt Nam đi làm tại Nhật Bản phải bỏ ra chi phí lớn (Ảnh minh họa).

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật Bản và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc tại nước này. Tuy nhiên, một vấn đề lớn lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Từ thực tế nhiều lao động phải gánh nợ nần do chi phí đi làm việc tại Nhật Bản cao, cả Nhật Bản và Việt Nam đều đang triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Ông Shishido Kenichi cho biết, từ cuối năm 2022, các cơ quan Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về cơ chế mới để người lao động nước ngoài sang Nhật Bản không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững.

90% lao động phải trả chi phí xuất ngoại

Để hạn chế tình trạng lao động phải mất phí cao khi đi lao động tại Nhật, JIFA đã triển khai “Dự án Phí 0 đồng” ở Hà Tĩnh từ năm 2014 và đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sang Nhật làm việc.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện 90% lao động xuất ngoại đều thông qua các công ty phái cử và phải trả các khoản chi phí trước khi xuất ngoại.

Vấn đề đặt ra giảm chi phí, thực tập sinh (TTS) không phải trả phí và cơ chế giám sát như thế nào để không phát sinh tiêu cực.

Thực tế, hiện có một số chương trình không có chi phí, phí thấp như chương trình điều dưỡng, IM Japan, nhưng mức độ thu hút lao động chưa cao.

Ông Hương cho rằng, chưa hẳn không mất phí đã tuyển dụng được lao động, bởi ngoài yếu tố này cần tính đến điều kiện làm việc, thu nhập, nơi ăn ở đảm bảo thì người lao động mới tham gia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, đối với thị trường Nhật Bản, quy trình tuyển dụng phải qua nhiều vòng gồm: Nghiệp đoàn quản lý, các xí nghiệp, công ty sử dụng lao động. Do đó, cần có cơ chế quản lý để hạn chế thỏa thuận ngầm giữa các nghiệp đoàn với công ty phái cử, đơn vị sử dụng lao động.

Ủng hộ quan điểm người lao động không mất phí trước khi xuất ngoại, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động đề xuất, tốt nhất là thu phí từ người sử dụng lao động, vừa đảm bảo công bằng, không bị công kích.

Tuy nhiên, theo ông Diệp, đi kèm là cơ chế giám sát, không vì không mất phí mà đẩy người lao động đến nơi làm việc có thu nhập thấp, công việc không ổn định.

Đánh giá cao sự điều chỉnh hệ thống pháp luật của Việt Nam, bà Ingrid Chriestensen cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động.

Theo bà Ingrid Chriestensen, Việt Nam cần khẩn trương xóa bỏ cơ chế tuyển dụng thu phí, thúc đẩy vai trò của các công đoàn, nghiệp đoàn để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giam-chi-phi-di-xuat-khau-lao-dong-tai-nhat-ban-tien-toi-phi-0-dong-2129009.html