Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn. Bài 3: Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là 'điểm nghẽn' lớn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của tỉnh. GPMB bị ách tắc kéo theo dự án chậm tiến độ và gây ra các hệ lụy khác. Nhiều bài học trong công tác GPMB khi thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh linh hoạt áp dụng đối với các dự án trọng điểm triển khai trong tương lai.

Giúp dân sớm “an cư” trên đất mới

Trở lại các xã Gio An, Linh Trường huyện Gio Linh và xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà thơm mùi vôi mới khang trang đã có chủ sinh sống, những ngôi nhà đang dần hoàn thiện với thiết kế hiện đại ở những khu tái định cư (TĐC), góp phần làm đổi thay diện mạo của một vùng đất mới.

Anh Hoàng Trọng Thình, ở xã Gio An, huyện Gio Linh đang bận rộn đốc thúc thợ xây đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành ngôi nhà vào cuối năm, kịp vào ở trước tết Nguyên đán. Là hộ dân thuộc diện giải tỏa mặt bằng với diện tích hơn 600 m2 , anh Thìn nhớ lại những ngày đầu, khi nghe tin là một trong những hộ thuộc diện di dời TĐC, vợ chồng anh có không ít lo lắng, trăn trở. Tuy nhiên, thông qua những cuộc đối thoại với chính quyền địa phương, những băn khoăn của gia đình dần được giải đáp, tháo gỡ.

“Cao tốc đường bộ Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, là một đảng viên, tôi muốn góp phần nhỏ vào xây dựng công trình bằng việc sớm di dời, nhường đất triển khai dự án”, anh Thình cho hay.

Khu tái định cư xã Gio An, huyện Gio Linh được đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh - Ảnh: LÊ AN

Khu tái định cư xã Gio An, huyện Gio Linh được đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh - Ảnh: LÊ AN

Khu TĐC Gio An có diện tích 3,79 ha với hệ thống hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Vị trí khu TĐC nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuận lợi cho người dân sinh sống và giao thương buôn bán. Sau khi các hộ đồng ý nhận tiền bồi thường, nhận đất tại khu TĐC, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ tạm cư... cho người dân.

Tại khu TĐC Linh Trường, số hộ dân làm nhà ở vẫn còn thưa thớt. Chị Hồ Thị Lúa, người dân thôn Bến Mộc 2, chuyển đến ở khu TĐC đến nay đã được 7 tháng. Chị khoe với chúng tôi, sau khi nhận khoản tiền bồi thường 1,2 tỉ đồng, vợ chồng chị xây dựng ngôi nhà mới hết 700 triệu đồng, số tiền còn lại dành cho chi phí nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một khoản cất tiết kiệm. Phía sau ngôi nhà có một khoảnh đất nhỏ, chị Lúa chăm chỉ trồng các loại rau để dùng làm thực phẩm cho gia đình.

“Đến nơi ở mới, đất không rộng như nơi ở cũ, nhưng bù lại, vợ chồng, con cái được ở trong ngôi nhà mới khang trang, điều mà vợ chồng em mơ ước mãi”, chị Lúa thật thà bộc bạch.

Phục vụ công tác GPMB Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, trên địa bàn huyện Gio Linh đầu tư xây dựng 3 khu TĐC gồm: Hải Thái, Gio An và Linh Trường với tổng mức đầu tư hơn 110,15 tỉ đồng. Gio Linh cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về tiến độ xây dựng các khu TĐC, bàn giao đất và người dân xây dựng nhà ở. Hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục công việc còn lại để hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gio Linh Nguyễn Văn Giảng cho biết, từ khi bắt đầu công tác GPMB, huyện đã quán triệt phương châm các khu TĐC phải đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và phải có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn nơi ở cũ, không để người dân bị thiệt thòi. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu đầu tư dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. “Địa phương cam kết hỗ trợ tối đa cho người dân trong quá trình xây dựng nhà ở tại các khu TĐC để sớm ổn định cuộc sống”, ông Giảng khẳng định.

Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị có chiều dài 32,53 km với khoảng 351 hộ bị ảnh hưởng phải TĐC. Trong đó, số hộ TĐC trên tuyến chính cao tốc là 176 hộ, còn lại 175 hộ nằm trên phạm vi đường gom, hành lang đường bộ và nút giao. Đến nay đã di dời được 175/176 hộ trên phạm vi tuyến chính cao tốc để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Để phục vụ dự án, toàn tỉnh có 9 khu TĐC chia đều cho 3 huyện: Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh với diện tích khoảng 37,24 ha. Cùng với GPMB dự án, việc xây dựng các khu TĐC này cũng đã bị chậm khoảng một năm so với yêu cầu. Nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng các khu TĐC gặp nhiều khó khăn về đất san lấp mặt bằng, GPMB, chuyển đổi đất rừng và phải thực hiện nhiều thủ tục khác.

Hiện tại các khu TĐC đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, đã thực hiện công tác bốc thăm, giao đất cho 249 hộ đến khu TĐC và đã có 157 hộ dân đang triển khai xây dựng nhà ở trên các khu TĐC.

Ngoài các hạng mục thiết yếu, các địa phương có khu TĐC cũng đề xuất với tỉnh đầu tư thêm lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh ven các tuyến đường để làm đẹp cảnh quan, bổ sung thêm đường ống nhằm tăng khả năng thoát nước và chống ngập lụt.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhằm triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư là tạo sự chuyển biến cơ bản đối với công tác GPMB, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đầu tư. Đảm bảo giao đủ mặt bằng sạch, kịp tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư.

Những ngôi nhà được gấp rút hoàn thiện tại khu TĐC Cam Tuyền, Cam Lộ -Ảnh: LÊ AN

Những ngôi nhà được gấp rút hoàn thiện tại khu TĐC Cam Tuyền, Cam Lộ -Ảnh: LÊ AN

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, ngày 24/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 05) gắn với thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”.

Nghị quyết số 05 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong công tác GPMB. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về hành động, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và sự đồng thuận của Nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 19/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về việc tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các cấp, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao và chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, đồng hành của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo động lực phát triển KTXH của tỉnh.

Bám sát nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác GPMB.

Kinh nghiệm của huyện Gio Linh cho thấy, địa phương đã phân công cụ thể những đầu việc cần làm, phân công Thường trực, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cho đến bí thư chi đoàn, trưởng các chi hội, đoàn thể phụ trách theo dõi từng dự án cụ thể, quy trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền được phân cấp, từ đó giải quyết kịp thời các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gio Linh Nguyễn Văn Giảng cho biết: “Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao hơn với cơ sở, Thường trực Huyện ủy đã phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ chỉ đạo từng địa bàn cụ thể. Đây là phương án rất hữu hiệu bởi tiếp cận được việc kiểm đếm tài sản của từng địa bàn, trực tiếp đối thoại với dân để giải đáp những thắc mắc khi áp giá bồi thường công khai.

Huyện Gio Linh cũng đề xuất tỉnh thành lập tổ công tác của tỉnh hỗ trợ huyện gồm thành viên là các ngành chức năng để trực tiếp giải quyết những vấn đề chuyên môn liên quan đến thủ tục đất đai, pháp lý..., đồng thời có chức năng phản biện trở lại để đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan.

Bài học mà chúng tôi sâu sắc rút ra là, lãnh đạo phải bám sát cơ sở để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, xử lý các “điểm nghẽn”; cán bộ làm công tác GPMB phải luôn đặt mình vào vị trí của chính những người dân để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó tuyên truyền, vận động, trao đổi cho Nhân dân hiểu và đồng thuận chấp hành chủ trương chung”.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bồi thường GPMB

Quá trình thực hiện công tác GPMB được hội đồng GPMB các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo luật, nghị định của Chính phủ, các quyết định của UBND tỉnh.

Cụ thể, đã áp dụng các chế độ TĐC tại chỗ, TĐC đến nơi ở mới, TĐC tự tìm nơi ở mới. Đối với nhà, công trình xây dựng khác nằm trong phạm vi nhà nước thu hồi đất nhưng không đủ điều kiện bồi thường thì được xem xét hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa bằng 50% đơn giá của UBND tỉnh quy định tại thời điểm có quyết định thu hồi. Đối với các trường hợp cá biệt, UBND các huyện có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và xin chủ trương giải quyết theo thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh để giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Các địa phương cũng đã xin ý kiến của UBND tỉnh để có chính sách hỗ trợ tạm cư cho người dân, đồng thời áp dụng các chính sách hỗ trợ di chuyển nhà, thuê nhà, ổn định đời sống và sản xuất...

Chính quyền xã Linh Trường gặp gỡ vận động người dân thực hiện GPMB - Ảnh: LÊ AN

Chính quyền xã Linh Trường gặp gỡ vận động người dân thực hiện GPMB - Ảnh: LÊ AN

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai của các địa phương cho thấy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, là rào cản ảnh hưởng đến công tác bồi thường GPMB như: hệ thống chính sách, pháp luật một số lĩnh vực chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi, nhất là trong lĩnh vực đất đai và chính sách bồi thường, GPMB. Đơn giá bồi thường về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, một số loại cây thấp nên Nhân dân còn nhiều ý kiến, đặc biệt là giá đất.

Mặc dù các địa phương đã áp giá đất cụ thể nhưng vẫn không theo kịp sự biến động của giá cả thị trường, ảnh hưởng lớn đến tiến độ GPMB. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trước đây còn lỏng lẻo nên đã xảy ra nhiều trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, trên đất công (như trường hợp của 3 hộ dân trên địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh), việc giao đất trái thẩm quyền... mà chưa có giải pháp kịp thời xử lý đã ảnh hưởng đến công tác GPMB dự án.

Ngày 23/2/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 72-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, huy động và sử dụng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, thi công các công trình, dự án. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, GPMB, tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch.

Đây chính là lối mở quan trọng để các bộ, ngành liên quan có cơ sở tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách sát đúng, phù hợp với thực tiễn. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của quốc gia của địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ TĐC, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, thống nhất cao trong Nhân dân.

Lê An - Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giai-phong-mat-bang-du-an-duong-bo-cao-toc-van-ninh-cam-lo-khoi-suc-dan-mo-duong-lon-bai-3-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-thuc-tien-188873.htm