Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Báo Giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) tổ chức chiều 11-4 tại tỉnh Bình Định với sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ Cục Hàng không Việt Nam, các cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không và chuyên gia kinh tế…

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngành hàng không Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Vào năm 2008, tổng số máy bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 chiếc thì đến nay đã tăng gấp 3 lần, lên 192 chiếc. Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines thì nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Mạng đường bay cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Các tổ chức quốc tế đánh giá, hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới và dư địa còn rất lớn.

Theo ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways, việc tham gia của tư nhân vào lĩnh vực hàng không đã giúp nhiều người dân có cơ hội được bay. Việc cạnh tranh giữa các hãng hàng không Việt sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Đề cập tới vấn đề thị trường hàng không sẽ thay đổi như thế nào khi các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, cảng hàng không, sân bay thuộc hạ tầng giao thông quốc gia, thực hiện theo nguyên tắc giao thông đi trước một bước. Do đây là kết cấu hạ tầng giao thông nên phải được quản lý chặt chẽ bằng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của Nhà nước. Nhà nước đang có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hạ tầng hàng không, nhưng hàng không còn nhiều đặc thù khác. Xã hội hóa phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích của xã hội.

Dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã hoạch định kế hoạch hạ tầng hàng không. Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất thông qua là 104 triệu khách/năm. Đến năm 2030 là 308 triệu khách/năm. Sự phát triển này hoàn toàn nằm trong dự báo, định hướng và kế hoạch của Nhà nước.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/931936/giai-phap-thuc-day-hang-khong-phat-trien-ben-vung