Giải mã đội bóng bị ghét nhất nước Anh

Cả Leeds United lẫn HLV Marcelo Bielsa đều không quá quen thuộc với nhiều người hâm mộ Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã và đang cùng nhau tạo nên hành trình đáng chờ đợi.

Với nhiều người yêu bóng đá, Marcelo Bielsa là con người đầy bí ẩn. Họ có thể đã đọc nhiều ngợi khen dành cho ông, toàn từ những nhân vật "số má" . Tuy nhiên, khi tìm kiếm tiểu sử thành tích, họ sẽ sa vào băn khoăn: tài năng lớn như thế mà thành tích chỉ có bao nhiêu đây, ông ấy tài ở chỗ nào nhỉ?".

Còn với những khán giả Việt Nam hâm mộ Premier League ở độ tuổi khoảng 20 hay trẻ hơn, Leeds United là cái tên nhạt nhòa. Nhưng với những người Việt Nam hâm mộ Premier League "đời đầu", tức là từ những ngày truyền hình mới bắt đầu truyền trực tiếp Ngoại hạng Anh (cỡ giữa thập niên 90), Leeds là đội bóng đại diện cho giấc mơ điên rồ có, lãng mạn có, phù phiếm có, ngông cuồng cũng có. Leeds cũng là CLB gắn với tên gọi "đội bóng bị ghét nhất nước Anh".

Bây giờ, Leeds đã trở lại với Premier League, dưới sự dẫn dắt của Marcelo Bielsa. Có thể nói, họ đã cùng nhau “lộ sáng” trở lại, khi bước lên sân khấu lớn nhất của bóng đá Anh.

Ở cái nơi đầy cạm bẫy, giữa những danh tiếng và tài năng của Man City - Pep Guardiola, Liverpool - Klopp, Tottenham - Mourinho, họ sẽ chứng minh mình thế nào đây trên hành trình cùng kiếm tìm ghi nhận thực sự bằng danh hiệu cho riêng mình?

Từ một canh bạc tất tay

Câu chuyện giấc mơ điên rồ của Leeds United sẽ mãi là ví dụ kinh điển của thế giới bóng đá hiện đại ở đúng vào giai đoạn chuyển mình thành ngành công nghiệp tỷ USD. Không chỉ có mình Leeds rơi vào hoàn cảnh phá sản vì những đầu tư ồ ạt ngõ hầu mong đoạt được chức vô địch Champions League để làm điểm tựa đẩy bật thương hiệu và doanh thu, mà tương đồng với họ còn là Parma, Fiorentina ở Italy. Tuy nhiên, Leeds vẫn là trường hợp tiêu biểu nhất của "giấc mộng bong bóng" khi sự lụn bại của họ kéo dài gần cả 2 thập niên.

Lứa trẻ từ học viện của Leeds những ngày mộng mơ điên rồ ấy là Alan Smith, Harry Kewell, Jonathan Woodgate, Stephen McPhail, Paul Robinson, một lứa được đánh giá chẳng khác gì thế hệ 1992 của Sir Alex Ferguson. Và Leeds cũng mang về thêm những ngôi sao trẻ như Rio Ferdinand, Michael Bridges cùng với những người đã thành danh như Mark Viduka, Robbie Keane, Robbie Fowler với tham vọng kiểu đánh canh bạc tất tay đúng nghĩa.

Để có thể đầu tư như thế, Leeds United đã đi vay 60 triệu bảng, khoản vay cực lớn đối với CLB Premier League ngày ấy. Để trả nợ vay, họ kỳ vọng vào doanh thu thương mại đơn thuần. Và cách làm của họ là toàn bộ tiền bán vé, bán vật phẩm thương hiệu đều được chuyển về tài khoản phong tỏa. Đều đều, cứ ngày 1/9 hàng năm, tài khoản ấy sẽ được sử dụng để trả nợ.

Mùa 2000/01, Leeds bước vào vòng knock-out Champions League với thông tin vô cùng sáng sủa. Doanh thu của họ ở năm 2000 là 83 triệu bảng, trừ đi hết chi phí và cả tiền trả nợ, họ lãi 10 triệu bảng. Doanh thu ấy đến từ việc doanh số vé vào cửa tăng 33%, doanh số vật phẩm thương hiệu tăng 40%. Canh bạc có vẻ khả quan và sáng nước.

Tuy nhiên, thất bại trước Valencia ở bán kết đã kết thúc tất cả hy vọng. Doanh thu sụt giảm lập tức. Trong khi đó, chi phí lại tăng quá cao. Leeds tiêu xài hoang phí, như thể sự hoang phí ấy mới chứng tỏ Leeds xứng ở cùng mâm với những ông lớn ở châu Âu thì phải.

Chính một cầu thủ Leeds ngày đó đã kể lại rằng, chỉ nội chuyện máy bay đi du đấu Champions League thôi, Leeds cũng toàn chơi hàng hiệu. Trong khi chính Liverpool, ở lần vô địch năm 2005, chỉ bay bằng chiếc Boeing 737 với không gian quá hẹp tới mức chiếc cúp phải "ngồi" trên một ghế như hành khách thông thường.

Alan Smith (trái) và Harry Kewell, 2 cầu thủ thuộc thế hệ vàng của Leeds. Ảnh: These Football Times.

Sau thất bại ấy là hoàn cảnh bị "dí nợ”". Leeds nợ tổng cộng 83 triệu bảng, mỗi tháng trả nợ một triệu bảng. Quỹ lương vẫn nghẹt thở, và họ bắt đầu phải cắt giảm nó bằng cách bán dần đi các ngôi sao của mình. Càng bán càng yếu. Càng yếu càng vỡ.

Và vào một ngày chớm hè 2004, họ xuống hạng để bắt đầu chuỗi bi kịch: bị kiểm soát, bị phạt trừ điểm, bị tống xuống hạng 3. Từ đội bóng giàu truyền thống, từng 3 lần vô địch Anh, họ trở thành số 0.

Sai lầm trong việc xây dựng mô hình kinh doanh quá ngây thơ của Chủ tịch Peter Ridsdale ngày đó vẫn còn là bài học tham khảo rất lớn của hôm nay. Chỉ đơn thuần câu chuyện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, khiến sân cỏ không còn khán giả, đã đủ khiến nhiều CLB phải lao đao. Một CLB không thể chỉ dựa trên nguồn thu thương mại đơn thuần. Lúc này, người ta mới thấy giá trị của bản quyền truyền hình, những ông chủ đầu tư núp dưới danh nghĩa một công ty thể thao hay quỹ đầu tư bóng đá nào đó.

Thật trùng hợp, ở đúng thời điểm dịch Covid-19 có thể biến vài CLB rơi vào hoàn cảnh của Leeds gần 20 năm trước, thì Leeds đã trở lại Premier League, với ông chủ đầu tư duy nhất, tỷ phú người Italy Andrea Radrizzani. Sau 3 năm mua 100% cổ phần của Leeds, ông đã đưa CLB về với nơi nó từng thuộc về.

Từ bất khả đến khả thi: định mệnh nằm trong lòng bàn tay

Radrizzani đến, và việc đầu tiên ông ta làm là mua lại sân Elland Road huyền thoại, thứ tài sản quý giá từng bị bán đi để trả nợ khi Leeds phá sản. Đó là quyết định tạo động lực rất lớn khi nó làm sống dậy tinh thần Leeds trong cộng đồng.

Radrizzani cũng tái thành lập lại đội bóng nữ của CLB. Tuy nhiên, ông hiểu việc cần nhất vẫn phải là Premier League. Muốn chinh phục ở đó, ông cần HLV ở đẳng cấp "tinh tú".

Kể từ sau dự án canh bạc thất bại với David O’Leary, Leeds đã sử dụng 20 HLV trong gần 20 năm, trong đó số HLV toàn thời gian là 17 người. Ở Leeds, người ta từng dùng những HLV thuộc diện "tay phải của chủ tịch" như Dennis Wise, là huyền thoại sân Elland Road như Gary McAllister, là "thánh lên hạng" như Niel Warnock.

Radrizzani, người mang lại sự thay đổi cho Leeds. Ảnh: The Times.

Chẳng ai mang lại kết quả. Radrizzani thừa hiểu vấn đề là hệ thống. Phải xong hệ thống mới tính chuyện tìm thầy.

Và khi ông đã hòm hòm trong việc xây dựng một hệ thống, Radrizzani nghĩ tới HLV. Ông hiểu Paul Heckingbottom sẽ không đủ tầm đưa Leeds trở lại. Tuy nhiên, ai là cái tên mà ông cần phải chọn đây?

Ngay lúc ấy, ngồi cùng trên xe hơi với ông đến sân Elland Road là Giám đốc Thể thao Victor Orta. Orta đưa ra đề xuất: Marcelo Bielsa nhưng kèm theo nhận định "có thể là bất khả".

Nhận định của Orta tưởng như đã đúng. Dù Orta có quan hệ khá mật thiết với Bielsa, ông không tài nào liên lạc được với HLV người Argentina. Điện thoại không nghe máy. Nhắn tin không trả lời. Còn Radrizzani, trong đầu ông cũng có những phương án khác.

Thứ nhất là kéo Roberto Martinez khỏi tuyển Bỉ, ngay sau World Cup 2018. Và thứ hai, nhưng thực ra là ưu tiên hơn, đồng hương của Radrizzani: Antonio Conte, người mới bị Chelsea sa thải.

Thậm chí, Radrizzani còn từng trả lời La Gazzetta dello Sports rằng ông sẵn sàng trả Conte 20 triệu bảng nếu Conte đảm bảo được Leeds trở lại và trụ hạng ở Premier League. 20 triệu bảng là số tiền mơ ước của HLV hàng đầu ở CLB hàng đầu hiện nay. Sở dĩ Radrizzani "máu" như thế cũng bởi ông có cảm tình đặc biệt đến mức "dễ xiêu lòng" vì Conte.

Nhưng rồi Bielsa đã trả lời. Và khi họ trò chuyện lần đầu tiên qua điện thoại, Orta lẫn Radrizzani đều ngạc nhiên khi biết Bielsa đã xem 7 trận Leeds đá. Cho đến khi Orta và Radrizzani bay sang Buenos Aires để gặp trực tiếp Bielsa, họ còn kinh hoàng hơn nữa khi Bielsa xem đủ 17 trận của Leeds, đồng thời đọc vanh vách các cầu thủ của Leeds mạnh yếu ở điểm nào, kể cả là cầu thủ dự bị.

Bielsa đã theo dõi Leeds kỹ trước khi nhận lời dẫn dắt đội bóng này. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, đến lần thứ 3 họ họp với nhau, cũng ở Buenos Aires, đội ngũ điều hành của Leeds bị khuất phục hoàn toàn. Bielsa bày lên bàn một loạt biểu đồ, chỉ vanh vách ưu nhược điểm, lối chơi của toàn bộ các đối thủ của Leeds ở hạng Nhất Anh.

Kèm theo đó, Bielsa cũng đưa ra kế hoạch cải tạo khu tập huấn Thorp Arch để nó thành "tiêu chuẩn 5 sao". Đồng thời, ông cũng muốn mặt sân Elland Road phải ở tầm vóc tương tự.

Họ quá hợp nhau ở điểm đó. Orta tiết lộ "chúng tôi đã cải tạo Thorp Arch rồi, đúng như điều ông mới đề đạt". Radrizzani quá biết một mặt sân đẹp quan trọng thế nào tới thành tích cũng như thể chất cầu thủ. Nên nhớ, ở thời của Chủ tịch Ridsdale, mặt sân Elland Road chẳng khác gì chính nó từ hồi năm 1974.

Trở về Anh, giám đốc điều hành của Leeds là Angus Kinnear vẫn còn không thể tin nổi có một con người chi tiết đến thế. Chính Kinnear cho biết thậm chí từng có một ứng viên cho ghế HLV ở Leeds nhưng lại không thể nhớ nổi cái tên nào trong đội hình Leeds lúc ấy.

Tuy nhiên, Kinnear cũng thổ lộ với Radrizzani rằng không hiểu kế hoạch Bielsa có thành công không, vì sợ rằng một "cao thủ" như thế liệu có chịu làm ở hạng Nhất và chưa biết ông ta sẽ đòi lương thế nào.

Rốt cuộc bất khả, như cách Orta nói và như nỗi e sợ của Kinnear, đã trở thành khả thi. Bielsa nhận lời. Lương chưa bằng 1/7 số tiền mà Radrizzani sẵn sàng trả cho Conte. Chỉ 3 triệu bảng Anh mà thôi. Song, đó cũng là mức lương kỷ lục đối với hạng Nhất rồi. Bielsa đến Anh và bắt tay vào việc.

Trong buổi họp báo ra mắt, khi đối diện câu hỏi "ai đã thuyết phục ông đến huấn luyện Leeds United", Bielsa đã trả lời rất khôn khéo: "Chẳng ai cả. Tự tôi thuyết phục mình. Tôi bị chinh phục bởi sức mạnh của Leeds ở cả khía cạnh đội bóng lẫn một học viện".

Câu trả lời mà chính ông cho là "giàu tính mỵ dân" ấy đã được ông thực hiện đúng. Bielsa, với thói quen thích theo dõi sự phát triển của cầu thủ, đã dấn thân dùng nhiều cầu thủ từ học viện của Leeds trong suốt 2 năm qua.

Tuy nhiên, không phải là Bielsa không có những rào cản khi ở Leeds. Ông nói tiếng Anh rất tệ. Tự ông thừa nhận điều đó. Mà việc nói chuyện với đội bóng giữa hai hiệp lại vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, khả năng sử dụng tiếng Tây Ban Nha của ông rất tuyệt vời. Ông đã đối diện nó thế nào? "À, tôi nói chuyện với cầu thủ bằng những cái ôm, cử chỉ, ánh nhìn. Tiếng Anh quá tệ buộc tôi phải tìm cách giao tiếp khác", ông thổ lộ.

Và đúng là ông đã dùng hành động để thuyết phục được không chỉ cầu thủ của mình, mà còn cả những cổ động viên trong thành phố. Leeds thuê cho ông một căn hộ hạng sang ở Rudding Park, nhưng ông lại từ chối và thuê căn hộ có một phòng ngủ nhỏ xinh ở gần sân tập hơn.

Ông thích đi bộ tới sân tập, với ba lô đeo sau lưng. Có lần, một CĐV dừng xe ngỏ ý cho ông quá giang. Ông chỉ cười "cảm ơn, tôi thích đi bộ hơn". Đơn giản, Bielsa dành những phút trên đôi chân mình để suy tưởng về những điều ông sẽ làm với các cầu thủ của mình.

Một trong những ý tưởng ấy chính là ông đề xuất có giường nghỉ, có PlayStation cho cầu thủ ở Thorp Arch. Ông cũng lấy một cái giường ở đó để có thể nghỉ lại.

Giáo án tập luyện của Leeds luôn rất khắc nghiệt. Ảnh: Getty.

Bielsa hiểu những bài tập của ông rất dài và căng thẳng. Ông muốn cầu thủ của mình được thư giãn, để có thể họ giải tỏa được những gì mới phải trải qua ở các buổi tập. Có như vậy, kết quả mới được khả quan.

Hôm nay, khi Leeds chuẩn bị chào sân Premier League, với đối thủ đầu tiên là nhà đương kim vô địch Liverpool (23h30 ngày 12/9), Bielsa cũng chính thức chào sân nước Anh ở đẳng cấp cao nhất, để mọi người được chứng kiến bậc thầy tận mắt. Cách đây 2 năm, không ai nghĩ Bielsa sẽ chọn nơi như thế, đúng như Orta nói là bất khả.

Tuy nhiên, trong lòng bàn tay con người có cả đường sinh mệnh, đường ái tình và đường quan lộ. Tất cả đều là định mệnh hết. Song khi nắm chặt tay mình, rõ ràng chúng ta giữ định mệnh trong tay. Từ bất khả đến khả thi, đều là những quyết định chọn lựa riêng rẽ của mỗi người: Radrizzani, Orta, Bielsa. Và rõ ràng, quyết định ấy cũng như bàn tay vô hình nắm lấy định mệnh.

Nghịch lý Bielsa

Tất cả HLV hàng đầu trên thế giới đều dành cho Bielsa những ngợi ca có cánh. Ngay cả Pep Guardiola cũng phải coi Bielsa như người "truyền cảm hứng vô cùng" trong sự nghiệp huấn luyện của mình.

Cơ bản, Bielsa là người rất chịu học. Ông dù ở cương vị nào, danh tiếng ra sao, vẫn nhẫn nại tìm tòi, học hỏi, vì ông hiểu đó là con đường phát triển.

Tuy nhiên, rất nhiều người không hiểu Bielsa giỏi ở chỗ nào, khi thành tích của ông không thể hiện ra bằng danh hiệu. Chỉ hai chức vô địch Clausura, một chức vô địch Apertura và chiếc huy chương vàng thế vận hội là những thứ đáng giá nhất trong sự nghiệp cầm quân kéo dài 40 năm của ông mà thôi. Còn thất bại thì cũng đủ rồi, điển hình là World Cup 2002.

Vậy những người khen ngợi Bielsa giỏi sẽ bảo vệ ông bằng cách nào?

Không có cách nào để bảo vệ, nếu cái lý được mang ra là con số danh hiệu. Song, chúng ta vẫn biết trong đời có những người rất giỏi, nhưng cơ duyên không cho phép họ có được thành tựu đáng nhớ, đáng ghi nhận.

Nó như kiểu ta gọi là học tài thi phận. Tuy nhiên, nó là nghịch lý thực sự bởi tài năng, kèm với đạo đức, chưa chắc đã là tấm vé đảm bảo cho thành công.

Nghịch lý ấy tồn tại trong Bielsa, nhất là khi ông luôn đề cao mục tiêu bóng đá của mình là “nền tảng cho chiến thắng”. Tỷ lệ thắng trận của ông ở mỗi đội bóng ông cầm cũng không phải quá cao. Bởi thế, nói về Bielsa, người ta sẽ còn phải tranh cãi mãi.

Thực chất, con mắt nhìn người của Bielsa cực tinh đời. Ít ai biết được rằng, giám đốc thể thao của Sevilla ngày nào là Ramon Verdejo, thường được gọi là Monchi, chính là người học trò lâu năm nhất của Bielsa. Monchi có thể nói là đã học hỏi và thừa hưởng toàn bộ kỹ năng nhìn người của ông thầy sau thời gian làm việc cùng ông ở Mexico cũng như ở Rosario.

Chính Monchi đã dùng những phương pháp của Bielsa để phát hiện tài năng của Sergio Ramos, Antonio Reyes, cứu vãn sự nghiệp cho Dani Alves, Julio Baptista, Rakitic và Federic Kanoute. Cái cách nhìn người của Bielsa rất "dị". Ông có thể thấy tiềm năng khác của một cầu thủ, thứ tiềm năng mà các HLV khác không thấy được.

Kalvin Phillips được HLV Bielsa nâng tầm và đã góp mặt ở đội tuyển Anh. Ảnh: Getty.

Điển hình là ở Leeds, Kalvin Phillips vẫn thường chơi số 8 (con thoi), hoặc số 10 (tiền vệ tấn công). Ấy vậy mà Bielsa quyết định đưa anh về chơi số 6 (tiền vệ trụ) và thậm chí biến anh trở thành trung vệ thòng. Và Kalvin Phillip đã phát huy tốt ở vị trí mới ấy.

Trong khi đó, khi Bielsa chưa xuất hiện, anh chỉ là cầu thủ nhàng nhàng ở vị trí quen thuộc ngày nào. Có thể nói, dưới tay Bielsa, một cầu thủ chưa chắc có thể trở thành cầu thủ hàng đầu, nhưng anh ta sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc hơn bản thân mình vốn dĩ vẫn thể hiện trước đây.

Tuy nhiên, cái tài năng của Bielsa thực sự phải nằm ở tính nghiên cứu. Khi ông quyết định giới thiệu sơ đồ 3-3-3-1, sơ đồ chỉ có một tiền vệ trụ trong bộ 3 tiền vệ, còn hai người còn lại là tiền vệ biên thuần túy, nhiều người đã ngờ vực về tính hiệu dụng của nó khi cuộc chiến ở tuyến giữa không thề chỉ giao phó cho một cá nhân.

Song, Bielsa có lý của ông. Đội hình ấy dưới tay ông thực hiện chuyển đổi trạng thái nhịp nhàng và luôn chiếm ưu thế quân số khi tranh chấp. Đó thực sự là bài toán mà nhiều thế hệ HLV sau sẽ phải giải tiếp, vì nó vượt ra ngoài khuôn khổ của hệ thống chiến thuật truyền thống.

Rất có thể, sẽ có người bắt đầu từ đó để xây dựng hệ thống chiến thuật của tương lai. Còn bây giờ, Bielsa vẫn tiếp tục nghiên cứu nó, đủ để những người mê đắm chiến thuật như Pep cảm thấy đó là cảm hứng thực sự.

Và thứ mà người ta ghi nhận nhất ở Bielsa chính là những thành công hôm nay của những người như Pep, Klopp, Tuchel hay Pocchettino. 30 năm trước, ở CLB Newell’s Old Boys, chính Bielsa đã giới thiệu thứ bóng đá pressing cực đoan ngay từ phần sân đối phương. Người ta gọi ông là El Loco (lão điên) cũng vì lẽ đó. 30 năm trước, đó là thứ bóng đá điên cuồng, gây sốc cho đối thủ lẫn người xem thực sự.

Bây giờ, cái thứ điên cuồng kia đã trở thành bình thường. Pep dùng nó, Pocchettino dĩ nhiên dùng nó, Klopp dùng nó, Tuchel dùng nó, Hansi Flick dùng nó… Nó đã trở thành thời thượng.

Và Bielsa là người đi trước thời đại thực sự khi giới thiệu nó lần đầu. Và đúng như ông từng nói "Ý tưởng của ai cũng bị coi là điên rồ hết trước khi nó chứng minh được giá trị".

Điều thú vị nhất của Premier League 2020/21 là chính Bielsa, cha đẻ của thứ "điên rồ nay đã trở thành bình thường" kia sẽ phải chống lại những "bậc thầy" đã sử dụng nhuần nhuyễn nó. Quân trong tay ông lại không thiện chiến bằng họ.

Những cuộc chiến bởi thế sẽ lý thú hơn nhiều, vì nó cho thấy sự tiến hóa của bóng đá hiện đại. Song, dù kết quả có thắng hay thua hay hòa gì nữa, chắc chắn các HLV hàng đầu sẽ phải đến khiêm nhường trước ông cùng sự nề phục.

Premier League cũng là nơi để Bielsa hóa giải nghịch lý của mình. Ông đã gần 70 tuổi rồi. Ông rất cần một danh hiệu lớn ở châu Âu, nơi mà ông chưa từng có một danh hiệu nào.

Klopp và Bielsa sẽ đối đầu nhau ở vòng 1 Premier League 2020/21.

Bởi vì danh hiệu ấy sẽ làm bảo chứng cho tài năng của ông. Bởi vì danh hiệu ấy là thứ ông xứng đáng có. Bởi vì bóng đá rất cần những bất ngờ thú vị. Mà nếu Bielsa có danh hiệu với Leeds, còn gì bất ngờ và thú vị bằng.

Tất nhiên, nói chuyện Leeds có danh hiệu ở ngay mùa giải đầu tiên này thì quá hão huyền. Để lên hạng, Bielsa phải mất 2 mùa giải, và thế cũng đã là quá nhanh rồi. Để mơ danh hiệu khi đã đặt chân lên đến Premier League, có khi Bielsa dồn tất cả thời gian còn lại trong sự nghiệp huấn luyện của mình cũng chưa chắc có thể chạm tới.

Và Leeds cũng đợi chờ lâu quá rồi. Nay họ trở lại ở định dạng khác, với cách làm việc cũng rất khác. Họ cũng nóng lòng muốn thấy lại những tháng ngày tươi đẹp như hồi 1992.

Tuy nhiên, họ nên hiểu kỳ tích kiểu Leicester nhiều khi trăm năm có một. Song, nếu không duy trì giấc mơ, một CLB bóng đá sẽ tồn tại để làm gì? Và một HLV sẽ dành hết tâm huyết cho nghề để làm gì?

Giấc mơ dành cho Leeds và Bielsa là giấc mơ điên rồ nữa, nhưng là điên rồ đáng mong đợi. Nó sẽ khiến chúng ta mong mỏi được xem đội bóng của Bielsa sẽ chơi như thế nào ở mỗi cuối tuần, để rồi có thể khen ngợi, chê bai, bình phẩm trên từng lần trình diễn của họ.

Ít ra, như vậy, Premier League cũng thêm được nhân tố nào đó mới mẻ chứ không chỉ xoay quanh những cái tên đại gia đã cũ mèm, với nhiều câu chuyện nhiều khi cũng đồng dạng với nhau đến mức nhàm chán.

Khả năng chạy chỗ của tân binh đắt nhất lịch sử Leeds United Rodrigo Moreno, tiền đạo người Tây Ban Nha vừa đầu quân cho Leeds United với phí chuyển nhượng 30 triệu euro, sở hữu khả năng chạy chỗ và dứt điểm ấn tượng.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-ma-doi-bong-bi-ghet-nhat-nuoc-anh-post1128710.html