Ghế nóng: Quyền năng 'nữ thần'

Trong những câu chuyện thần thoại ở nhiều quốc gia trên thế giới, 'nữ thần' thường có quyền năng siêu nhiên. Thần thoại Trung Quốc kể rằng thần Nữ Oa sinh ra con người, còn trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Hera bảo hộ hôn nhân, 'nữ thần' Athena là thần bảo vệ chiến tranh chính nghĩa... còn nữ thần Atalanta có tài săn bắn với khả năng chạy vượt trội, là biểu tượng của sức mạnh và ý chí vươn lên.

Cũng bởi ý nghĩa cao đẹp đó mà vào năm 1907, một nhóm sinh viên và huấn luyện viên Thụy Sĩ đã thành lập đội bóng đặt tên là Atalanta. Biệt danh nữ thần Atalanta cũng gắn liền với đội bóng này từ đó.

Trở về thực tại, trước khi đánh bại Valencia 8-4 sau hai lượt trận để góp mặt ở tứ kết UEFA Champions League 2019-2020, không nhiều người hâm mộ biết đến câu lạc bộ (CLB) Atalanta. Truyền thông châu Âu thì dùng từ “lọ lem” để miêu tả về đội bóng này vốn chỉ có quỹ lương 36 triệu euro/mùa. Thành phố Bergamo nơi Atalanta đóng quân chỉ có dân số hơn 120.000 người. So với những Milan, Turin hay Rome hoa lệ thì nơi đây giống như một vùng quê xa xôi và hẻo lánh trong bóng đá đỉnh cao. Nếu như Juventus với tham vọng vô địch đã bị Lyon "giội" một “gáo nước lạnh” với trận thua 0-1 ở lượt đi thì Napoli với kết quả hòa 1-1 trên sân nhà cũng chẳng thể bảo đảm cho một tấm vé đi tiếp trước “gã khổng lồ” Barcelona. Giữa bối cảnh bóng đá Italy đang lao đao vì dịch Covid-19 thì sự kiện Atalanta đoạt vé dự tứ kết Champions League chẳng khác nào tin vui như tìm ra vắc-xin phòng bệnh, khích lệ các đội bóng khác giữa mùa dịch.

Có một điều khá trùng hợp về hành trình vươn lên giữa “nữ thần” Atalanta và CLB Atalanta. Trước khi được tôn sùng, nàng Atalanta đã bị cha của cô vứt bỏ trên một ngọn núi. Với ý chí sinh tồn và vươn lên bất diệt, Atalanta sau này đã trở thành nữ thần tôn kính. Còn với CLB Atalanta, mặc dù lịch sử thành lập không thua kém gì các đội bóng ở Italy nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà thành tích của CLB này khá nghèo nàn. Lịch sử của Atalanta là gắn liền với chuỗi ngày thăng hạng, rồi xuống hạng và thành tích tốt nhất là chức vô địch cúp quốc gia Italy đã cách đây 57 năm. Từ một đội bóng tí hon, CLB Atalanta đang vươn mình trở thành một đội bóng tinh nhuệ, đánh đông dẹp bắc.

Người đã trở thành “kiến trúc sư” cho sự trỗi dậy của CLB Atalanta không ai khác là Giám đốc kỹ thuật J.Sartori. Ông đã thúc đẩy đội hình Atalanta kể từ năm 2017, với việc mang về các cầu thủ tấn công J.Ilicic, D.Zapata và L.Muriel mà không tốn một xu. Với quỹ lương và nguồn tài chính eo hẹp, Atalanta đành phải mua những cầu thủ trẻ tiềm năng hoặc các ngôi sao đã ở sườn dốc bên kia sự nghiệp. Một trong những quyết định dũng cảm và sáng suốt nhất của J.Sartori là bổ nhiệm HLV G.Gasperini. Ở tuổi 62 với sự già dơ kinh nghiệm, G.Gasperini đã đưa Atalanta đến vị trí thứ 4 tại Serie A và một tấm vé dự Europa League trong mùa giải đầu tiên. Mùa bóng 2018-2019, Atalanta đã gây ấn tượng khi xếp hạng 3 Serie A và lần đầu tiên trong lịch sử giành suất dự Champions League. Và để đủ điều kiện dự đấu trường đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu, Atalanta đã phải mượn sân San Siro của AC Milan bởi sân nhà Gewiss Stadium không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Không chỉ gây sốc khi góp mặt ở tứ kết Champions League, Atalanta nhiều lần tạo nên những chiến thắng chấn động tại Serie A. Trong đó hai lần ghi được 7 bàn thắng trong 1 trận (thắng 7-1 trên sân nhà trước Udinese và 7-0 trên sân Torino). Họ cũng gây sốc với 2 trận thắng cùng tỷ số 5-0 trước AC Milan và Udinese trước đó. Atalanta đang sở hữu hàng công mạnh nhất Serie A với 70 bàn sau 25 trận (trung bình ghi 2,8 bàn/trận), là đội bóng sút cầu môn nhiều nhất, được chấm điểm cao nhất.

Sau Ajax ở mùa trước, CLB Atalanta đang là hiện tượng thú vị của Champions League mùa này. Dưới tài đạo diễn của Giám đốc kỹ thuật J.Sartori, sự quái kiệt của HLV G.Gasperini, Atalanta đang giống như một “nữ thần” với quyền năng vô hạn khiến các đội bóng khác e ngại.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/ghe-nong-quyen-nang-nu-than-612228