Gặp ông chủ của những bộ sưu tầm độc đáo

Hàng trăm con tem, hàng trăm kỷ vật về bác sĩ A. Yersin, hàng ngàn dụng cụ nhà hàng… đã được ông Đống Lương Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang sưu tầm cho thỏa niềm đam mê.

Kể chuyện đời bằng tem

Vợ chồng ông Đống Lương Sơn cùng các chuyên gia tại hội tem Singapore 2022.

Những ngày cuối năm, khi tiết trời ấm lại, Nha Trang chuyển mình sang xuân, chúng tôi có dịp gặp ông Đống Lương Sơn tại tư gia ở trong Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang). Ông Sơn kể về cuộc đời mình và cơ duyên đến với việc sưu tầm kỷ vật. Sau khi rời quân ngũ, năm 1980, ông bắt đầu làm việc trong ngành khách sạn. Suốt những năm sau này, ông trải qua nhiều vị trí, từ phục vụ, quản lý, rồi tổng giám đốc nên có nhiều trải nghiệm. Công việc cho ông cơ hội được đi nhiều nơi, qua hàng chục quốc gia, có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhiều người nổi tiếng. “Yêu nghề, yêu công việc nên tôi có sở thích sưu tầm hiện vật, kỷ vật để sau này khi nhìn lại giúp mình nhớ về những kỷ niệm, những chuyến đi. Đến mỗi vùng đất tôi đều tìm cho mình một kỷ vật nào đó để thỏa đam mê sưu tầm…”, ông Sơn trải lòng.

Vợ chồng ông Đống Lương Sơn dự Triển lãm tem thế giới tại Taipei (Đài Loan) năm 2023 với bộ tem bác sĩ A. Yersin đạt giải Mạ vàng lớn.

Năm 2022, bộ sưu tập tem “Nghề của tôi” (My Job) của ông đồng thời đoạt 2 giải: Giải Mạ vàng lớn (Large Vermeil) và Giải đặc biệt (Special Prize) tại Triển lãm tem thế giới Indonesia 2022 (Indonesia 2022 World Stamp Championship Exhibition). Triển lãm thu hút hơn 500 nhà sưu tập tem đến từ 61 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng ông đã đem đến 5 khung tem, với hơn 500 tem và vật phẩm bưu chính. Bộ sưu tập gắn với từng giai đoạn trong cuộc đời ông. Đó là ước mơ làm phi công qua hình ảnh chiếc máy bay của hãng hàng không dân dụng Việt Nam; thời gian nhập ngũ với những con tem cờ Tổ quốc, chiến sĩ hôn quân kỳ, bộ đội tên lửa… Trở về đời thường, ông bắt đầu với công việc của nhân viên phục vụ bàn thì có những con tem liên quan bếp núc, bưng bê, chạy bàn…; khi chuyển sang làm pha chế rượu (bartender), ông lại có những con tem về pha chế, các loại rượu, thực phẩm, các loại dụng cụ, đồ khui… Sau nhiều năm cống hiến, ông được đề bạt làm tổng giám đốc một khách sạn thì lại có những con tem về những khách sạn lớn, ngành dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng nổi tiếng và những con tem liên quan đến Nha Trang - Khánh Hòa, như: Viện Hải dương học, vịnh Nha Trang…

Bộ sưu tập đồ khui rượu.

Điều đặc biệt là vợ ông - bà Nguyễn Thị Mỹ Kim không chỉ trợ giúp đắc lực cho ông trong công việc mà còn là nhà sưu tầm tem tầm cỡ, đạt nhiều giải lớn ở khu vực và quốc tế. Ông Sơn và bà Kim đã được đề cử làm giám khảo quốc tế về tem với vai trò thực tập viên tại Triển lãm tem 5 nước (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam) tại Singapore (năm 2022) và Thái Lan (năm 2023).

Bảo tàng thu nhỏ

Trong căn nhà 4 tầng khang trang của gia đình ông Sơn trưng bày nhiều hiện vật, kỷ vật mà ông sưu tầm suốt 40 năm. Ông mở tủ kính cho tôi xem những chiếc khui bia, đồ mở rượu vang muôn hình muôn vẻ. Bộ sưu tập còn có rất nhiều vỏ chai những loại rượu nổi tiếng trên thế giới, các ché rượu cần của Việt Nam… Ngoài ra, ông còn có bộ sưu tập ốc biển từ các vùng biển của Việt Nam, Nam Phi, Mexico, quần đảo Hawaii… rất phong phú, như: Ốc tai tượng, ốc bàn tay, ốc xà cừ, ốc măng, ốc sứ... với số lượng lên đến hàng ngàn con. Ngoài ra, còn hàng ngàn huy hiệu, quốc kỳ; cả ngàn miếng lót ly... góp phần làm phong phú thêm cho bộ sưu tập độc đáo ấy.

Hàng ngàn vật dụng nhà hàng được ông Sơn sưu tầm.

Nhiều kỷ vật về bác sĩ Yersin được đặt trang trọng.

Đặc biệt, bộ sưu tập về bác sĩ A. Yersin thực sự là những hiện vật cực kỳ giá trị, đong đầy tình cảm của ông với bác sĩ A. Yersin, gây xúc động cho người xem. Trong căn phòng mà ông dành riêng cho bác sĩ A. Yersin, nổi bật là bức tượng đất nung phủ gốm màu đen chân dung bác sĩ A. Yersin của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng. Cùng với đó là những cuốn sách sinh thời bác sĩ Yersin đã đặt trên kệ sách của mình. Trong tủ kính còn có con dấu rất quý giá, màu đen mà bác sĩ Yersin đã từng sử dụng… Ông kể về một kỷ niệm khó quên khi khảo sát nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà: “Ngày đầu, chúng tôi khảo sát nhà làm việc của bác sĩ Yersin, trong lúc anh em đang quan sát, tôi tình cờ phát hiện một vật gì nằm dưới đất. Cùng lúc đó, có người chuẩn bị bước tới nguy cơ giẫm lên. Tôi vội hô to, anh ấy đứng sững lại. Tôi bước tới, nhặt lấy vật phẩm. Thật may, đó là chiếc đèn dầu bằng sứ mà bác sĩ Yersin sử dụng khi làm việc trên đỉnh Hòn Bà vẫn còn nguyên vẹn”. Kỷ vật này đang được cất trang trọng tại gian phòng của ông. Ông Sơn nói với vẻ trang trọng, kính cẩn: “Những hiện vật, kỷ vật này là nỗ lực sưu tầm của tôi và những đồng nghiệp ở Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin trong suốt nhiều năm. Tất cả những hiện vật này, chúng tôi sẽ hiến tặng cho Bảo tàng A. Yersin sau khi hoàn thành…”.

VĨNH LẠC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/gap-ong-chu-cua-nhungbo-suu-tam-doc-dao-e0d381f/