Gặp người giữ trọn lời thề Hyppocrates

'Là cán bộ y tế, với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đã nhiều lần đọc lời thề Hyppocrates, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến với đại dịch Covid-19'.

Câu nói của bác sỹ Chuyên khoa II Tạ Kiên Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương giúp tôi hiểu vì sao anh viết đơn tình nguyện đến Đồng Nai khi nơi đây dịch ở giai đoạn bùng phát mạnh nhất. Đó cũng chính là lý do sau chưa đầy 1 tháng trở về từ miền Nam, anh lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ “cắm chốt” tại điểm dịch thôn Na Lốc, xã Bản Lầu (Mường Khương).

Bác sỹ Tạ Kiên Cường (bên phải ảnh) chỉ đạo công tác y tế tại khu cách ly tập trung Na Lốc, Bản Lầu.

56 ngày chống dịch ở Đồng Nai

Ngày 20/8/2021, bác sỹ Tạ Kiên Cường với vai trò là Trưởng đoàn đã cùng 49 bác sỹ, điều dưỡng của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đến “tuyến lửa Đồng Nai”. Những lời kể, tâm sự của anh sau 56 ngày chống dịch tại Đồng Nai khiến người nghe không khỏi xúc động và tự hào về những chiến sỹ áo trắng.

Anh Cường tâm sự: Lúc đoàn cán bộ y tế tỉnh Lào Cai đặt chân đến Đồng Nai, khắp nơi vắng lặng, mỗi ngả đường, mỗi ngõ đều là các chốt chặn, trên đường chỉ có sự xuất hiện của lực lượng công an, quân đội, y tế...

Nếu như các đoàn tình nguyện của tỉnh Lào Cai về Bình Dương hoặc Bắc Giang làm việc trong bệnh viện dã chiến, thì đoàn tình nguyện của bác sỹ Tạ Kiên Cường nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch trong cộng đồng tại huyện Nhơn Trạch, một trong những địa phương có tình hình dịch phức tạp nhất khi đó, có ngày cao điểm ghi nhận hơn 500 ca mắc Covid-19. “Chúng tôi lấy hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm, truy vết, xét nghiệm và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Chúng tôi sát cánh cùng các đoàn tình nguyện đến từ Bắc - Trung - Nam cùng nhau kiên cường, không ai thoái chí, nản lòng trước dịch bệnh”, bác sỹ Cường kể.

Trong đoàn cán bộ y tế hỗ trợ tỉnh Đồng Nai, mọi người không gọi bác sỹ Cường là “Trưởng đoàn” mà gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi “anh cả”. Anh đã sống và làm việc như chính ý nghĩa cái tên mà cha mẹ đã đặt cho “Kiên Cường”. Anh không chỉ phân công công việc hợp lý, hỗ trợ đồng đội trong công việc, anh còn quan tâm đến đời sống, chăm lo sức khỏe, động viên anh em. Thấy mọi người làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao nhưng quá căng sức, không có ngày nghỉ, đặc biệt là cán bộ nữ, anh sốt ruột phân lịch nghỉ luân phiên, nhưng ai nấy đều từ chối, bởi giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, mỗi ngày số lượng mẫu, số người cần truy vết rất lớn, họ hiểu rằng thêm một cán bộ y tế là giảm đi gánh nặng cho đồng nghiệp của mình.

Sau 56 ngày làm việc không biết mệt mỏi, hành trang từ Đồng Nai trở về quê hương của bác sỹ Tạ Kiên Cường không còn những bộ đồ chống dịch, nước muối, khẩu trang hay lương thực, mà nặng những ân tình của bạn bè, đồng nghiệp và bà con ở Đồng Nai. Anh mang theo những món quà nhỏ của bà con ở đây đã chia cho đoàn, như mớ rau, quả trứng. Một món quà đặc biệt mà anh mang về Lào Cai là chiếc đàn ghitar do đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch tặng, trên đàn ghi dòng chữ nghĩa tình: “Thân tặng người anh em đoàn Lào Cai”.

Trong những ngày chống dịch ở Đồng Nai, món quà ấy là nguồn động viên tinh thần của bác sỹ Cường và những cán bộ y tế trong đoàn công tác. Có những ngày khi kết thúc công việc, đêm đã buông, trở về phòng nghỉ, bác sỹ Cường lại đánh đàn, hát lên những giai điệu quê hương, những cán bộ y tế trong đoàn cùng sum vầy, trò chuyện, động viên, chia sẻ với nhau trước khi bắt đầu một ngày mới căng sức ngoài “chiến trường”.

Đúng ngày đoàn Lào Cai trở về, huyện Nhơn Trạch có quyết định nới lỏng giãn cách. Những con phố vắng lặng ngày đến, nay ngày về nhộn nhịp xe cộ, người dân hân hoan trong niềm vui dịch đã bớt căng thẳng, họ vẫy tay chào tạm biệt đoàn cán bộ y tế. Anh Cường và các cán bộ y tế trong đoàn cảm nhận được niềm vui lan tỏa, những ngày vất vả chống dịch càng trở nên ý nghĩa, công sức nhỏ bé của cả đoàn đã góp phần mang lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống, con người nơi đây.

Bác sỹ Tạ Kiên Cường tham gia lấy mẫu cho bệnh nhân.

Góp sức cho quê hương

Trở về chưa đầy 1 tháng, bác sỹ Tạ Kiên Cường lại tiếp tục góp sức chống dịch ở quê hương. Chúng tôi gặp bác sỹ Cường khi anh đang làm việc ở Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Bản Lầu (Mường Khương), trong đó anh nhận nhiệm vụ tham mưu các hoạt động về công tác y tế, phòng dịch.

Thôn Na Lốc là thủ phủ dứa ở xã Bản Lầu, lẽ ra tháng 12, người dân đang nhộn nhịp bắt tay vào trồng, chăm sóc vụ dứa mới thì dịch Covid-19 bỗng xuất hiện. Với kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ chống dịch ở Đồng Nai, bác sỹ Cường nhận định rằng phải sớm lấy mẫu sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời truy vết F1, F2 để quản lý, theo dõi. Anh cũng tham mưu cho UBND huyện Mường Khương nhanh chóng phong tỏa, khoanh vùng các thôn có nguy cơ cao. Nhận thấy nguồn nhân lực, tài chính hạn chế, trong 7 thôn nguy cơ, anh Cường xác định công tác phòng dịch cần chú trọng vào 2 thôn trọng điểm là Pạc Bo và Na Rin; anh phân tích các chùm ca bệnh, tìm ra chùm ca bệnh có khả năng lây nhanh, phức tạp nhất để tập trung ứng phó.

Ngày 1/12/2021, hơn 100 cán bộ y tế trên địa bàn huyện Mường Khương được huy động, tham gia lấy mẫu sàng lọc Covid-19 trên diện rộng tại xã Bản Lầu. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh cũng cử lực lượng vào hỗ trợ. Chỉ trong hơn 1 ngày, bác sỹ Tạ Kiên Cường cùng đồng nghiệp đã thông đêm lấy mẫu cho hơn 6 nghìn người dân Bản Lầu. Các trường học ở thôn Na Lốc, nơi có ca F0 đầu tiên, được sử dụng làm khu cách ly tập trung. Các lực lượng quân đội, công an, y tế cùng phối hợp đảm bảo đời sống, kiểm tra sức khỏe cho công dân cách ly, bà con vùng phong tỏa... Anh Cường tâm sự: Chỉ cần lơi lỏng là có thể dịch bệnh sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu. Cán bộ y tế làm việc như thể chạy đua với thời gian.

Anh Cường chia sẻ rằng, ấn tượng nhất đó là hình ảnh những đứa trẻ bị mắc Covid-19 phải điều trị tại Bệnh viện Dã chiến. Anh đã xin ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế để người thân của các em được cùng vào Bệnh viện Dã chiến chăm sóc con, em mình.

Mặc dù có 2 con nhỏ, nhưng khi xã Bản Lầu phong tỏa vì dịch, vợ anh là chị Nguyễn Linh Giang, kế toán Trung tâm Y tế huyện cũng không quản ngại trực tiếp tham gia chống dịch. Chị cùng đồng nghiệp vận chuyển đồ đạc, vật dụng thiết yếu và vật tư y tế cho khu cách ly. Chị cũng trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân trong những ngày đầu. Trở về, chị Giang lại là hậu phương vững chắc của anh Cường, kết nối những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân ủng hộ các lực lượng chống dịch ở Bản Lầu và bà con đang cách ly y tế.

Ngày 15/12, sau 16 ngày chống dịch, xã Bản Lầu được dỡ bỏ cách ly y tế, đó là thành quả cho sự nỗ lực của các lực lượng và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trước cuộc chiến này. Anh Cường chẳng thể giấu nổi niềm vui với chúng tôi: Khống chế được dịch bệnh, không để dịch bùng phát, người dân có thể yên tâm đón tết là mong muốn lớn nhất của chúng tôi.

Rời khỏi khu vực cách ly đã được dỡ bỏ, sau lưng anh Cường là vườn đào đã nở hoa sớm, sắc xuân hồng thắm trên sườn đồi, bên những hiên nhà ở vùng biên giới Bản Lầu. Bà con rộn ràng trong nhịp sống bình thường mới, chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Dần ấm áp.

Không chỉ bác sỹ Cường, mà gần 5 nghìn cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đều giữ trọn lời thề Hyppocrates - lời thề y đức, lời thề về sứ mệnh cao cả của những cán bộ y tế đã và đang đóng góp công sức, đẩy lùi đại dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352424-gap-nguoi-giu-tron-loi-the-hyppocrates