Gặp lại Bông Huệ của một thời 'Thép đã tôi'!

Tôi không nhớ đã gặp cô bao nhiêu lần. Chỉ biết mỗi lần gặp, tôi thấy mình như được truyền thêm nhiệt huyết. Ở cô, tôi luôn cảm nhận sự mới mẻ, trẻ trung, yêu đời. Đấy chính là lý do khiến tôi luôn gọi nữ AHLLVTND Ngô Thị Huệ bằng cô, dù năm nay cô đã 81 tuổi.

Tôi không nhớ đã gặp cô bao nhiêu lần. Chỉ biết mỗi lần gặp, tôi thấy mình như được truyền thêm nhiệt huyết. Ở cô, tôi luôn cảm nhận sự mới mẻ, trẻ trung, yêu đời. Đấy chính là lý do khiến tôi luôn gọi nữ AHLLVTND Ngô Thị Huệ bằng cô, dù năm nay cô đã 81 tuổi.

Anh hùng Ngô Thị Huệ với cố đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ đã tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt được 8 tên ác ôn khét tiếng, trực tiếp gây dựng được 27 cơ sở cách mạng, trong đó có 4 cơ sở làm việc trong hàng ngũ của địch, 2 cơ sở tại đồng bào công giáo và 13 cơ sở hoạt động tại vùng nội thành. Cô được tặng thưởng nhiều Huân - Huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong lực lượng CAND. Năm 1985, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều kỷ vật thời kỳ hoạt động điệp báo của cô hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND. Trong thời gian cô nằm điều trị tại Bệnh viện E, đích thân Bộ trưởng Bộ CA Trần Quốc Hoàn đã đến thăm và nhận cô làm con nuôi. Đến nay, các con cháu của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn vẫn xem cô như là người trong nhà.

1. Vừa đặt chân bước vào nhà, cô đã nhận ra tôi ngay (trước ngày thực hiện giãn cách xã hội - P.V): "Thủy Báo Công an Đà Nẵng đó hả con? Tìm cô có chuyện chi không?". "Con đến thăm cô, luôn tiện để lại được viết về cô nhân 75 năm Ngày thành lập ngành CAND". "Đã mấy lần con viết về cô rồi, giờ viết chi nữa con? Còn rất nhiều người xứng danh anh hùng lắm, con đi tìm hiểu viết về họ đi, đừng viết về cô nữa! Chỉ cần khi nào rảnh rỗi ghé thăm cô, nếu được ở lại ăn cơm là cô chú vui lắm rồi!"- đon đả rót nước, lấy bánh kẹo ra mời tôi, cô nhẹ nhàng từ chối. Chợt phát hiện, mỗi lần đến nhà cô, bao giờ tôi cũng có phúc ăn. Khi thì sữa chua do chính tay cô làm, lúc thì bánh trái. Cô bảo "để ai ghé đến nhà chơi, có cái mời cho vui!". Cô luôn luôn thế! Nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo, giản dị, gần gũi và cũng rất đỗi khiêm nhường!

2. Chuyện về cuộc đời cô, tôi được nghe, được kể và đọc từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên thuộc nằm lòng. Thế nên, thật lòng (như cô nói ở trên), tôi cũng không biết mình sẽ viết gì thêm trong lần đến thăm này. Từ chuyện Út Huệ mới hơn 10 tuổi đã vào Đội Thiếu nhi làm nhiệm vụ cảnh giới, tham gia làm hầm chông, đưa thư từ, liên lạc cho cán bộ...; đến chuyện 16 tuổi chính thức đứng vào hàng ngũ của Đội công tác cách mạng cánh Bắc Hòa Vang, cùng đồng đội lập nên bao chiến công. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đã biết bao lần cô đối mặt với hiểm nguy giữa lằn sinh-tử, nhiều lần bị địch bắt, bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Không có nhục hình đớn đau nào ở trong các nhà tù mà cô chưa từng nếm trải qua. Nhưng, tất cả mọi nhục hình tra tấn đó đều phải khuất phục trước bản lĩnh, sự gan dạ, kiên trung của nữ điệp báo có vóc dáng "bé hạt tiêu" này. Đau đớn, mất mát hơn tất cả, chính từ những trận đòn tra khảo ghê rợn ấy đã cướp đi của cô thiên chức thiêng liêng, cao cả nhất của người phụ nữ - thiên chức làm mẹ...

Anh hùng Ngô Thị Huệ (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) trong dịp kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc tại Hà Nội.

3. Mỗi lần nhắc đến chuyện đó, tôi lại càng thấy trân trọng hơn bao giờ hết mối tình của vợ chồng cô, mà với riêng tôi, đó là "duyên tiền định'". Đã trên dưới 2 lần tôi viết về chuyện tình cô chú, nhưng giờ nhắc lại vẫn cứ thấy ngưỡng mộ. Chuyện rằng, trong một lần bị địch bắt và bị chuyển vào nhà lao ở Hội An, khí phách kiên trung của nữ điệp báo Ngô Thị Huệ trước những đòn tra khảo của địch nhất quyết không khai báo đã lan khắp nhà tù Hội An. Lúc đó, ông Trần Viết Trí - chồng cô bây giờ cũng đang bị địch giam giữ tại đây. Dẫu chưa gặp được mặt cô em gái nhỏ kiên trung ấy, nhưng ông thực sự cảm phục. Đầu năm 1969, trên đường làm nhiệm vụ, cô bị thương nặng ở đầu do trúng bom địch. Mảnh kim loại găm trong đầu chưa lấy ra được, cộng thêm chuyện hai anh trai cùng chị gái hy sinh, cha lại qua đời... đã đả phá tinh thần, khiến Út Huệ lên cơn động kinh liên tục. Tổ chức quyết định đưa cô ra Bắc điều trị tại Bệnh viện E. Trong những tháng ngày nằm điều trị tại Bệnh viện E, chuyện về "bông hồng thép" Út Huệ kiên cường chống lại bệnh tật đã làm lay động các thương bệnh binh, đội ngũ y bác sĩ nơi đây và lan truyền đến các đồng chí lãnh đạo. Ai cũng thương mến, cảm phục trước bản lĩnh của người con gái nhỏ nhắn, thể trạng gầy yếu như em bé của Út Huệ.

Thời kỳ này, ông Trí cũng tập kết ra Bắc, công tác tại Bệnh viện E trong cương vị Bí thư Đảng ủy bệnh viện. Người vợ đầu của ông Trí đã qua đời vì bệnh tật, để lại hai con trai còn nhỏ dại. Vì thế, khi được gặp người em gái đồng hương nổi tiếng gan dạ thời còn ở nhà tù Hội An, tận mắt chứng kiến cảnh cô chống chọi với bệnh tật, ông càng thêm thương yêu, muốn trở thành điểm tựa tinh thần cho cô. Biết được tình cảm của ông, cô từ chối vì biết mình không có khả năng làm mẹ, chỉ xem ông như một người anh trai. Mãi sau này, khi nhìn thấy bức ảnh 2 đứa con nhỏ của ông Trí sớm mồ côi mẹ, cô xúc động bởi mình cũng mồ côi mẹ từ bé, mới quyết định nhận lời làm vợ ông.

Sau ngày hòa bình lặp lại khi miểng đạn trong đầu chưa được lấy ra, cô đã phải trải qua không biết bao lần đối diện thập tử nhất sinh. Nhờ có chồng, có các con trai, con dâu, cháu nội là con riêng của chồng luôn ở bên cạnh, động viên, làm chỗ dựa tinh thần; cùng sự giúp đỡ của các y bác sĩ, của đồng đội, đồng nghiệp mà cô đã vượt qua được tất cả. Chính vì lẽ đó, cô luôn trân quý những gì mình đang có được, tự dặn lòng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải sống thật có ích. Hễ giúp được ai điều gì trong điều kiện có thể, vợ chồng cô đều sẵn lòng.

Có chuyện về cô ít được ai nhắc đến, đó là, từ khi nhận lời làm vợ ông Trần Viết Trí, năm nào, cô cũng đứng ra làm giỗ cho người vợ đầu của chồng với tất cả lòng thành kính. Cô yêu thương các con riêng của chồng như con mình rứt ruột đẻ ra. Đáp lại tấm lòng của cô, các con riêng của chồng cũng thương quý, coi cô như mẹ ruột.

Nữ AHLLVTND Ngô Thị Huệ giữa đời thường. Ảnh: P.T

4. "Sự tích" về bức ảnh do một nhiếp ảnh nào đó chụp với sự kiện chính về việc quân cảnh giải người chiến sĩ Cộng sản bị bắt đi trên phố, vô tình có mặt nữ điệp viên Ngô Thị Huệ đang bị địch truy lùng vào năm 1968 đã đi vào lịch sử của ngành CAND nói chung, của TP Đà Nẵng nói riêng. Điều này cũng đã được tôi và nhiều đồng nghiệp khác viết nên xin không được nhắc lại trong bài viết này. Nhưng có một chi tiết ít ai nhắc đến đó là, sau khi hoàn thành nhiệm vụ về lại căn cứ ở Gò Nổi, Út Huệ đã bật khóc rưng rức. Cô khóc không phải vì vừa trải qua một ngày căng não, tìm mọi cách để trao tài liệu, nhận mệnh lệnh từ thủ trưởng đang hoạt động trong lòng địch, mà vì thương đồng đội bị địch bắt, áp giải về Ty Gia Long tra khảo. Bức ảnh đó đến năm 1982 cô mới được biết đến. Phòng Tình báo tặng cho cô và cho biết, họ tìm thấy trong Phòng Lưu trữ hồ sơ mà quân ngụy để lại với nội dung "lệnh truy nã nữ Việt cộng Ngô Thị Huệ, tên thường gọi là Minh Hiệp".

Và có một chuyện nữa cũng ít ai biết đến. Đó là, từ sau ngày đất nước thống nhất, hàng năm, cứ đến ngày 27-7, vợ chồng cô lại làm giỗ cho các hương linh anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Tôi cũng tình cờ biết được chuyện này hôm đến thăm cô, nghe cô chú đang bàn chuyện làm giỗ 27-7. Nhìn vẻ thành kính của cô chú, tôi cảm nhận được rằng, với họ đó là ngày thiêng liêng không khác gì ngày giỗ cha mẹ mình. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến lời cô bộc bạch tại buổi gặp mặt cựu nữ tù chính trị Côn Đảo cách đây 4 năm: "Được sống trở về như hôm nay, chúng tôi trân quý những giá trị của hòa bình độc lập tự do, luôn dặn lòng "thương binh tàn, nhưng không phế"; dù tuổi cao, sức yếu luôn giữ phẩm chất trong sáng của người đảng viên, dạy dỗ con cháu nên người, sống đẹp để xứng đáng với những đồng đội đã anh dũng ngã xuống tại nhà tù Côn Đảo...".

Ghi chép: P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_229985_.aspx