Gạo Chăm Tan của dân tộc Sán Chỉ

Trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được thưởng thức bát cơm nấu từ gạo Chăm Tan, cùng với đặc sản cá nướng, thịt treo gác bếp… nhâm nhi chén rượu men lá thì còn gì tuyệt vời hơn thế.

Đặc sản gạo Chăm Tan của dân tộc Sán Chỉ Bảo Lạc.

Gạo Chăm Tan (tiếng Sán Chỉ là Pìao Sặt Mậy) là một loại gạo tẻ đặc sản của người Sán Chỉ ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Gạo Chăm Tan được trồng trên các sườn núi, nương rẫy của đồng bào Sán Chỉ xã Hưng Đạo (Bảo Lạc). Do chỉ gieo trồng được một vụ trong năm, diện tích đất canh tác ít (tập trung chủ yếu ở 2 xóm: Nà Chào, Khuổi Tặc), sản lượng thấp nên gạo Chăm Tan khá hiếm. Giống lúa này được bà con Sán Chỉ lưu truyền từ bao đời nay thông qua việc chọn lựa, lưu giữ hạt giống bằng phương thức thủ công, dựa trên những kinh nghiệm truyền thống. Đến mùa gặt, bà con dùng lưỡi cắt thủ công (thép) cắt từng bông lúa chứ không dùng liềm hay bất cứ máy móc nào khác để thu hoạch. Sau khi thu hoạch về, lúa được bó thành từng nắm phơi khô rồi để lên trên gác bếp, treo trên xà nhà, lúc nào ăn mới đem xuống tuốt để xay xát. Giá bán của loại gạo này từ 10 - 15 nghìn đồng/bơ (sữa).
Lúa Chăm Tan có đặc điểm là thời gian sinh trưởng từ 100 - 115 ngày, cây cao, cứng rạ, chống chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh. Hạt gạo nhỏ, dài, màu trắng đục; khi nấu lên có hương vị rất riêng biệt, vừa thơm ngon lại mềm dẻo, dù để nguội vẫn không bị khô hay mất vị; có thể đồ như xôi hoặc nấu rượu. Người Sán Chỉ thường dùng gạo Chăm Tan trong dịp lễ, tết, cưới hỏi, ma chay hoặc nấu ăn hằng ngày. Đây không chỉ là thứ gạo đặc sản cổ truyền mà còn là niềm tự hào của người Sán Chỉ huyện Bảo Lạc.
Trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được thưởng thức bát cơm nấu từ gạo Chăm Tan, cùng với đặc sản cá nướng, thịt treo gác bếp… nhâm nhi chén rượu men lá thì còn gì tuyệt vời hơn thế.

Phương Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gao-cham-tan-cua-dan-toc-san-chi-76813