Ga Long Biên đẹp 'long lanh' sau cải tạo nhưng thưa vắng khách

Ga Long Biên vừa được cải tạo với lối kiến trúc, trang trí cả bên ngoài và bên trong theo phong cách tân cổ điển xu hướng Pháp.

Ga Long Biên đẹp long lanh sau cải tạo, nâng cấp

Ngành Đường sắt vừa đưa vào khai thác ga Long Biên sau nửa năm tiến hành cải tạo, nâng cấp. Nhà ga như được khoác chiếc áo mới với lối kiến trúc, trang trí cả bên ngoài và bên trong theo phong cách kiến trúc tân cổ điển xu hướng Pháp. Phòng đợi tàu thông thoáng, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại phục vụ hành khách

Bên ngoài nhà ga, tường được sơn màu vàng nhạt; dàn sắt hoa đang đỡ mái hiên kính, biển tên “Long Biên station”, cổng sắt và các khung cửa sổ sắt uốn được sơn màu nâu đồng. Trong phòng đợi tàu, các quầy bán vé được ốp gỗ lim, màu vecni nâu bóng cùng nhiều trang thiết bị phục vụ hành khách hiện đại như màn hình thông báo bằng điện tử; điều hòa trần, ti vi màn hình phẳng… Biển tên nhà ga, các bảng biển chỉ dẫn rất đẹp.

Phía ngoài nhà ga, khu vực sát đường ke cũng được cải tạo mới, đẹp hơn

Hàng ngày, tại ga Long Biên đón, tiễn khoảng 12 chuyến tàu, trong đó có 6 chuyến tuyến Hà Nội - Hải Phòng, 2 chuyến tuyến Hà Nội - Yên Bái, 2 chuyến tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và 2 chuyến tuyến Long Biên - Quán Triều. Tuy nhiên, hành khách lên tàu QT1 xuất phát tại ga Long Biên, ga cuối Quán Triều (Thái Nguyên) rất vắng

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, ngoài các tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng duy trì được lượng khách ổn định, tỷ lệ chiếm chỗ tương đối cao, các tàu các tuyến còn lại rất vắng khách. Điển hình như tàu QT1/2 Long Biên - Quán Triều (Hà Nội - Thái Nguyên) và ngược lại, tuy là tàu khách nhanh nhưng rất vắng. Toa ghế ngồi mềm điều hòa chỉ khoảng 30 hành khách

Ghi nhận của PV Báo Giao thông mới đây, dù trùng vào cuối tuần nhưng hành khách lên tàu QT1 tại ga Long Biên chỉ khoảng 50-60 hành khách. Toa ghế ngồi cứng thưa thớt khách

Một toa ghế ngồi cứng chỉ có duy nhất một hành khách

Hành khách lên tàu các ga dọc đường cũng rất ít. Theo một nhân viên trên tàu, hành khách chủ yếu lên tàu ở các ga Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh. Ảnh: Chỉ vài khách lên tàu tại ga Đông Anh

Hành khách trên tàu làm việc, học tập, đọc sách thoải mái như ở nhà

Bắt đầu từ ga Phổ Yên đến ga Lưu Xá, ga Thái Nguyên, hành khách lục tục xuống tàu. Ảnh: hành khách xuống tàu ga Lưu Xá khi trời đã xế chiều

Hành khách xuống ga Thái Nguyên là đông nhất. Đây là ga nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên nhưng theo quy định của ngành Đường sắt chỉ là trạm đón, tiễn hành khách nên nhà ga nhỏ, không có rào chắn, đường ke dẫn ra cả đường ngang giao cắt đường bộ - đường sắt cách ga khoảng 100 mét nên người nhà, xe ôm đón khách đi cả phương tiện vào, đứng đầy sân ga

18h30, tàu QT1 về đến ga Quán Triều là ga cuối cùng, kết thúc hành trình đúng giờ. Chỉ còn vài hành khách xuống tàu tại ga này. Cả hành trình, tàu rất đúng giờ, sạch sẽ, an toàn, nhân viên nhiệt tình, thời gian đi - đến hợp lý.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-canh-ga-long-bien-moi-dep-long-lanh-sau-cai-tao-d434034.html