Đường mòn và con người: Những nghịch lý

Qua 'Đường mòn muôn nẻo', tác giả và nhà nghiên cứu Robert Moor đã đi lại từ đầu để mang đến cái nhìn từ cấp độ vi mô đến vĩ mô, từ thời Tiền Cambri đến hậu hiện đại… về vai trò và ý nghĩa của đường mòn, cũng như làm rõ tương tác qua lại giữa con người và hệ thống giao thông quan trọng này từ cổ chí kim.

Lịch sử của đường mòn

Thật khó tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có hệ thống đường mòn. Là một phát kiến vô cùng quan trọng của nhiều sinh vật, từ tế bào cực nhỏ đến các đàn voi khổng lồ cũng như con người, đã từ rất lâu vạn vật trên hành tinh này đều trông cậy vào những đường mòn để giảm thiểu số lượng choáng ngợp của những lựa chọn. Nếu không có đường mòn, chắc chắn chúng ta sẽ lạc lối. Thế nhưng đường mòn xuất hiện khi nào và bằng cách nào thì không phải điều dễ dàng để kết luận.

Tác giả và nhà nghiên cứu Robert Moor. Ảnh: NXB Simon & Schuster

Bằng cách đi lại từ đầu và khảo sát nó qua nhiều đối tượng, tác giả Robert Moor đã thực hiện một nghiên cứu liên ngành độc đáo và thú vị về đối tượng nói trên. Từ Newfoundland thuộc Canada vốn được biết đến là nơi xuất hiện đường mòn đầu tiên từ 565 triệu năm trước, tác giả đã tự thực hiện nhiều chặng trong tuyến đi bộ Appalachian dài 1.500 dặm kéo dài từ Bắc Mỹ sang châu Âu và kết thúc ở Morocco.

Xen kẽ cùng đó, anh cũng thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu thực địa vào rừng sâu cũng như khu đất của người Mỹ bản địa để tìm hiểu về vai trò quan trọng của nó, cũng như lần giở từng bước tiến trình khi con người và đường mòn bắt đầu thay đổi lẫn nhau.

Bắt nguồn từ những di chỉ để lại từ sinh vật kỷ Ediacara ở Newfoundland, Robert Moor đã khẳng định từ hơn 500 triệu năm trước, các loài sinh vật hiện còn gây tranh cãi về phân loại này đã bắt đầu di chuyển và để lại những đường mòn đặc biệt. Phát triển từ đó, tất cả các loài động vật dường như đều để lại các dấu ấn của mình để tìm hiểu thế giới xung quanh. Từ kiến, mối, sâu bướm dựng lều… – những loài để lại các lối mòn mùi hương để phát tin tức; cho đến voi, bò, trâu, cừu… – những loài được thiên nhiên ưu ái cho một kết cấu cơ thể để thuận tiện cho hành động mở đường và ghi nhớ chúng.

Di chỉ khảo cổ cho thấy những đường mòn đầu tiên do sinh vật kỷ Ediacara tạo ra ở Newfoundland. Ảnh: Wikipedia

Chuyển từ các loài sinh vật cho đến con người, Robert Moor cũng đã thực hiện những chuyến nghiên cứu thực địa để tìm hiểu rõ vai trò của đối tượng này đối với chúng ta. Là một người Mỹ, anh đã tìm về những người bản địa vốn được biết đến có lối sống giao hòa cùng với tự nhiên.

Qua việc tiếp xúc với những tộc người như Cherokee, Navajo… anh biết bằng sự cảm nhận, tôn trọng tự nhiên mà từ rất sớm họ đã hình thành cho mình một mạng lưới những đường mòn riêng. Với văn hóa truyền miệng, họ bắt đầu gắn những câu chuyện dân gian và niềm tin tâm linh vào các địa điểm, từ đó biến đường mòn không chỉ có vai trò về mặt vận tải, liên lạc, mà còn là nguồn phong phú chứa đựng rất nhiều dấu ấn văn hóa của bộ tộc mình.

Nhưng người bản địa cũng gắn với một ký ức mang tính đau thương là bị đàn áp, giải trừ bởi những cá thể tự cho mình là văn minh, hiện đại. Robert Moor đã chứng minh rằng cũng như bất cứ điều gì con người nhận thấy nguồn lợi và chạm tay vào, những đường mòn cũng dần thay đổi trong nhiều thế kỷ, từ khi con người bước vào thời đại cơ khí. Từ những hành trình được người thổ dân tạo ra cho việc di chuyển nhanh chóng, giờ đây chúng bị biến tướng thành những con đường dành riêng cho việc tận hưởng quang cảnh hai bên.

Từ những lối mòn mang tính hoang dã dẫn hướng đến những quả núi linh thiêng, khi nhu cầu thanh lọc, cải thiện tinh thần của con người đô thị ập đến, thì máy móc bắt đầu san phẳng và biến con đường tâm linh trở thành một nguồn thu lớn về mặt tiền bạc…

Bìa sách Đường mòn muôn nẻo. Ảnh: Minh Anh

Mối quan hệ hai chiều giữa con người và đường mòn

Nhích thêm về phía tương lai, Robert Moor cũng bàn thêm về tương lai của những đường mòn, về việc nó không ngừng được mở rộng và nhân tạo hóa ra sao. Từ một cung đường bám theo dãy núi Appalachian, giờ đây con đường nói trên đang ngày càng trở thành siêu đường mòn, chạy dài đến cả những nơi bị nghi là có đất đá của ngọn núi này vào thời mà các địa tầng vẫn chưa phân tầng tách mảng. Kết quả là những nền văn hóa bản địa ngày càng bị xâm chiếm đến tận gốc rễ, khiến cho đường mòn tuy trở nên tiện lợi, đẹp hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự nhanh chóng và thiếu kết nối ở nơi con người.

Nó là phát minh để kết nối con người, nhưng lạ lùng thay cũng chính là thứ chia rẽ con người. Nó là thứ đưa con người đến thế giới văn minh, nhưng rồi rốt cuộc cũng bị văn minh thay thế… Mối quan hệ giữa đường mòn và con người luôn mang tác động hai chiều như thế, nhưng có thể thấy con người bằng sự tha hóa và tham lam, đã dần thay đổi bản chất của đường mòn, không ngừng biến đổi nó để phục vụ cho mục đích của mình.

Đường mòn Appalachian cho thấy tham vọng của con người trong việc ngày càng nối dài nó. Ảnh: Explore Bristol

Xuyên suốt cuốn sách, Robert Moor cũng gửi gắm vào những suy tư đậm tính triết học. Bởi chức năng của đường mòn là thu gọn mớ hỗn loạn nhằng nhịt thành một đường lối rạch ròi dễ hiểu, nên trong nhiều tôn giáo và văn bản, sự giác ngộ cũng thường viện dẫn đến các ẩn dụ về đường mòn, coi nó như hành trình tiến đến cái đỉnh cao nhất mà con người ta có thể đạt được, dù là trong Hỏa giáo, Phật giáo, Hồi giáo hay Đạo giáo… Với Moor, để một đường mòn có thể giữ vững giá trị và tồn tại lâu dài, thì cần phải có đủ ba giá trị là sự lâu bền, hiệu quả và linh hoạt.

Bởi lẽ nếu một đường mòn quá bền và quá cố định thì nó sẽ không hiệu quả khi các điều kiện thay đổi. Một đường mòn quá linh hoạt thì nhiều khả năng cũng sẽ yếu ớt, dễ bị “xói mòn” cũng như “nắn dòng” bởi chính con người… Vì thế thiếu một trong ba phẩm chất, nó sẽ nhanh chóng bị đào thải và thay thế bởi cung đường mới bền hơn, hiệu quả hơn và linh hoạt hơn.

Và bởi đường mòn cũng gắn với sự giác ngộ, nên như tác giả liên kết, để con người có thể tiến đến hạnh phúc, họ cũng cần cân bằng được sức bền, sự linh hoạt và hiệu quả, qua đó để tiến gần đến yên bình trong tâm trí, kiên cường trong ý chí và vững vàng trong tinh thần.

Những lối mòn do voi tạo ra. Voi là loài động vật được cấu tạo để tạo ra các quãng đường nhanh nhất đến nguồn nước hoặc nguồn khoáng. Con người theo đó cũng sử dụng những cung đường này. Ảnh: Research Gate

Qua Đường mòn muôn nẻo, có thể nói tác giả Robert Moor đã làm rõ được vai trò và tác động của các đường mòn từ cổ chí kim. Anh đã cho thấy Trái Đất vốn không sở hữu sự cân bằng thiêng liêng mà loài người bằng các phát minh và sự công nghiệp hóa đã phá vỡ, mà nó vốn là công trình được ghép nối lại bằng hàng tỉ tỉ những con đường khác nhau của các “nhà điêu khắc”, từ nhỏ bé như côn trùng cho đến lớn hơn như cừu, trâu, bò, con người… và khổng lồ như voi… Qua đó thông điệp sống chậm lại, tôn trọng thiên nhiên và sự đa dạng bản sắc cũng được gợi lên, kêu gọi thêm nữa những sự cân nhắc và cẩn trọng trong tương lai gần.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/duong-mon-va-con-nguoi-nhung-nghich-ly-43347.html